Mỗi năm doanh nghiệp mất 15.000 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành
Ngày 30/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã dẫn đầu đoàn kiểm tra làm việc tại Bộ Giao thông vận tải về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Liên quan đến lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, mỗi năm, các doanh nghiệp phải mất 30 triệu ngày công và 15.000 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành với 100.000 mặt hàng xuất nhập khẩu. Trong khi đó, tỷ lệ phát hiện sai phạm rất thấp, chỉ 0,06%, điều này không thể chấp nhận được. Chưa kể nhiều cơ quan không ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn mà kiểm tra bằng cảm quan, thủ công, tức là làm thủ tục để thu tiền.
Trong lĩnh vực này, Bộ GTVT đã triển khai sớm các giải pháp cải cách. Theo báo cáo của Bộ GTVT, tính đến nay số lượng các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải là 160 mặt hàng. Hiện Bộ GTVT đã đưa 125 mặt hàng trong tổng số 160 mặt hàng thuộc phạm vi quản lý chuyển sang hậu kiểm. 107 mặt hàng áp dụng công nhận lẫn nhau của nước ngoài. Việc áp dụng công nghệ thông tin giúp giảm trung bình 70% thời gian và tài chính cho doanh nghiệp. Cùng với đó, Bộ đã rà soát cắt giảm 46% các điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp.
Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng máy kéo nông nghiệp vẫn chịu sự quản lý chồng chéo giữa Bộ GTVT và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các mặt hàng cần cẩu tự hành, cần trục, cẩu trục, xe nâng… đang bị Bộ GTVT và Bộ Công Thương cùng kiểm tra, rất phức tạp. Bên cạnh đó còn có mặt hàng xe máy từ 175cc trở lên cũng gặp tình trạng tương tự.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng một mặt hàng chỉ do một Bộ chủ trì. Tình trạng quy định không thống nhất đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan Hải quan. Vì vậy cần cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Cho ý kiến về vấn đề này, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý -TCHQ cho biết, lĩnh vực phải kiểm tra chuyên ngành của Bộ GTVT là ít nhất, trong các bộ, ngành và đây là một trong những bộ đi đầu trong việc xây dựng danh mục các mặt hàng thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành. Từ năm 2011, Bộ GTVT đã ban hành danh mục hàng hóa kèm theo Thông tư 63/2011/TT-BGTVT về danh mục hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành có khả năng gây mất an toàn theo Luật Chất lượng sản phẩm với khoảng hơn 200 dòng sản phẩm.
Đáng chú ý, danh mục của Bộ GTVT là một trong những danh mục có đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kèm theo nhóm hàng khi ban hành. Đây là mong muốn của các cơ quan kiểm tra đặc biệt là của doanh nghiệp và cơ quan Hải quan để khi thực hiện yêu cầu kiểm tra sẽ biết được là căn cứ vào tiêu chuẩn, quy chuẩn nào, phương pháp kiểm tra ra sao. Có thể nói hệ thống văn bản quy định pháp luật hướng dẫn kiểm tra chuyên ngành của Bộ GTVT là đi đầu.
Bên cạnh đó việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nộp hồ sơ, nhận kết quả của Bộ GTVT mà cụ thể ở đây là Cục Đăng kiểm luôn đi đầu. Hiện nay có 5/12 thủ tục thuộc Bộ GTVT được cập nhật trên hệ thống một cửa quốc gia.
Về 4 mặt hàng bị chồng chéo với cơ quan kiểm tra chuyên ngành khác, Bộ GTVT cũng đã đưa ra các phương án để xử lý.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng cho biết: Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát quy định, thủ tục hành chính để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, xem xét loại bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng máy kéo nông nghiệp; phối hợp với các bộ, ngành liên quan khắc phục sự chồng chéo và cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ 5 vấn đề Bộ GTVT cần tập trung xử lý trong thời gian tới.
Thứ nhất, quyết liệt thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư BOT trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước hạn hẹp. Đây là chủ trương đúng đắn tuy ở một số dự án có vấn đề cần xử lý. Bộ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án như đường bộ cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, đường ven biển…
Thứ hai, hiện nay chi phí logistics tại Việt Nam rất lớn, chi phí vận tải, bốc xếp hàng hóa còn rất lớn, Bộ cần chuẩn bị nội dung để sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì một hội nghị về cắt giảm thủ tục, trình tự liên quan đến lĩnh vực này. Từ đó sẽ làm rõ những khó khăn, xem vướng ở đâu, tại sao giá lại cao.
Thứ ba, lưu ý việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án gắn với bảo đảm chất lượng, chất lượng đầu tư, khai thác sử dụng.
Thứ tư, thực hiện quyết liệt, cụ thể chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông. Cần quan tâm đồng bộ đường không, đường thủy, đường sắt, tạo cơ chế thúc đẩy đầu tư. Hiện nguồn lực trong dân rất lớn, chỉ cần tạo điều kiện tốt, với các giải pháp bảo đảm môi trường, phân phối lợi ích hài hòa.
Thứ năm, hiện việc áp dụng thu phí điện tử tại các trạm BOT giao thông còn rất hạn chế, tỷ lệ rất thấp. Yêu cầu đặt ra là càng minh bạch càng tốt, cần phải thực hiện quyết liệt chủ trương thu phí điện tử dù rằng còn vướng mắc giữa các bộ, ngay cả ý kiến doanh nghiệp cũng khác nhau.