Một số giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy kế toán tài chính
Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng, sinh viên ngành Kế toán mới tốt nghiệp ra trường đều phải đào tạo lại mới phù hợp được với nhu cầu thực tế tại doanh nghiệp được tuyển dụng. Nguyên nhân chính là do các trường đại học, cao đẳng hiện nay chỉ đào tạo chú trọng về lý thuyết mà chưa chú trọng đến việc gắn lý thuyết với thực hành… Bài viết trao đổi một số vấn đề về đổi mới phương pháp giảng dạy môn học kế toán tài chính tại các trường cao đẳng, đại học để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng được ngay nhu cầu xã hội đang cần.
Cơ sở lý luận về đổi mới phương pháp dạy và học
Để hiểu rõ hơn về đổi mới phương pháp dạy và học tại các trường cao đẳng, đại học, cần chú ý tới các vấn đề như: Đặc điểm của phương pháp dạy và học; quan điểm dạy học, phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học.
- Khái niệm và một số đặc điểm của phương pháp dạy và học: Theo Trần Khánh Đức (2013), phương pháp dạy học là một phạm trù của khoa học giáo dục. Việc đổi mới phương pháp dạy học cần dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn giáo dục. Trong thực tiễn cần xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể để xác định và áp dụng những định hướng, biện pháp thích hợp.
Dựa trên khái niệm chung về phương pháp dạy học, có thể hiểu, đổi mới phương pháp dạy học là cải tiến những hình thức và cách thức làm việc kém hiệu quả của người dạy và người học, sử dụng những hình thức và cách thức hiệu quả hơn nhằm nâng cao chất lượng dạy học, phát huy tính tích cực, tự lực và sáng tạo, phát triển năng lực của người học.
Theo Đinh Văn Tiến – Ulrich Lipp (2003), phương pháp dạy học có một số đặc điểm cơ bản sau: Định hướng thực hiện mục tiêu dạy học; Là sự thống nhất của phương pháp dạy và phương pháp học; Thực hiện thống nhất chức năng đào tạo và giáo dục; Là sự thống nhất của 1ogic nội dung dạy học và logic tâm lý nhận thức. Phương pháp dạy học có mặt khách quan và mặt chủ quan, là sự thống nhất của cách thức hành động và phương tiện dạy học.
- Quan điểm dạy học, phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học: Lê Công Triêm và Cộng sự (2002), quan điểm dạy học là những định hướng tổng thể cho các hành động phương pháp, trong đó có sự kết hợp giữa nguyên tắc dạy học làm nền tảng, những cơ sở lý thuyết của lý luận dạy học đại cương hay chuyên ngành, những điều kiện dạy học và tổ chức cũng như những định hướng về vai trò của người dạy và người học trong quá trình dạy học. Quan điểm dạy học là những định hướng mang tính chiến lược dài hạn, có tính cương lĩnh, là mô hình lý thuyết của phương pháp dạy học.
Bên cạnh các phương pháp dạy học truyền thống quen thuộc như thuyết trình, đàm thoại, biểu diễn trực quan, làm mẫu, có thể kể ra một số phương pháp khác như: Nghiên cứu trường hợp, điều phối, đóng vai…
Kỹ thuật dạy học là những động tác, cách thức hành động của của người dạy và người học trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy học. Bên cạnh những kỹ thuật dạy học thông thường, ngày nay người ta đặc biệt chú trọng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học, ví dụ: Kỹ thuật “động não’’, kỹ thuật “tia chớp”, kỹ thuật lược đồ tư duy.
Xu hướng đổi mới phương pháp dạy học hiện nay đang hướng tới phát huy tính tích cực, tự lực, chủ động, sáng tạo của người học; Chuyển trọng tâm hoạt động từ giảng viên sang sinh viên; Tăng cường khả năng vận dụng kiến thức vào đời sống; Cải tiến việc kiểm tra và đánh giá kiến thức; Phục vụ ngày càng tốt hơn hoạt động tự học và phương châm học suốt đời. Trong các xu hướng này, việc phát huy tính tích cực và khả năng tự học của sinh viên là xu hướng quan trọng về phương pháp dạy và học hiện nay.
Phương pháp nghiên cứu
Tác giả sử dụng phương pháp định tính thông qua lấy ý kiến của các chuyên gia, các giảng viên đang giảng dạy học phần môn kế toán tài chính, các em sinh viên đã học môn kế toán tài chính trong học kỳ 1 năm học 2016- 2017 vừa qua tại một số trường đại học, cao đẳng khu vực TP. Hồ Chí Minh và các cán bộ đang làm công tác kế toán tại các doanh nghiệp hiện nay. Sau đó, tác giả sử dụng phần mềm Excel để thống kê, tổng hợp bảng số liệu nhằm đánh giá thực trạng việc dạy và học học phẩn kế toán tài chính hiện nay ở các cơ sở đào tạo.
Thực trạng dạy và học môn kế toán tài chính tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay
Thông qua quá trình khảo sát bảng câu hỏi gởi đến các đối tượng có liên quan, tác giả đã kết hợp 3 loại mẫu khảo sát để thống kê kết quả: (i) Giảng viên đang tham gia giảng dạy môn kế toán tài chính tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay ở khu vực TP. Hồ Chí Minh 63 mẫu hợp lệ (số mẫu gửi đi 75); (ii) Các cán bộ lãnh đạo và làm công tác kế toán thực tế tại các doanh nghiệp 42 mẫu hợp lệ (số mẫu gửi đi 50); (iii) Các em sinh viên ngành kinh tế đã và đang học môn kế toán tài chính 172 mẫu (số mẫu gửi đi 190).
Kết quả khảo sát cho thấy, giảng viên dạy học phần kế toán tài chính tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay bước đầu đã sử dụng các phương pháp dạy học tích cực. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp dạy học tích cực mới chỉ ở mức không thường xuyên, trong đó phương pháp dạy học theo dự án thì hầu như là không sử dụng (thường xuyên 6,35%; không thường xuyên 19,05%; không có sử dụng 74,60%).
Kết quả khảo sát cũng cho biết, mức độ sử dụng phương pháp dạy học tích cực qua đánh giá của sinh viên giảng viên có sử dụng dạy phương pháp dạy học tích cực, tuy nhiên cũng chỉ ở mức không thường xuyên. Đặc biệt, ở phương pháp dạy học theo dự án sinh viên cho rằng giảng viên vẫn rất ít áp dụng (thường xuyên 1,16%; không thường xuyên 4,07%; không có sử dụng 94,77%)…
Như vậy, phương pháp dạy học môn kế toán tài chính tại các trường cao đẳng, đại học hiện nay chủ yếu vẫn là phương pháp thuyết trình truyền thống, các nhóm phương pháp dạy học tích cực ít được sử dụng chỉ đạt mức độ trung bình.
Đa số giảng viên giảng dạy môn kế toán tài chính đều đạt chuẩn về kiến thức chuyên môn, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: Kinh nghiệm giảng dạy còn thiếu, giảng viên chưa qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm bài bản, một số chưa sử dụng tốt các phần mềm tin học ứng dụng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ dạy học cũng chưa đầy đủ, phòng học chuyên môn còn thiếu, đặc biệt phòng học kế toán mô phỏng.
Giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy kế toán tài chính
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy môn kế toán tài chính để sinh viên sau khi ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Thứ nhất, giảng viên cần cập nhật những kiến thức thực tế, thiết kế bài giảng thực tế và sinh động. Bài giảng trên cơ sở nguyên cứu những bài báo của nước ngoài và những thông tin trong nước trên cơ sở hiểu rõ bản chất của vấn đề để trình bày và thiết kế bài giảng cho phù hợp với từng tiết giảng bằng cách tìm kiếm những tình huống thực tế đưa vào bài giảng.
Thứ hai, phát huy mô hình “học lẫn nhau” theo nhóm. Theo đó, giảng viên tập trung vào thảo luận, hướng dẫn phát hiện vấn đề, giám sát việc tham dự thảo luận theo các mục tiêu học thuật, học mang tính chủ động và sâu hơn; Chú ý tính thực hành trong từng phần giảng.
Thứ ba, giảng viên tạo không khí tích cực trong giờ học, trong đó chú ý dung hòa phù hợp giữa học và chơi. Đây là hai vấn đề không đối nghịch nhau mà ngược lại, khi người học tìm thấy niềm vui trong học tập thì việc học cũng trở nên dễ dàng hơn.
Thứ tư, người dạy trực quan hóa (trình bày nội dung bằng hình ảnh) các bài giảng. Con người không chỉ học bằng cách nghe, mà còn học được bằng cách quan sát. Vì thế, tất cả các nội dung quan trọng cần phải được trực quan hóa và trong suốt tiết học phải làm cho người học có thể nhìn thấy càng lâu càng tốt. Trực quan hóa được thực hiện thông qua các phương tiện giảng dạy như: bảng, bảng ghim, trình chiếu, tranh ảnh, hình vẽ...
Nếu giờ giảng chỉ xoay quanh những kiến thức sách vở và người học không nhận thấy mối quan hệ với cuộc sống thực tại, nghĩa là buổi học không đảm bảo yêu cầu. Kiến thức lý thuyết có thể được người học ghi nhớ trong các kỳ kiểm tra, nhưng khi thi xong, kiến thức đó sẽ biến mất. Lý thuyết là quan trọng để chúng ta lý giải các vấn đề. Tuy nhiên, nếu không có mối liên hệ với thực tế, lý thuyết chẳng có tác dụng gì.
Do vậy, người thầy ngoài kiến thức lý thuyết và thực tế không ngừng được củng cố và duy trì ở mức độ cao mà còn phải hiểu thấu và vận dụng linh hoạt các nguyên tắc trên sẽ mang lại nguồn cảm hứng và sự say mê của người học.
Làm được những công việc đó chúng ta mới đào tạo ra những thế hệ sinh viên có chuyên môn cao, có kỹ năng nghề nghiệp tốt đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, điểu này hoàn toàn phù hợp và cần thiết trong dạy học môn kế toán tài chính đối với sinh viên ngành Kế toán hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Đinh Văn Tiến – Ulrich Lipp (2003), Cẩm nang phương pháp sư phạm, NXB TP. Hồ Chí Minh;
2. Lê Công Triêm (chủ biên), Nguyễn Đức Vũ, Trần Thị Tú Anh (2002), Một số vấn đề hiện nay của PPDH Đại học, NXB Giáo dục, Hà Nội;
3. Phan Trọng Ngọ (2005), Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường, NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh;
4. Trần Khánh Đức (2013), Lý luận và PPDH hiện đại, NXB Giáo dục, Hà Nội.