Mối quan hệ giữa lạm phát với thất nghiệp và thực tế nghiên cứu tại Việt Nam
Nghiên cứu trình bày về mối quan hệ giữa lạm phát với thất nghiệp theo quan điểm của các nhà kinh tế học, từ đó chỉ ra mối quan hệ giữa lạm phát với thất nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn từ sau khủng hoảng kinh tế 2008 đến nay bằng phương pháp hồi quy đơn biến. Kết quả cho thấy, nếu không tính đến yếu tố lạm phát kỳ vọng, giữa thất nghiệp và lạm phát không hề có mối quan hệ đánh đổi. Càng về xa thời điểm khủng hoảng kinh tế năm 2008, khi nền kinh tế ổn định dần sau suy thoái, thất nghiệp có xu hướng giảm và trở về gần với mức thất nghiệp tự nhiên, còn lạm phát tuy có xu hướng giảm sau nhiều nỗ lực kiểm soát của Chính phủ nhưng vẫn diễn biến khá phức tạp.
Nghiên cứu về mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp
Lạm phát và thất nghiệp là những vấn đề vĩ mô được dân chúng và Chính phủ các nước quan tâm hàng đầu vì những ảnh hưởng trực tiếp, to lớn đến đời sống người dân và sự ổn định của nền kinh tế. Cho đến nay, có nhiều nhà kinh tế học đã nghiên cứu và đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp để có những chính sách điều tiết vĩ mô hợp lý nhằm tác động để điều chỉnh mức thất nghiệp và lạm phát.
A.W.Phillips là một trong những nhà kinh tế học đầu tiên tìm cách chứng minh mối tương quan nghịch giữa lạm phát và thất nghiệp. Mối quan hệ nghịch giữa lạm phát và thất nghiệp này được thể hiện trên đồ thị Đường cong Phillips nổi tiếng. Đến năm 1960, Samuelson và Solow giới thiệu đường cong này với số liệu của nước Mỹ và vẫn cho thấy mối quan hệ nghịch giữa lạm phát và thất nghiệp.
Thế nhưng thực tế cho thấy, ở nhiều quốc gia sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi mà nền kinh tế bị khánh kiệt, mức lạm phát và thất nghiệp đều cao (gọi là hiện tượng vừa đình trệ, vừa làm phát). Rõ ràng, thực tế này không ủng hộ quan điểm của Phillips.
Vào cuối thập niên 1960, một nhóm các nhà kinh tế đại diện cho trường phái trọng tiền, tiêu biểu là Milton Friedman và Edmund Phelps đã đưa ra những phân tích và phản biện lại rằng Đường cong Phillips không thể ứng dụng trong dài hạn.
Về mặt lâu dài, thất nghiệp sẽ trở lại và về mức thất nghiệp tự nhiên, cho dù lạm phát liên tục tăng. Như vậy, trong dài hạn giữa thất nghiệp và lạm phát không hề có sự đánh đổi. Phát hiện này đã tách biệt “Đường cong Phillips dài hạn” và “Đường cong Phillips ngắn hạn”.
Theo các nhà kinh tế học, có sự thay đổi trong mối quan hệ giữa thất nghiệp và lạm phát trong ngắn hạn và dài hạn là do sự thay đổi trong kỳ vọng của công chúng vào lạm phát. Lạm phát dai dẳng từ những năm 1970 đã tạo nên kỳ vọng của công chúng trong các năm tới về lạm phát.
Các nhà kinh tế học của trường phái này cho rằng, bằng bất cứ cách thức nào, việc gia tăng tỷ lệ lạm phát để làm giảm tỷ lệ thất nghiệp chỉ được thể hiện trong ngắn hạn. Bởi cơ chế điều chỉnh tự nhiên của thị trường sẽ làm thất nghiệp quay trở lại, giai đoạn này được Paul Samuelson gọi là thời kỳ suy lạm phát.
Cho đến nay, trong các giáo trình kinh tế học được giảng dạy ở các trường đại học vẫn cho rằng, trong ngắn hạn có sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp, còn trong dài hạn, thất nghiệp sẽ có xu hướng quay trở lại về mức thất nghiệp tự nhiên, cho dù lạm phát vẫn biến động phức tạp. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, giữa thất nghiệp và lạm phát không hề có sự đánh đổi, cả trong ngắn hạn và dài hạn vì tùy thuộc vào việc điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ khác nhau của mỗi quốc gia.
Thực tế nghiên cứu tại Việt Nam
Có thể biểu diễn mối quan hệ giữa thất nghiệp và lạm phát bằng phương trình đơn giản như sau:
t = te + α + b* ut (1)
Trong đó: t là tỷ lệ lạm phát năm t; te là lạm phát dự kiến năm t (lạm phát kì vọng của dân chúng).
α: Các nhân tố khác có ảnh hưởng đến lạm phát Hình 1b. Mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp (có xét tới lạm phát kỳ vọng); b là hệ số biểu thị quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp.
Khi biểu thị mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp bởi đường cong Phillips chuẩn thì không có lạm phát kỳ vọng, tức là te = 0, lúc này (1) trở thành t = α + b* ut (2).
Với dữ liệu về thất nghiệp và lạm phát tại Việt Nam từ năm 2008 đến năm 2017, phương trình hồi quy giữa lạm phát và thất nghiệp là t = 2,6509 ut + 0,855 cho thấy, giữa thất nghiệp và lạm phát không có mối quan hệ đánh đổi mà ngược lại, theo thời gian chúng có mối quan hệ thuận chiều nhau.
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam cho thấy, mỗi năm đều có lạm phát xảy ra, do luôn tồn tại mức lạm phát kỳ vọng. Khi xét đến lạm phát kỳ vọng, phương trình (1) có thể viết thành t - te = α + b* ut (3).
Để đơn giản ta coi như lạm phát kỳ vọng năm sau bằng lạm phát thực tế năm trước, xét cho giai đoạn 2008-2017 thì (3) có phương trình cụ thể là: t - te = -3,2831ut + 5,8434 (4). Như vậy, khi xét đến lạm phát kỳ vọng, mối quan hệ này trở thành mối quan hệ giữa mức độ thay đổi của tỷ lệ lạm phát với tỷ lệ thất nghiệp.
Bên cạnh đó, phương trình (4) cũng cho thấy, trong giai đoạn này, giữa thất nghiệp với lạm phát có mối quan hệ nghịch chiều, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống, tỷ lệ lạm phát sẽ có xu hướng tăng lên.
Như vậy, có mối quan hệ nghịch chiều giữa thất nghiệp và lạm phát là do mỗi năm đều có mức lạm phát kỳ vọng, dân chúng đều tin rằng, trong năm tới sẽ có mức lạm phát này xảy ra, do đó mọi hoạt động kinh tế khi diễn ra đều đã tính đến mức lạm phát này (ví dụ hoạt động đầu tư sản xuất, đầu tư tài chính…), tạo đà cho lạm phát năm sau.
Dù có quan tâm đến lạm phát kỳ vọng, có mối quan hệ đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát nhưng từ hình 2 cho thấy, thất nghiệp ngày càng có xu hướng ổn định và giảm tỷ lệ, trong khi đó lạm phát biến động rất phức tạp.
Vấn đề cần quan tâm ở đây là xem sau thời điểm khủng hoảng của nền kinh tế năm 2008 càng xa và nền kinh tế dần ổn định, thất nghiệp có xu hướng trở lại về mức thất nghiệp tự nhiên hay không?
Thất nghiệp tự nhiên có được khi lạm phát bằng lạm phát dự kiến, hay t - te = 0, từ (4) suy ra được tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên là 2,554 (%). Hình 2 cho thấy, càng về sau thời điểm khủng hoảng kinh tế năm 2008, thất nghiệp càng có xu hướng ổn định và càng gần với mức thất nghiệp tự nhiên, trong khi đó, tỷ lệ lạm phát cũng được kiểm soát, tuy nhiên vẫn biến động phức tạp.
Kết luận
Nghiên cứu về mối quan hệ giữa thất nghiệp và lạm phát tại Việt Nam giai đoạn 2008-2017 cho thấy, khi có xét đến lạm phát kỳ vọng như thực tế tại Việt Nam, thì giữa thất nghiệp và lạm phát lại có mối quan hệ đánh đổi.
Tuy vậy, dựa theo xu hướng biến động của thất nghiệp và lạm phát, có thể thấy, mối quan hệ đánh đổi này thể hiện khá mờ nhạt và cũng khó nhận diện trực tiếp theo số liệu thống kê. Trong khoảng thời gian này, khi lạm phát biến động phức tạp thì thất nghiệp lại càng ổn định tỷ lệ và có xu hướng trở về mức thất nghiệp tự nhiên.
Như vậy, khi kiểm nghiệm số liệu tại Việt Nam giai đoạn 2008-2017, kể cả khi so sánh trực tiếp số liệu cho từng năm, đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp và lạm phát có thể khác nhau, mối quan hệ giữa thất nghiệp và lạm phát. Thất nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình trạng của nền kinh tế và những chính sách về giải quyết việc làm. Khi nền kinh tế suy thoái, thất nghiệp sẽ cao và ngược lại. Trong khi đó, lạm phát phụ thuộc chủ yếu vào chính sách tài khóa và tiền tệ. Thực tế cho thấy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Năm 2008 và 2009 là 2 năm Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp cao (tương ứng tỷ lệ là 6,65% và 4,66%) do khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp phá sản dẫn đến tình trạng sa thải lao động. Cùng với đó, lạm phát năm 2008 cũng rất cao (22,97%). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao nhưng nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu tăng nhanh...
Thứ hai, cả thất nghiệp và lạm phát chịu tác động từ các chính sách của Chính phủ. Mỗi chính sách lại có những tác động khác nhau đến thất nghiệp và lạm phát. Từ năm 2008 đến nay, lạm phát là vấn đề được quan tâm hàng đầu khi mà mục tiêu Chính phủ đặt ra là “ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát”.
Cụ thể quý II/2008, Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt đã góp phần hạn chế được lạm phát trong 2 năm tiếp theo xuống mức một con số (năm 2009 và 2010 lần lượt là 6,88% và 9,19%). Tuy nhiên, đến năm 2011, lạm phát lại tăng vọt lên mức 18,58%.
Một số nguyên nhân chủ yếu được giới phân tích chỉ ra rằng là do: Tăng giá xăng dầu và điện khá cao; Tăng trưởng sản lượng của nền kinh tế (yếu tố quan trọng để cân bằng tiền – hàng) vẫn chưa phục hồi đáng kể; Nền sản xuất lại rơi vào tình trạng khó khăn… Ngày 24/2/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP đưa ra các giải pháp để kiểm soát lạm phát, nhờ đó, từ năm 2012 lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm dần về mức một con số.
Đối với vấn đề thất nghiệp, với những chính sách giải quyết việc làm của Chính phủ, cộng với việc nền kinh tế ổn định sau suy thoái dần, mức thất nghiệp ngày càng giảm và ổn định, đến nay tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tiệm cận với mức thất nghiệp tự nhiên.
Kết quả nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2017 cho thấy, khi mà nền kinh tế càng lùi xa năm 2008 – năm đỉnh điểm của khủng hoảng kinh tế thì thất nghiệp sẽ có xu hướng ngày càng giảm và ổn định, có xu hướng tiệm cận dần mức thất nghiệp tự nhiên, nhất là trong năm 2008 và 2011 khi mà lạm phát tăng cao đột biến. Tuy nhiên, so với thất nghiệp, lạm phát có xu hướng biến động phức tạp hơn nhiều.
Khi xét tới lạm phát kỳ vọng, mặc dù có mối quan hệ nghịch giữa thất nghiệp và lạm phát nhưng sự đánh đổi này thể hiện không rõ ràng, kể cả khi phân tích số liệu trong thời đoạn ngắn.
Như vậy, trong giai đoạn năm 2008 đến 2017 ở Việt Nam, mặc dù có sự đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát, song điều này không mấy rõ ràng, mức độ đánh đổi, không cao. Theo thời gian, lạm phát diễn biến phức tạp, trong khi thất nghiệp ngày càng ổn định và tiệm cận với mức thất nghiệp tự nhiên.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2008), Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17/04/08 về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững;
2. Chính phủ (2011), Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội;
3. Phan Thị Cúc, Diễn biến lạm phát ở Việt Nam và những giải pháp kiềm chế linh hoạt, Trang điện tử trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh;
4. PGS., TS. Hà Minh Sơn, NCS. Phạm Thị Liên Ngọc (2016), Lạm phát 2011 đến nay: Con số và dự báo, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán 6/2016;
5. Một số website: mof.gov.vn, gso.gov.vn, hui.edu.vn…