Một số vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện quyền con người ở Việt Nam

PV.

Thúc đẩy và bảo đảm quyền con người là một trong những mục tiêu cốt lõi của Liên Hợp Quốc. Tại Việt Nam, quan điểm nhất quán, xuyên suốt là quyền con người, bao gồm kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, dân sự và cả quyền phát triển là không thể tách rời và cần được quan tâm, ưu tiên như nhau.

Tại Việt Nam, việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia, hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa và phát triển của mỗi nước cũng như sự tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, đối thoại và hợp tác.

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn khẳng định, quan điểm, chính sách và luật pháp của Nhà nước Việt Nam về quyền con người cũng như thành tựu của Việt Nam trong thực hiện các quyền thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị, nhóm quyền kinh tế - văn hóa - xã hội, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, như mọi quốc gia khác, Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu, thiên tai như hạn hán, ngập mặn, lũ lụt. Những thách thức này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, hạn chế các quyền lương thực, sức khỏe, giáo dục và nhà ở của người dân Việt Nam.Việt Nam luôn đặt người dân ở trung tâm của phát triển và tiếp tục tăng cường hệ thống luật pháp, chính sách và thể chế thông các Công ước nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, trong việc bảo đảm quyền con người ở nước ta hiện nay vẫn còn một số vấn đề tồn tại nhất định. Ví dụ như: Về nhận thức của cán bộ, công chức, thực tế cho thấy, hiểu biết về nhân quyền ở nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế, dẫn đến có những hành động cố ý hoặc vô ý vi phạm các quyền hợp pháp của công dân;  Nhân quyền được coi là một vấn đề nhạy cảm, ít khi những vấn đề nhân quyền trong nước được đề cập một cách trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng; Hiện nay, nước ta vẫn chưa có một cơ quan chuyên trách về vấn đề thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền; Ngoài ra, ở nước ta hiện nay còn thiếu các điều kiện để chăm sóc, giải quyết việc làm cho các đối tượng người bị nhiễm HIV/AIDS, những người làm mại dâm, những người vi phạm pháp luật sau khi mãn hạn tù…

Trong các năm gần đây, Việt Nam đã duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, tăng cường mức sống của người dân, giảm mạnh tỉ lệ nghèo, thúc đẩy bình đẳng xã hội, góp phẩn bảo đảm thụ hưởng các quyền kinh tế xã hội, cũng như thực hiện quyền con người trong nhiều lĩnh vực khác. Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, và ngày càng chủ động, tích cực đóng góp tại các diễn đàn về quyền con người trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, ASEAN và nhiều cơ chế khác.

Việt Nam đã chứng kiến những thành tựu hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặc biệt là việc thông qua Hiến pháp 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ chủ thể và nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Để  đảm bảo thực hiện quyền con người trong điều kiện nước ta hiện nay, bảo đảm hiện thực hóa quyền con người theo Hiến Pháp 2013 quy định, cần phải áp dụng đồng bộ các nhóm giải pháp.

Bên cạnh các văn bản quy phạm về kinh tế, Nhà nước cần ưu tiên xây dựng các văn bản hướng dẫn về quyền công dân, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm quyền con người. Các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa cũng cần gấp rút được nghiên cứu và tổng kết thực tiễn; Trên cơ sở đó chế định quyền sở hữu cá nhân cần phải được quy định cụ thể hơn. Vì đây là quyền giữ vị trí chi phối các quyền khác. Chỉ khi quyền sở hữu cá nhân được bảo đảm, công dân mới an tâm đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, tạo ra của cải làm giàu cho bản thân và xã hội.

Trong nhà nước pháp quyền không chỉ bảo vệ quyền lợi của người dân nói chung mà xuất phát từ đặc thù về thể chất, tâm lý, quyền lợi của trẻ em, phụ nữ, công dân cao tuổi cũng như những người bị khuyết tật… phải được coi là đối tượng ưu tiên trong việc bảo vệ, yêu cầu đặt ra cho việc hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi của nhóm đối tượng này là: Không được có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào trong các quy định của pháp luật; Quyền lợi của họ phải được bảo đảm trên thực tế.