Môi trường kinh doanh Việt Nam - nhìn từ xếp hạng toàn cầu
Ngày 24/10, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố kết quả xếp hạng môi trường kinh doanh Doing Business 2020, theo đó Việt Nam tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8 điểm), nhưng giảm 1 bậc xếp hạng chung (từ vị trí 69 xuống vị trí 70). Trong ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5.
Trong đó, có 05/10 chỉ số tăng điểm (gồm Khởi sự kinh doanh, Cấp phép xây dựng, Tiếp cận điện năng, Tiếp cận tín dụng, Nộp thuế). Có 04/10 chỉ số giữ nguyên điểm số (gồm Đăng ký tài sản, Bảo vệ nhà đầu tư, Giao dịch thương mại qua biên giới, và Giải quyết tranh chấp hợp đồng). Có 1 chỉ số (Giải quyết phá sản doanh nghiệp) giảm 0,1 điểm.
Tuy có 05 chỉ số tăng điểm, nhưng chỉ duy nhất 02 chỉ số được ghi nhận cải cách về quy định và thực thi, và cũng là hai trong ba chỉ số tăng hạng. Đó là Tiếp cận tín dụng và Nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH).
Về Tiếp cận tín dụng, WB ghi nhận cải cách về tiếp cận thông tin tín dụng với việc cung cấp dữ liệu từ nhà bán lẻ.
Về Nộp thuế và BHXH, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin ngành thuế, đăng ký và nộp thuế điện tử là những cải cách được ghi nhận. Đáng chú ý là trong Nộp thuế và BHXH thì WB ghi nhận cải cách của ngành thuế, trong khi ngành BHXH không có cải cách so với năm 2018.
Nhờ vậy, Tiếp cận tín dụng tăng 5 điểm và 7 bậc (từ thứ hạng 32 lên thứ hạng 25); Nộp thuế và BHXH tăng 22 bậc (từ thứ hạng 131 lên thứ hạng 109).
Chỉ số Giải quyết phá sản doanh nghiệp mặc dù giảm 0,1 điểm, nhưng tăng 11 bậc. Điều này có thể lý giải là do một số nước khác có bước lùi về chỉ số này.
Ngoài ra, cũng chỉ có 01 chỉ số duy trì thứ hạng, đó là Tiếp cận điện năng (duy trì ở vị trí 27 mặc dù điểm số tăng 0,3 điểm nhờ tỷ lệ chi phí lắp đặt biến áp/thu nhập bình quân đầu người giảm).
Đáng chú ý là có tới 6/10 chỉ số còn lại giảm bậc, trong đó, Khởi sự kinh doanh tuy tăng điểm (nhờ giảm 1 ngày thực hiện thủ tục), nhưng giảm tới 11 bậc.
Cấp phép xây dựng giảm 4 bậc, không có cải cách nào được ghi nhận, nhưng tăng điểm nhẹ bởi tỷ lệ chi phí chính thức/giá trị công trình giảm (do giá trị công trình tăng lên nên tỷ lệ này giảm).
04 chỉ số giảm bậc, không có cải cách nào được ghi nhận nên điểm số giữ nguyên, gồm Đăng ký tài sản (giảm 4 bậc); Bảo vệ nhà đầu tư (giảm 8 bậc); Giao dịch thương mại qua biên giới (giảm 4 bậc); và Giải quyết tranh chấp (giảm 6 bậc).
Rõ ràng, Việt Nam có cải thiện về chất lượng môi trường kinh doanh (qua việc tăng điểm), nhưng còn ít và chậm; trong khi một số nền kinh tế cải cách nhanh và mạnh mẽ hơn. Đơn cử trong ASEAN, Singapore duy trì ổn định vị trí thứ 2 từ năm 2016; Malaysia tăng hạng nhiều và liên tiếp trong hai năm gần đây (qua hai năm tăng 12 bậc); Thái Lan tăng tốc mạnh trong năm 2017 (tăng 20 bậc) và tiếp tục tăng trong 6 bậc trong 2019; Indonesia sau 3 năm cải thiện mạnh mẽ và liên tục (năm 2017 tăng 42 bậc so với 2014), từ 2018 có xu hướng chững lại; Philippines tăng tới 29 bậc trong năm nay.
Trong ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei.
Kết quả nêu trên cho thấy, cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều thách thức với nhiều chỉ số trong nhiều năm không cải thiện hoặc cải thiện rất chậm. Vì thế, việc đạt mục tiêu của Chính phủ vào nhóm nước ASEAN 4 càng trở nên khó khăn, thách thức hơn. Thủ tướng Chính phủ thể hiện nhiều nỗ lực, quyết tâm cải cách, song việc hiện thực hoá bằng hành động cải cách của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế.
Bởi vậy, để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy đầu tư, tạo việc làm, thu nhập và tăng trưởng bền vững, trong thời gian tới có thể tập trung vào một số giải pháp sau đây:
- Cải cách trước hết phải từ tư duy quản lý của các bộ ngành, cải cách theo hướng vì mục tiêu phát triển doanh nghiệp. Do đó, cần có sự quan tâm, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ và thực chất của các bộ, ngành, địa phương.
- Đối với các chỉ số nhiều năm không có cải thiện hoặc cải thiện chậm (như giao dịch thương mại qua biên giới, đăng ký tài sản,…) cần có sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; sửa đổi các quy định và cải cách thực thi để tạo sự chuyển biến. Đối với các chỉ số còn có sự khác biệt lớn giữa quy định văn bản và thực thi (như Cấp phép xây dựng) phải được giám sát, chấn chỉnh nhằm đảm bảo minh bạch, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, hai chỉ số thuộc lĩnh vực tư pháp, nhất là phá sản doanh nghiệp trong liên tục nhiều năm ở thứ hạng cuối bảng cần có sự vào cuộc, phối hợp của ngành toà án để tạo sự thay đổi có ý nghĩa ở các chỉ số này.
- Rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua thực thi dịch vụ công trực tuyến một cách thực chất, tránh hô hào, hình thức.
- Nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã được Chính phủ xác định về cải cách điều kiện kinh doanh, quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
- Nhân rộng các sáng kiến cải cách và phương thức quản lý hiện đại theo thông lệ quốc tế tốt (như thủ tục tiếp cận điện năng, nộp thuế điện tử, cải cách trên một số lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành như an toàn thực phẩm, kiểm dịch,…).
Nhằm thực hiện hiệu quả các giải pháp này, ngoài quyết tâm và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cần có sự đồng hành tham gia của các doanh nghiệp thông qua chia sẻ vấn đề, cùng tìm kiếm giải pháp và các kinh nghiệm thực thi tốt. Có như vậy, môi trường kinh doanh của nước ta mới thật sự cởi mở, minh bạch, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững; đồng thời cũng giúp cộng đồng doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn.