Mở rộng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Để đạt được mục tiêu 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm (BH) thất nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, Luật Việc làm (sửa đổi) đang được xem xét sửa đổi với nhiều chính sách mới quan trọng như mở rộng đối tượng tham gia BH thất nghiệp, sửa đổi mức đóng BH thất nghiệp...
Để đạt được mục tiêu 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm (BH) thất nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, Luật Việc làm (sửa đổi) đang được xem xét sửa đổi với nhiều chính sách mới quan trọng như mở rộng đối tượng tham gia BH thất nghiệp, sửa đổi mức đóng BH thất nghiệp...

Bao phủ đến tất cả người lao động
Theo đánh giá, quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong Luật Việc làm hiện nay chưa bao phủ đầy đủ người lao động (NLĐ) làm công hưởng lương và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.
Cụ thể, các nhóm sau đây chưa thuộc diện tham gia BHTN: NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của Nhà nước hoặc doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã và có hưởng tiền lương.
Theo quy định của Luật BHXH 2024, đây đều là các nhóm thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Ngoài ra, NLĐ có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên nhưng làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu đóng BHXH bắt buộc theo Luật BHXH 2024 cũng chưa được quy định rõ trong Luật Việc làm.
Trong khi đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đặt mục tiêu đến năm 2030, khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN. Để đạt mục tiêu này, Luật Việc làm (sửa đổi) cần bổ sung các nhóm đối tượng sau vào diện tham gia BHTN: NLĐ có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; NLĐ làm việc không trọn thời gian nhưng có mức lương đạt yêu cầu tối thiểu để đóng BHXH bắt buộc.
Đồng thời, cần bổ sung đối tượng là người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của Nhà nước và doanh nghiệp; các chức danh quản lý có hưởng lương trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Ngoài ra, cần quy định rõ về việc tham gia BHTN đối với các nhóm lao động có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, đảm bảo thống nhất với Luật BHXH 2024.
Đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội
Hiện nay, quy định về mức đóng BHTN của NLĐ, người sử dụng lao động (SDLĐ) và phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vẫn mang tính cố định, chưa bao phủ toàn bộ đối tượng có quan hệ lao động. Bên cạnh đó, chính sách BHTN còn thiên về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú trọng đến các biện pháp phòng ngừa thất nghiệp và gắn kết với thị trường lao động.
Thực tế này khiến chính sách BHTN chưa thực sự linh hoạt, đặc biệt trước những cú sốc như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng hay suy thoái kinh tế. Nhằm khắc phục bất cập này, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất điều chỉnh mức đóng BHTN theo hướng: NLĐ đóng tối đa 1% tiền lương tháng; người SDLĐ đóng tối đa 1% quỹ tiền lương tháng của NLĐ tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của NLĐ tham gia BHTN, do ngân sách trung ương đảm bảo. Đồng thời, Chính phủ sẽ quy định chi tiết mức đóng BHTN theo khả năng cân đối Quỹ BHTN.
Việc điều chỉnh này sẽ giúp Nhà nước giảm áp lực ngân sách trong việc hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ khi xảy ra khủng hoảng; tạo sự linh hoạt trong quản lý, điều hành. Ngoài ra, quy định này cũng tạo điều kiện để người SDLĐ duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh ngay cả trong các giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, chi phí đóng BHTN linh hoạt hơn sẽ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, góp phần duy trì việc làm cho NLĐ.
Việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN cũng sẽ giúp tăng nguồn thu cho Quỹ BHTN. Theo số liệu sơ bộ, từ năm 2018 đến nay, khi thực hiện chính sách BHXH bắt buộc đối với lao động có hợp đồng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, số NLĐ tham gia BHXH bắt buộc đã tăng thêm khoảng 60.000 người.
Ngoài ra, nhóm người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã có hưởng lương và đang tham gia BHXH bắt buộc cũng sẽ góp phần tăng thu cho Quỹ BHTN mà không làm phát sinh thêm chi phí hỗ trợ từ ngân sách.