“Mở rộng” gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích thêm nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, mở rộng quy mô cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo NHNN, có thêm 4 NHTM đăng ký tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, bao gồm: TPbank, VPBank, MBBank và TechcomBank. Mỗi ngân hàng đăng ký tham gia với số tiền là 5.000 tỷ đồng. Như vậy, tính đến nay đã có 8 ngân hàng tham gia gói tín dụng này. Trước đó, là 4 NHTM cổ phần nhà nước, gồm: BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank.
Đồng thời, NHNN đề xuất tăng thêm mức ưu đãi lãi suất theo hướng người vay sẽ được hưởng lãi suất khoảng 5%/năm, thấp hơn 3 điểm % so với lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân của 4 NHTM có vốn nhà nước.
Tuy nhiên, người vay chỉ được hưởng ưu đãi này trong 5 năm đầu tiên, sau đó mức ưu đãi sẽ giảm dần và sẽ kết thúc sau 10 năm để người vay không ỷ lại. Riêng doanh nghiệp làm nhà ở xã hội giữ nguyên mức ưu đãi giảm 1,5-2 điểm % so với lãi suất vay thông thường.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo NHNN và một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hoan nghênh đề xuất của NHNN về tăng quy mô gói tín dụng với thời hạn cho vay tăng lên và lãi suất giảm đi. Thủ tướng yêu cầu phải nghiên cứu điều kiện tiếp cận phù hợp, tìm cách làm bằng được gói tín dụng này vì đây là chính sách nhân văn, giúp những người khó khăn có chỗ ở.
Báo cáo của NHNN cho thấy, đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được chưa tới 1%, khoảng 1.144 tỷ đồng.
Việc giải ngân chậm là do thủ tục đầu tư kéo dài, có ít dự án triển khai, thứ hai là về điều kiện tiếp cận tín dụng quá nhiều rào cản nên bị nhiều doanh nghiệp phản ánh là rất khó tiếp cận. Lãi suất và thời gian hưởng lãi suất chưa thực sự thu hút người vay.
Trước đó, mặc dù NHNN đã 2 lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà, nhưng Bộ Xây dựng cũng nhận xét mức lãi suất này còn cao, thời hạn ưu đãi lại ngắn, trong vòng 3-5 năm nên "chưa thực sự thu hút người vay".
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HOREA) kiến nghị, ngoài giảm lãi suất, gói hỗ trợ nên xem xét mở rộng thêm 2 đối tượng được vay gói tín dụng này là người mua nhà ở thương mại có giá từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống và chủ nhà trọ được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng phản ánh có một số doanh nghiệp vướng nợ xấu. Chính nợ xấu đã ảnh hưởng đến việc giải ngân. Trong khi đó, với người mua, một trong những tiêu chí với người mua nhà ở xã hội là có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng. Ở mức thu nhập này không thể vay 1 tỷ đồng để mua nhà vì thu nhập đó chỉ đủ để trả lãi ngân hàng.
Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn vốn tự huy động cũng như yêu cầu các NHTM hoạt động theo quy định của pháp luật, theo thị trường thì trong trường hợp muốn thực hiện chính sách, cần phải có cơ chế cấp bù từ phía Nhà nước. Như vậy, các NHTM mới có thể thực hiện được chính sách ưu đãi đề ra.