Mở rộng cho vay tiêu dùng trực tuyến
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu vốn vay của nhiều nhóm đối tượng tăng cao, nhất là tháng 11 - thời điểm được kỳ vọng nền kinh tế có thể tương đối phục hồi. Theo đó, việc mở rộng cho vay tiêu dùng cá nhân và hộ kinh doanh dịch vụ thương mại, đặc biệt là các tiểu thương sẽ là mục tiêu hướng tới của các ngân hàng thương mại (NHTM) những tháng cuối năm.
Thời gian qua, trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội (GCXH), hạn chế tiếp xúc giữa khách hàng và nhân viên tín dụng, để thu hút khách hàng vay tiêu dùng, nhiều NHTM đã thiết kế đa dạng các sản phẩm, thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất cạnh tranh, kỳ hạn trả nợ linh hoạt, đặc biệt hiện nay NH số phát triển, các NHTM đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trực tuyến.
Đơn cử, HDBank triển khai nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua NH số, như: vay trực tuyến duyệt hồ sơ qua App HDBank, phương thức xác thực thông tin khách hàng trực tuyến (eKYC) trên ứng dụng HDBank..., giúp khách hàng thuận lợi hơn trong việc giao dịch mà không phải đến các phòng giao dịch của NH.
Tại VPBank, khách hàng chỉ mất 5 phút đăng ký vay tiêu dùng tín chấp trên NH điện tử của HDBank mà không cần bất kỳ hồ sơ giấy tờ nào, giải ngân trực tuyến chỉ sau vài phút, hạn mức vay từ 10 - 100 triệu đồng, với kỳ hạn vay từ 6 - 60 tháng, lãi suất vay dao động từ 15,9%/năm tính trên dư nợ giảm dần.
Tương tự, VietinBank cũng có sản phẩm “Thấu chi online” dành cho tất cả các khách hàng sử dụng VietinBank iPay có tài khoản thanh toán và tài khoản tiền gửi tiết kiệm trên VietinBank iPay. Mức cho vay cao nhất lên tới 90% giá trị tài sản bảo đảm không vượt quá 300 triệu đồng/tài khoản thấu chi.
MB cũng đưa ra gói vay “siêu nhanh” từ thẻ tín dụng với hạn mức cao nhất lên tới 75% hạn mức thẻ tín dụng, với giá trị từ 5 - 100 triệu đồng. Thủ tục vay và giải ngân được thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên App MBBank…
Qua báo cáo tài chính của các NHTM trong nửa đầu năm 2021 cho thấy, các NHTM cho vay chủ yếu vào cá nhân, hộ gia đình, bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản. Tuy nhiên, mỗi NH sẽ có một thế mạnh cho vay riêng.
Cụ thể, tại VPBank, cho vay cá nhân, hộ gia đình nhiều nhất với 113.066 tỷ đồng dư nợ, chiếm tỷ trọng 36%. Tiếp đến là MB với 108.066 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33% dư nợ. Trong khi Techcombank, tỷ trọng cho vay bất động sản cao nhất, chiếm hơn 32,37% dư nợ tính đến 30/6/2021, đạt gần 9.321 tỷ đồng. Tiếp đến là bán buôn, bán lẻ chiếm 10,18% và công nghiệp chế biến chiếm 7,52%.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho vay cá nhân sẽ là “miếng bánh ngon” đối với các NHTM trong bối cảnh hiện nay. Bởi, NH có bốn nguồn thu chính gồm: cho vay doanh nghiệp; buôn bán trên thị trường liên NH; cho vay cá nhân và phát hành chứng khoán.
Từ nay tới cuối năm, nếu kiểm soát được dịch Covid-19 sớm có thể đến tháng 11 nền kinh tế mới tương đối phục hồi. Nếu mở rộng cho vay cá nhân và hộ kinh doanh dịch vụ thương mại, đặc biệt là các tiểu thương sẽ là mục tiêu hướng tới của các NHTM. Bởi nhu cầu vay vốn của các đối tượng này sẽ tăng cao vào những tháng cuối năm. Trong khi đó, bình quân cho vay cá nhân và hộ gia đình thường là những món vay nhỏ, lãi suất bình quân hiện nay khoảng 28%/năm.
Các chuyên gia cho rằng, các khoản vay tiêu dùng chủ yếu là tín chấp, vì vậy, NH một mặt đẩy mạnh giải ngân vốn tín dụng phục vụ tiêu dùng cá nhân, mặt khác cần nâng cao chất lượng xét duyệt hồ sơ, nhất là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh. Tăng cường giám sát việc sử dụng vốn vay, bố trí nguồn vốn phát triển các gói sản phẩm đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống; kiểm soát tốt chất lượng tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng; tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ.
Đối với khách hàng vay vốn cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ... trước khi quyết định vay tiền qua hình thức vay trực tuyến. Người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, có các chính sách cụ thể về lãi suất vay.
Và đương nhiên trong lĩnh vực cho vay có thể mang lại lợi nhuận cao nhất cho các NHTM trong bối cảnh hiện nay là cho vay tiêu dùng và cho vay kinh doanh bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, BĐS chưa bao giờ là lĩnh vực được ưu tiên, thậm chí các NHTM cho vay nhiều vào nhóm khách hàng này còn phải giải trình với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.
Do đó, dù có là lĩnh vực hấp dẫn, các NHTM cũng không dám “mạnh tay” cho vay. Trong khi đó, cho vay tiêu dùng đang được khuyến khích nhằm hạn chế tín dụng đen. Mặt khác, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng giúp NH duy trì được biên lãi ròng (NIM) cao nhờ chênh lệch đầu ra và đầu vào có thể lên tới hàng chục phần trăm, thông thường lãi suất cho vay duy trì hơn 15%/năm, trong khi mặt bằng lãi suất huy động hiện chỉ vào khoảng 4 - 5%/năm.
Về điều hành tín dụng, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, NHNN thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ bảo đảm cung cấp đủ và kịp thời vốn cho phát triển kinh tế nhưng cũng thận trọng với rủi ro lạm phát và rủi ro nợ xấu phát sinh.
Bên cạnh đó, NHNN thường xuyên tăng cường thanh tra, giám sát, chỉ đạo các NHTM tăng cường kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động và kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích.