Cơ quan tài chính G20: Các nhà quản lý cần theo dõi sát đồng tiền số
Kế hoạch phát hành đồng Libra của Facebook dự kiến sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của G20, nhưng ý định của mạng xã hội này có thể khiến các nhà quản lý xem xét kỹ hơn về các đồng tiền số.
Kế hoạch phát hành đồng tiền số riêng có tên Libra của Facebook dự kiến sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tuần này tại Nhật Bản, nhưng ý định của mạng xã hội này có thể khiến các nhà quản lý xem xét kỹ hơn về các đồng tiền số.
Trong bức thư gửi tới các nhà lãnh đạo G20 trước thềm hội nghị diễn ra vào 28-19/6, ông Randal Quarles, Chủ tịch Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB) phụ trách việc điều phối các quy tắc tài chính cho các nước thành viên G20, cho biết tiền số hiện chưa gây rủi ro cho sự ổn định tài chính toàn cầu. Nhưng những lỗ hổng có thể xuất hiện khi chúng nằm ngoài sự điều chỉnh của các nhà quản lý hay sự vắng mặt của các tiêu chuẩn quốc tế.
FSB cho biết nếu Libra thành công, các quốc gia sẽ cần đưa ra biện pháp phản ứng khác. Tuy nhiên, cơ quan này không cho rằng kế hoạch phát hành một đồng tiền số riêng của Facebook sẽ là một chủ đề thảo luận cụ thể tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này.
Ông Quarles nói rằng việc sử dụng rộng rãi các loại tiền số cho mục đích thanh toán bán lẻ sẽ cần sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng để đảm bảo rằng chúng tuân theo các tiêu chuẩn quy định cao.
Chủ tịch FSB cũng cho biết cơ quan này cùng những tổ chức thiết lập tiêu chuẩn khác sẽ theo dõi sát sao và có sự phối hợp đồng bộ trong vấn đề này, đồng thời xem xét đưa ra các phản ứng đa phương bổ sung nếu cần thiết.
Tại hội nghị thượng đỉnh hồi năm 2018 tổ chức tại Buenos Aires, Argentina, các nhà lãnh đạo của G20 chỉ dành đúng một câu trong tuyên bố chung để đề cập đến vấn đề tiền số.
Tuyên bố cho biết các nhà lãnh đạo bày tỏ lo ngại về việc tiền số có thể bị sử dụng trong hoạt động rửa tiền và tài trợ cho khủng bố và các nước sẽ "xem xét các phản ứng khác khi cần thiết."
Vào thời điểm đó, các loại tiền số như Bitcoin không được coi là mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính toàn cầu vì số tiền lưu thông rất nhỏ so với quy mô của hệ thống tài chính thế giới.
Nhưng Facebook đặt mục tiêu đưa đồng Libra trở thành một loại tiền tệ toàn cầu hàng tỷ người có thể sử dụng, bao gồm cả những người không có tài khoản ngân hàng hoặc những phương thức tiếp cận khác đối với hệ thống tài chính.
Trong cùng ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng cho biết ngân hàng trung ương này sẽ theo dõi sát đồng Libra.
Theo ông Powell, với quy mô tiềm năng của Libra, những kỳ vọng của Fed dành cho đồng tiền số này từ quan điểm bảo vệ người tiêu dùng và pháp lý sẽ rất cao.
Ngày 18/6, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook Inc đã tiết lộ kế hoạch ra mắt đồng tiền số có tên Libra như một phần trong nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh và chuyển hướng sang thương mại điện tử và thanh toán toàn cầu của họ.
Theo thông tin được công bố, Libra sẽ là một “stablecoin” được định giá theo một rổ các đồng nội tệ chủ chốt do các chính phủ phát hành nhằm duy trì giá trị của đồng Libra luôn ổn định, tránh tình trạng lên xuống thất thường như các loại tiền số khác.
Với Libra, Facebook có tham vọng muốn tạo ra một loại tiền số chính thống đầu tiên trên thế giới. Đồng tiền này sẽ có thể được sử dụng để mua mọi thứ hàng hóa, hỗ trợ mọi loại dịch vụ tài chính như thanh toán thông qua ngân hàng và cả cho vay.
Tuy nhiên, chính phủ nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về đồng tiền “ảo” này trong bối cảnh Facebook vẫn chưa giải quyết triệt để những vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân của người dùng.