Thị trường bảo hiểm Việt Nam: Đánh dấu một năm khởi sắc
Nhờ sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính cùng quyết tâm cao của cơ quan quản lý bảo hiểm và sự đồng hành của các doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2017 tiếp tục đánh dấu thêm một năm tăng trưởng tích cực.
Doanh thu toàn thị trường bảo hiểm tăng 21,2%
Thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2017, tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 105.611 tỷ đồng, tăng trưởng 21,2% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 40.561 tỷ đồng, tăng 10,61% so với năm 2016; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 65.050 tỷ đồng, tăng 28,9%.
Tổng tài sản toàn thị trường bảo hiểm đến hết năm 2017 ước đạt 302.935 tỷ đồng, tăng 23,44% so với năm trước. Đặc biệt, năm 2017, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội với tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 247.801 tỷ đồng, tăng 26,74% so với năm 2016; trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 38.841 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 208.960 tỷ đồng; doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường và chi trả tiền bảo hiểm ước đạt 29.423 tỷ đồng, tăng 14,92%.
Đạt được những con số tích cực trên là nhờ công tác quản lý, giám sát thị trường đã được Cục Quản lý giám sát bảo hiểm chú trọng đổi mới mạnh mẽ và hiệu quả. Cơ quan quản lý đã chủ động sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện, đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả.
Theo đó, trong năm 2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các nghị định về bảo hiểm nông nghiệp, Nghị định thay thế Nghị định số 130/2006/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; Ban hành Thông tư số 50/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2012/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số... Điều này đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các sản phẩm mới, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.
Hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm đa dạng hóa sản phẩm
Để đảm bảo thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển bền vững, khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư đa dạng vào các sản phẩm bảo hiểm, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm về an sinh xã hội như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm thủy sản...
Hướng tới việc nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, Bộ Tài chính đang triển khai nghiên cứu mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro để từng bước áp dụng phù hợp với thị trường bảo hiểm Việt Nam, qua đó, tăng cường tính chủ động cho doanh nghiệp trong việc sử dụng và quản lý nguồn vốn.
Đồng thời, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn thị trường đối với sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới, phục vụ cho việc định phí bảo hiểm, tạo mặt bằng về mức phí sàn, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh trên thị trường.
Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, từng bước chuẩn hoá các khâu trong hoạt động kinh doanh theo thông lệ quốc tế; Tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 62 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.