Mọi cấp, mọi ngành phải tự cải cách, đổi mới để phục vụ nhân dân

PV.

(Tài chính) Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) của Bộ Nội vụ, ngày 15/4.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: CCTTHC và cải cách hành chính (CCHC) là trách nhiệm nặng nề trước nhân dân, Bộ Nội vụ phải làm gương trong CCHC. Không cải cách thì dân oán trách chúng ta, không công khai minh bạch thì dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Mọi cấp, mọi ngành phải tự cải cách, đổi mới để phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội.

Cải cách thủ tục hành chính là yêu cầu cấp bách của mọi cấp, mọi ngành để thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng. Trước yêu cầu này, những năm qua, Bộ Nội vụ cũng đã và đang quyết liệt thực hiện sự chỉ đạo của Chính Phủ để góp phần vào công cuộc chung của đất nước. Ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Đến nay, Bộ đã hoàn thành việc thực thi phương án đơn giản hóa 167 TTHC thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ theo yêu cầu của Nghị quyết số 54/NQ-CP của Chính phủ, là 1 trong 7 Bộ hoàn thành việc thực thi phương án đơn giản hóa TTHC tại 25 nghị quyết của Chính phủ.

Đồng thời Bộ Nội vụ chủ động, tích cực trong việc tiếp thu các các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành đối với những bất cập, vướng mắc để tự cải cách, tự sửa chữa, phải làm gương cho cả hệ thống chính trị vì Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo CCHC.

Đánh giá về công tác CCTHHC của Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công khai các thủ tục thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của mình...

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cần nghiêm túc nhìn nhận những yếu kém, bởi dư luận xã hội vẫn còn kêu ca về Bộ Nội vụ như tập trung nhiều thẩm quyền, chưa phân cấp cho Bộ, ngành, địa phương,… Trong khi chương trình công tác của Bộ Nội vụ còn rất nhiều đề án lớn của Bộ Chính trị và Chính phủ giao phải hoàn thành. Vì thế, Bộ cần tập trung làm công tác vĩ mô, tránh giải quyết sự vụ lặt vặt, dẫn đến không dành nhiều thời gian cho công tác tham mưu, ban hành thể chế, quản lý Nhà nước, xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Bộ Nội vụ có trách nhiệm lớn trong tham mưu cho Đảng, Nhà nước về CCHC, về một nền hành chính công năng động, tân tiến, cạnh tranh, chuyên nghiệp và minh bạch. Xây dựng cơ chế tìm người tài, có năng lực, sáng tạo từ trong các tổ chức Nhà nước của chúng ta hiện nay.

Trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra đối với Bộ Nội vụ là phải cắt giảm tối đa các thủ tục đi liền với tiết kiệm chi phí. “Ngay như hồ sơ thi tuyển chỉ cần một tờ giấy mà thôi, chứ không phải là hàng đống hồ sơ nộp vào như hiện nay. Khi nào trúng tuyển mới nộp đầy đủ các thủ tục khác. Có như vậy mới giảm chi phí cho nhân dân”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Các Bộ, ngành tập trung cao nhất cho công tác xây dựng thể chế, công tác quản lý vĩ mô, giảm giải quyết sự vụ, nghiên cứu và xây dựng các đề án lớn trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cần nhân rộng các điển hình về CCHC và CCTTHC có hiệu quả đến các địa phương, Bộ, ngành để việc CCHC và CCTTHC đem lại kết quả thiết thực trong đời sống nhân dân.

Các thủ tục bị cắt bỏ như bỏ bản sao giấy khai sinh trong thi tuyển công chức; bỏ phiếu lý lịch tư pháp đối với một số đối tượng như viên chức, công an, quân đội, cơ yếu; bỏ giấy xác nhận sức khỏe đối với thủ tục xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã...

Trong năm 2015, Bộ Nội vụ đẩy nhanh quán trình thực hiện đơn giản hóa các nhóm TTHC, quy định có liên quan về lĩnh vực công chức, viên chức, cụ thể là việc tuyển dụng, nâng ngạch đối với công chức; tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt đối với viên chức.

Bộ Nội vụ sẽ rà soát, đơn giản hóa theo kế hoạch với các nhóm TTHC được đơn giản hóa: Nhóm TTHC quy định có liên quan đến tuyển dụng, nâng ngạch đối với công chức gồm thủ tục thi tuyển, thủ tục xếp ngạch, xét tuyển công chức, thi nâng ngạch công chức...

Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà cho biết: Các thủ tục và hình thức khen thưởng đều được Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương xem xét, xử lý nhanh chóng trình cấp có thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, bà Hà thừa nhận, khen thưởng kháng chiến vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian.

Về đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ của thí sinh thi tuyển công chức, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đề xuất: Cần thực hiện chế độ “hậu kiểm” với những người trúng tuyển để kiểm tra, xác minh và hoàn thiện hồ sơ, thay vì bắt thí sinh phải nộp rất nhiều hồ sơ khi thi tuyển đầu vào. Loại bỏ các thủ tục này sẽ tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức rất nhiều cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến tán thành cơ chế “hậu kiểm” đối với thí sinh sau khi trúng tuyển, chứ không phải quy định là “nộp đầy đủ hồ sơ mới được thi tuyển” gây lãng phí lớn cho thí sinh. Chỉ “hậu kiểm” với người nào thi đỗ, nếu không đáp ứng được thì loại ra.

Đồng ý với quan điểm trên, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh kiến nghị cần phân cấp thi nâng ngạch chuyên viên cho các Bộ, ngành thực hiện. Sau đó, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành “hậu kiểm”, chứ dồn hết vào Bộ Nội vụ mất rất nhiều thời gian, công sức của cán bộ và cơ quan chủ quản.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan cho rằng, cần có tiếp cận mới, thay đổi nội hàm cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”, giải quyết được khâu kém phối hợp giữa các ngành, sự giám sát của cấp trên để tạo chuyển biến căn bản về CCHC và TTHC.