Mong đợi gì tại thượng đỉnh G20?
Tự do thương mại, biến đổi khí hậu, xây dựng xã hội lấy con người làm trọng tâm, và đặc biệt là cuộc gặp Trump - Tập, sẽ là những chủ đề nổi bật tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra cuối tháng này.
Sự kiện sẽ diễn ra vào 28-29/6/2019 tại Osaka, Nhật Bản, với sự tham gia của khoảng 30.000 người, gồm nhiều lãnh đạo từ hơn 30 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Đây cũng là lần đầu Nhật Bản đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20.
Mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu
Chia sẻ về vị thế của nước chủ nhà và các chủ đề lớn trong chương trình nghị sự, Thủ tướng Shinzo Abe đã phát đi thông điệp như sau: “Tại thượng đỉnh Osaka, Nhật Bản quyết tâm trở thành người dẫn đầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu thông qua thúc đẩy thương mại tự do và đổi mới, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế lẫn giảm bất bình đẳng, cũng như đóng góp cho chương trình nghị sự phát triển và giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu khác, với cốt lõi là Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs)”.
Đồng thời, ông Abe cho biết, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, tình trạng rác thải nhựa trên đại dương, việc cung cấp các nguồn lực chung trên thế giới v.v. cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại Osaka, nhằm phục vụ cho mục tiêu hiện thực hóa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
“Ngoài ra, chúng tôi sẽ thảo luận về cách thức tiếp cận với nền kinh tế số, nhìn từ góc độ tổ chức, và các vấn đề phát sinh do xã hội già. Chúng tôi sẽ giới thiệu những nỗ lực của Nhật Bản, bao gồm cuộc cách mạng năng suất trong thời đại ‘Xã hội 5.0’, hướng tới xây dựng một xã hội mà tất cả các cá nhân đều tích cực tham gia đóng góp” - ông Abe nói thêm.
Trước đó, vào ngày 8/6/2019, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 đã diễn ra tại Fukuoka và kết thúc bằng một tuyên bố chung dù còn nhiều bất đồng. Theo đó, tuyên bố chung thừa nhận tăng trưởng toàn cầu còn thấp và nhấn mạnh, nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị, vấn đề già hóa dân số...
Tuy nhiên, hội nghị tại Fukuoka đã không thể giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại, giữa lúc những căng thẳng có xu hướng leo thang cả về số lượng, quy mô lẫn sự phức tạp, nhất là khi thương chiến Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đồng thời, tuyên bố chung cũng không đề cập đến cụm từ “cần khẩn cấp giải quyết các căng thẳng thương mại” như trong bản dự thảo, do yêu cầu từ Mỹ.
Căng thẳng thương mại khó được giải quyết
Đây được xem là bước thụt lùi so với thỏa thuận tại G20 Argentina vào năm ngoái. Đồng thời, nó đã làm vỡ tan hy vọng của giới đầu tư về một văn kiện cho thấy quyết tâm của các lãnh đạo tài chính G20 trong giải quyết căng thẳng thương mại, vốn là yếu tố được nhiều chuyên gia xem như chiếc phanh kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Sau nhiều tuyên bố trái ngược trong thời gian qua như “sẽ ngay lập tức áp thuế lên 325 tỷ USD hàng hoá còn lại của Trung Quốc”, hay “nếu không gặp ông Tập tại G20 thì cũng không có vấn đề gì”, Tổng thống Trump ngày 18/6/2019 cho biết, đã có cuộc điện đàm “rất tốt đẹp” với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hiện vẫn chưa rõ khi nào vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc được tái khởi động, song Mỹ rất sẵn lòng dàn xếp với Trung Quốc trong các cuộc thảo luận.
Trên một dòng tweet, ông Trump tuyên bố cả hai sẽ có “cuộc gặp mở rộng” tại G20 và cho biết, đàm phán thương mại hai nước sẽ được nối lại sau thời gian đình trệ.
Đồng thời, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 19/6/2019 cũng cho biết, ông sẽ gặp đối tác Trung Quốc để thảo luận trước thềm cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước tại Osaka vào cuối tháng này.
Theo ông Lighthizer, hiện vẫn chưa rõ khi nào vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc được tái khởi động, song Mỹ rất sẵn lòng dàn xếp với Trung Quốc trong các cuộc thảo luận. Về phía mình, Trung Quốc cũng kỳ vọng vào những tiến triển có thể đạt được trong đàm phán thương mại, sau cuộc gặp giữa ông Tập và ông Trump bên lề G20.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 19/6/2019 nhấn mạnh, việc tìm ra một giải pháp được cả hai bên chấp thuận là rất quan trọng. Một thỏa thuận song phương không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước mà còn là mong đợi của toàn thế giới.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đến nay vẫn chưa xác nhận liệu ông Tập có gặp trực tiếp ông Trump tại G20 hay không; trong khi truyền thông nước này lại đưa tin rộng rãi về chuyến thăm dài 2 ngày của ông Tập với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Diễn ra chỉ một tuần trước thượng đỉnh G20, nhiều chuyên gia cho rằng, ông Tập muốn sử dụng chuyến thăm này làm đòn bẩy ngoại giao trên mặt trận hạt nhân Triều Tiên; qua đó, củng cố vị thế của Bắc Kinh với tư cách là trung gian đẩy nhanh quá trình phi hạt nhân hóa để buộc Mỹ xuống nước trong đàm phán thương mại.
Hiện, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ xác nhận ngắn gọn ông Tập sẽ tham dự thượng đỉnh G20 tại Osaka theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe, nhưng không nói thêm bất kỳ chi tiết nào về cuộc gặp đang được trông chờ với ông Trump.
Jingdong Yuan - giáo sư chuyên về an ninh châu Á - Thái Bình Dương và chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Sydney - cho rằng, ông Tập có thể sử dụng Triều Tiên như một chiêu bài mặc cả trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Ngoài ra, với chuyến thăm này, Bắc Kinh cũng muốn nhắc nhở chính quyền Trump về vai trò và ảnh hưởng của mình với Bình Nhưỡng.
Các chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh có thể sử dụng Triều Tiên như một chiêu bài mặc cả trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung, thông qua việc nhắc nhở Mỹ về tầm ảnh hưởng cũng như vai trò của Trung Quốc. |
“Chuyến viếng thăm Triều Tiên là một phần sách lược tăng cường ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung. Hành động này cũng nhằm cho Mỹ thấy rằng, vai trò của Trung Quốc không thể bị bỏ qua, dù là ở Đông Bắc Á hay tại một sự kiện quốc tế như G20”, Wang Sheng - Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Jilin - nói.
Dẫu vậy, theo giới phân tích, nếu có diễn ra, thì cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung tại G20 cũng không mang lại kết quả gì quá khả quan cho vòng đàm phán thương mại đang bế tắc. Scott Kennedy - cố vấn cấp cao ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Washington - nhận định, Mỹ - Trung có thể đạt được một thỏa thuận đình chiến thương mại đại loại như lần gặp nhau tại hội nghị G20 ở Argentina vào năm ngoái. Nhưng, xác suất này rất thấp.
Còn Shi Yinhong - giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế thuộc Đại học Renmin, Trung Quốc - cho biết, Bắc Kinh có rất ít kỳ vọng trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, do tình trạng căng thẳng hiện tại trong mối quan hệ song phương với Mỹ.
Ông dự báo, hai nhà lãnh đạo có thể đạt được các thỏa thuận về những vấn đề nhỏ hơn tại G20, như việc giao lưu giữa người dân hai nước hoặc nới lỏng quy định thị thực vào Mỹ, giúp tạo ra bầu không khí thân thiện hơn, dọn đường cho vòng đàm phán sau này.