Thụ động, sao thành quốc gia số?

Theo Thy Lê/thoibaokinhdoanh.vn

Thời cơ để phát triển rất lớn nhưng nền kinh tế số của Việt Nam đang ở mức thấp nhất so với các nước ASEAN. Để tận dụng được cơ hội thay đổi thể chế và chính sách là rất quan trọng, chính sách phải đi trước, đón đầu và hỗ trợ để kinh tế số phát triển.

 Nếu chủ động phát triển ứng dụng đặt xe trực tuyến, "miếng bánh" này sẽ không rơi vào tay khối ngoại. Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn
Nếu chủ động phát triển ứng dụng đặt xe trực tuyến, "miếng bánh" này sẽ không rơi vào tay khối ngoại. Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn

Theo ông Konstantin Matthies, chuyên gia kinh tế vi mô, Giám đốc đối ngoại AlphaBeta (doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ tham mưu chiến lược kinh tế), nền kinh tế số đang và sẽ mang đến nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam.

Năm 2014, hơn 7% nhà xuất bản ứng dụng hàng đầu tại các thị trường lớn nhất châu Á đến từ Việt Nam. Năm 2015, doanh thu nền kinh tế ứng dụng của Việt Nam ước đạt 500 triệu USD.

Số lượng điện thoại thông minh tại Việt Nam ước tăng từ 28 triệu lên 38 triệu vào năm 2020. Giai đoạn 2015-2020, GDP của cả nước có thể tăng thêm 5 tỷ USD do tăng trưởng thị trường internet di động.

Tiềm năng nhưng khó hiện thực

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để cạnh tranh thực sự, tăng trưởng mạnh mẽ và trở nên thịnh vượng, mỗi quốc gia phải đi thêm một bước nữa. Đó là chuyển từ trạng thái tiếp nhận thụ động sang chủ động phát triển nền kinh tế số của riêng mình. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang bị đánh giá là một quốc gia thụ động.

Nhấn mạnh quốc gia số là phải chủ động, ông Konstantin Matthies cho rằng thay vì ngồi chờ khối doanh nghiệp (DN) FDI đem công nghệ tới, Việt Nam phải là người tạo ra công nghệ.

"Tại sao Grab có thể độc chiếm thị phần đặt xe trực tuyến tại Việt Nam, vì Việt Nam không quan tâm để xây dựng các ứng dụng như vậy. Lẽ ra Việt Nam phải là người giành được vị thế trong cuộc chơi này, giờ không muộn nhưng cũng không hề dễ dàng", vị chuyên gia này nói.

Tuy nhiên, thực tế có những việc mà các DN đã nhận thấy cơ hội nhưng không thể thực hiện như câu chuyện xuất khẩu (XK) trực tuyến. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chia sẻ trong thời kỳ kinh tế số phát triển mạnh, các DN nhỏ và vừa có cơ hội rất lớn để XK hàng trực tiếp đến người tiêu dùng cuối cùng trên thế giới.

Lý thuyết là như vậy nhưng thực tiễn khó khăn hơn rất nhiều. Năm nay, VECOM phối hợp với một nhà bán lẻ trực tuyến lớn trên thế giới, tuy nhiên, khi họ khảo sát tại DN mới vỡ lẽ DN Việt Nam rất khó làm.

Ông Hưng cho biết, chỉ đơn giản là đăng ký tài khoản, tuân thủ điều kiện trên web bằng tiếng Anh, DN đã lúng túng rồi. "Chúng tôi tổ chức hai lớp học kỹ năng này dù có thu phí và học mất cả ngày nhưng DN vẫn không làm được", ông Hưng nói.

Giả dụ DN vượt qua "cửa ải" mở tài khoản, phương pháp tiếp theo là đăng sản phẩm. Kết quả cho thấy 95% DN Việt Nam kể cả DN lớn chưa biết cách chụp ảnh sản phẩm. Thêm vào đó, muốn bán hàng hóa của mình, không chỉ đơn giản nói rằng mình có sản phẩm mà phải mô tả sản phẩm bằng nhiều thứ tiếng…

Thay đổi tư duy quản lý

Thách thức là rất nhiều nhưng ông Hưng cho rằng đó chưa phải là những khó khăn lớn nhất. Khó khăn lớn nhất chính là bất cập từ chính sách. Các chính sách hỗ trợ cho các DN XK trực tuyến gần như bằng không, chưa có hiệp hội cơ quan nào hỗ trợ điều này. Trong khi đó, XK trực tuyến phức tạp, đụng chạm nhiều vấn đề, cần nhiều cơ quan liên quan hỗ trợ phối hợp mới giải quyết được.

"Nhiều doanh nhân trẻ nói với tôi rằng cứ như vậy chắc họ sẽ tìm ra nước ngoài khởi nghiệp. Chúng ta có một nhóm người giỏi nhưng "gáo nước lạnh" chính sách của chúng ta quá lớn. Đôi khi chính sách đẩy người có năng lực tốt ra nước ngoài khởi nghiệp và làm việc", ông Hưng chia sẻ.

Nhấn mạnh nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt trong kinh tế số, theo chuyên gia Konstantin Matthies, Việt Nam có một đội ngũ nhân tài lập trình được quốc tế tôn trọng và đánh giá cao. Vì vậy, nhiều nhà lập trình có thể nhận được lời mời hoặc cơ hội làm việc tại các quốc gia khác.

Chính phủ Việt Nam nên đặt nhiều nỗ lực vào việc tạo ra các cơ hội và sự khích lệ tại sân nhà để giữ chân những tài năng này nhằm bảo đảm một môi trường pháp lý an toàn và thuận lợi cho DN khởi nghiệp công nghệ, các nhà đầu tư và nhân lực của các DN này.

Một khi đã có chính sách nói trên, Việt Nam cũng có thể bắt đầu tập trung vào việc thu hút các nhân tài lập trình nước ngoài tới làm việc tại Việt Nam.

Góp ý cụ thể về chính sách hỗ trợ XK trực tuyến cho DN vừa và nhỏ, ông Konstantin Matthies khuyến nghị Việt Nam cần có phòng thương mại ở nước ngoài để hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa như cách mà Australia hay Singapore đang làm hiện nay.

Ở trong nước, Chính phủ cần phải song hành, hỗ trợ cho các hiệp hội để tương tác với DN nhỏ và vừa. Chẳng hạn như XK trái cây sang Australia có nhiều yêu cầu khắt khe, Nhà nước cần phải cung cấp cho DN công cụ để nghiên cứu thị trường….

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và cơ hội gia tăng phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, tiếp cận kinh tế số, tư duy quản lý phải thay đổi làm sao để chuyển từ một quốc gia thụ động sang một quốc gia chủ động – ở đây chính là chính sách hỗ trợ.