Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện kiểm toán tín dụng thuê mua
(Tài chính) Theo quy định hiện hành, tín dụng thuê mua là hoạt động tín dụng trung và dài hạn thông qua việc cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác trên cơ sở hợp đồng cho thuê giữa bên cho thuê với bên thuê. Bên cho thuê cam kết mua máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác theo yêu cầu của bên thuê và nắm giữ quyền sở hữu đối với các tài sản cho thuê. Bên thuê sử dụng tài sản thuê và thanh toán tiền thuê trong suốt thời hạn thuê đã được hai bên thỏa thuận (Khoản 1, Điều 1, Nghị định 16/2001/NĐ-CP).
Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành về tín dụng thuê mua, khi thực hiện kiểm toán đối với hoạt động này cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất: Xác định giá trị thuê mua
Một trong những nội dung cơ bản và quan trọng trong hoạt động tín dụng thuê mua là xác định giá thuê mua. Bởi vì, đặc trưng quan trọng nhất của hoạt động tín dụng thuê mua chính là việc “…cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác…”.
Để xác định được chính xác giá trị của hợp đồng thuê mua cần chú ý tới các yếu tố như sau: (i) Chi phí mua tài sản trong hợp đồng thuê mua; (ii) Chi phí marketing trực tiếp; (iii) Chi phí quản trị chung; (iv) các khoản dự phòng cho trường hợp không thu hồi được vốn tài trợ của bên cho thuê; (v) Lợi nhuận biên tế; (vi) Giá trị còn lại…
Thứ hai: Phương pháp tính số tiền thuê mua
Khi tiến hành kiểm toán hoạt động thuê mua cần chú trọng tới cách thức tính toán số tiền thuê mua trong hợp đồng thuê mua. Bên cho thuê có thể áp dụng một trong các phương pháp tính tiền thuê mua như sau:
(i) Phương pháp tính tiền thuê mua khi kết thúc hợp đồng người thuê chuyển quyền sở hữu tài sản miễn phí: Tiền thuê trả vào cuối mỗi kỳ, với số tiền bằng nhau; Tiền thuê trả vào đầu mỗi kỳ, với số tiền bằng nhau; Tiền thuê giảm tuyến tính, thu ngay đầu kỳ…
(ii) Phương pháp tính tiền thuê mua có giá bán ấn định khi kết thúc hợp đồng: Tiền thuê có giá bán ấn định khi kết thúc hợp đồng, thu cuối kỳ; Tiền thuê có giá bán ấn định khi kết thúc hợp đồng, thanh toán đầu kỳ; Tiền thuê với tỷ lệ khâu hao nhanh và lãi suất thả nổi…
Thứ ba: Xác định thời hạn thuê mua
Khi xác định thời gian thuê trong hợp đồng cần lưu ý tới phương pháp và cách tính khấu hao đối với tài sản cho thuê mua vì theo quy định “Thời hạn cho thuê một loại tài sản ít nhất phải bằng 60% thời gian cần thiết để khấu hao tài sản thuê”. (Điều 1, Khoản 2, điểm c, Nghị định 16/2001/NĐ-CP).
Thứ tư: Quy trình tiến hành một giao dịch thuê mua
Quy trình tiến hành một giao dịch thuê mua có thể bao gồm các bước như sau:
(i) Thẩm định hồ sơ của khách hàng: Chủ yếu căn cứ dựa trên các chỉ số NPV và IRR để đưa ra quyết định chấp thuận hay từ chối khách hàng, đồng thời thực hiện thẩm định và phân loại khách hàng dựa trên một số hệ số như: Người đứng đầu doanh nghiệp; Tính khả thi của dự án; Tỷ số luân chuyển TSCĐ; Tỷ số luân chuyển tài sản; Hệ số thanh toán nhanh; Tỷ số nợ/vốn; Hệ số luân chuyển tài sản lưu động; Tỷ số lợi nhuận/vốn riêng; Hệ số lợi nhuận/doanh thu; Hao mòn vô hình…;
(ii) Ký kết và thực hiện hợp đồng;
(iii) Thanh toán, kiểm tra và chuyển nhượng hợp đồng;
(iv) Kết thúc hợp đồng.
Một số bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động tín dụng thuê mua
Ngoài nghiệp vụ cho thuê tài chính, hiện nay theo các quy định của pháp luật, công ty cho thuê tài chính còn được phép thực hiện hoạt động cho vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động đối với bên thuê khi có mức vốn điều lệ tương đương mức vốn pháp định (hiện tại là 500 tỷ đồng). Hoạt động cho vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động chỉ được thực hiện cho đối tượng là bên Thuê (bên đã có quan hệ thuê mua với bên cho thuê) theo các quy định của pháp luật về cho vay.
Song song với đó, công ty cho thuê tài chính còn được thực hiện nghiệp vụ cho thuê vận hành theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định hướng dẫn cụ thể.
Mặt khác, trong quá trình hoạt động, công ty cho thuê tài chính phải trích dự phòng rủi ro và hạch toán vào chi phí hoạt động. Việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (Điều 34, Nghị định 16/2001/NĐ-CP). Tuy nhiên, việc này lại chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Do đó, cần làm rõ phương thức phân loại đối với dư nợ của khách hàng được cho thuê tài chính và việc trích lập dự phòng đối với khoản dư nợ này.
Ngoài ra, khi hợp đồng thuê mua bị chấm dứt trước thời hạn dẫn tới việc bên cho thuê thu hồi tài sản tuê, sau khi thu hồi tài sản thuê, trong thời gian tối đa là 60 ngày, bên cho thuê phải xử lý xong tài sản cho thuê (Khoản 1, Điều 28, điểm b, Nghị định 16/2011/NĐ-CP. Việc quy định trong vòng 60 như nêu trên có thể dẫn tới khó khăn cho bên cho thuê trong nhiều trường hợp khó xử lý đối với tài sản thuê.