Một năm thử thách sự kiên định


Nhìn lại cả năm 2018, theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, hoạt động ngân hàng có một năm khá thành công và điều hành chính sách tiền tệ là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phóng viên: Đâu là những kết quả mà ông thấy hài lòng đối với hoạt động ngân hàng trong năm 2018?

TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia
TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

TS. Võ Trí Thành: Đối với hoạt động ngân hàng, tôi thấy có ba điểm tích cực. Một là nợ xấu vẫn tiếp tục được các ngân hàng tích cực xử lý. Ngay cả nợ mà các ngân hàng bán cho VAMC cũng được xử lý thực chất hơn thông qua hoạt động mua bán nợ theo giá thị trường.

Điểm tích cực nữa, xếp hạng tín nhiệm của một số ngân hàng liên tục được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng lên. Điểm tích cực thứ ba, đã có 3 ngân hàng đã hoàn thành chuẩn mực an toàn vốn theo chuẩn Basel II. Quan trọng hơn, hệ thống ngân hàng đã làm được điều này trong bối cảnh phải đáp ứng khá nhiều mục tiêu. Còn với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tôi cũng thấy có ba điểm hài lòng.

Đầu tiên là con đường cải tổ hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục diễn ra và có phần quyết liệt hơn trong chặng đường mới. Dù trong chặng đường này đã có những điều chỉnh nhưng những điều chỉnh đó là đúng đắn để thích ứng với thời cuộc.

Hai là trong điều hành chính sách, mặc dù trong môi trường hết sức hà khắc, nhưng những điều chỉnh cả về ngắn hạn lẫn dài hạn của NHNN đều tự tin hơn.

Ba là muốn nói gì thì nói, một hai năm trở lại đây đặc biệt là năm nay, với vai trò cơ quan thực thi chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, NHNN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dù chưa phải hoàn hảo, nhưng là một điểm sáng để người khác nhìn vào.

Theo ông những thành quả trên tạo nên nền tảng vững chắc cho hoạt động hệ thống ngân hàng chưa?

Tôi nghĩ, nền tảng có rồi nhưng để đạt độ vững chắc vẫn còn thách thức lớn. Cái rõ nhất là trong hệ thống vẫn còn có những ngân hàng yếu kém tiềm ẩn rủi ro. Nhiều thời điểm, chính các ngân hàng đó lại gây áp lực chính sách chung của hệ thống. Gần đây nợ xấu ở một số ngân hàng lại có chiều hướng tăng lên.

Khó khăn nữa, sau giai đoạn đầu triển khai mạnh mẽ xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42, nhưng do sự phối hợp chưa đồng điệu, thiếu quyết liệt của các bộ, ngành, xử lý TSBĐ còn chủng chẳng. Chưa kể vấn đề tăng vốn đáp ứng tiêu chuẩn Basel II đang là thách thức lớn đối với cả ngân hàng lớn và nhỏ.

Do quá nhiều mục tiêu phải lo cả trước mắt lẫn dài hạn, trong khi tính tự chủ của NHNN vẫn chưa cao nên việc phối hợp với các bộ, ngành để hài hòa mục tiêu còn khó khăn. Đối với vấn đề nâng cao tính tự chủ, chủ động trong điều hành chính sách của NHNN đã được đề cập tới nhiều lần, dù không phải tất cả nhưng rất nhiều nghiên cứu chỉ ra tính độc lập là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo thực hiện được một mục tiêu cơ bản nhất của chính sách tiền tệ. Đó là lạm phát tương đối thấp và ổn định rộng ra là ổn định kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn, khủng hoảng thì tính độc lập tự chủ là nhân tố đảm bảo tạo được khả năng linh hoạt hơn cho chính sách tiền tệ. Mà linh hoạt chính sách tiền tệ là một yếu tố quan trọng để tăng khả năng chống chịu, giảm thiểu những tác động bất lợi của các cú sốc từ bên ngoài. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu hơn, kinh tế thế giới ngày càng bất định càng đòi hỏi tính độc lập cao hơn.

Vậy, sang năm 2019, hệ thống ngân hàng nên có những điều chỉnh chính sách gì để đạt được như kỳ vọng?

Năm 2019 là một năm đầy thách thức. Nhiều bất định lại gắn với rất nhiều dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chững lại, ít nhiều suy giảm. Cho nên tính kiên định mục tiêu chính sách ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vẫn cần độ linh hoạt nhất định, sẽ là thách thức của nhà điều hành.

Thách thức nữa, trong năm 2019, tiếp tục thực hiện cải tổ lành mạnh hóa hệ thống NHTM theo đúng lộ trình. Nhất là hoạt động tăng vốn, đáp ứng thông lệ quốc tế không phải nhiệm vụ dễ dàng đối với các ngân hàng.

Vấn đề quan trọng nữa trong bối cảnh hiện nay đó là nguồn nhân lực. Các ngân hàng cần phải khẩn trương đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao để đảm bảo hạn chế rủi ro thấp nhất từ con người. Ngoài ra, truyền thông của NHNN nên mạnh mẽ hơn, dù hiện tại tính giải trình vẫn có nhưng tính giao thoa chưa đủ mạnh.

Xin cảm ơn ông!