Một số vấn đề về hoàn thiện hệ thống kế toán doanh nghiệp Việt Nam
(Tài chính) Bài viết trao đổi về lộ trình phát triển và hoàn thiện hệ thống kế toán của doanh nghiệp Việt Nam theo Chiến lược phát triển kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Về định hướng và nguyên tắc hoàn thiện Luật Kế toán
Thứ nhất, Luật Kế toán nên xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản của kế toán và không đi quá sâu vào các quy định cụ thể, chi tiết; Phù hợp với sự phát triển, ứng dụng của công nghệ thông tin và phải tính đến yếu tố phát triển và hội nhập, nhằm đảm bảo được sự hài hòa trong việc cung cấp thông tin đáng tin cậy; Phù hợp với chiến lược tài chính đã được phê duyệt, trong đó có chiến lược phát triển kế toán - kiểm toán, cũng như hài hòa, đồng nhất với các quy định về các lĩnh vực khác có liên quan trong từng giai đoạn; Phân định rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong việc ban hành quy định cụ thể, đồng thời giám sát tình hình thực hiện các quy định này…
Thứ hai, ban hành Luật Kế toán phù hợp với nền kinh tế thị trường, hướng đến mục tiêu “hội tụ” với các quy định quốc tế về kế toán. Theo đó, Luật cần phù hợp với tình hình kinh tế đất nước; quy định việc sửa đổi bổ sung các nguyên tắc phù hợp với Chuẩn mực kế toán như ghi nhận giá trị tài sản theo phương pháp kết hợp giữa giá trị ghi sổ và giá trị hợp lý; bổ sung quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, nâng cao vai trò, vị trí của công tác kế toán nói chung, kế toán trưởng nói riêng; sửa đổi các quy định về chứng từ kế toán, sổ kế toán phù hợp trình độ phát triển công nghệ thông tin hiện nay.
Thứ ba, đảm bảo tính đồng bộ và bao quát toàn bộ các quy định liên quan đến kế toán. Luật Kế toán phải quy định được khái quát các vấn đề chung của kế toán gồm các khái niệm, thuật ngữ, nội dung cơ bản của công tác kế toán cũng như các loại hình kế toán chuyên ngành đặc thù… có như vậy mới có sự thống nhất trong tất cả các văn bản pháp quy liên quan đến kế toán.
Thứ tư, đảm bảo yêu cầu hội nhập hiện tại và tương lai. Yêu cầu hội nhập kế toán là rất cần thiết, cho nên trong quá trình hoàn thiện cần phải tính đến yếu tố hội nhập để đảm bảo tính hội nhập của Luật và yêu cầu cung cấp các thông tin tài chính kế toán.
Thứ năm, chỉ quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc. Luật Kế toán không nên quy định các vấn đề quá chi tiết mà chỉ nên quy định mang tính khái quát, nguyên tắc, nhằm đảm bảo và tạo ra khuôn mẫu chung, khi đó mới có thể kéo dài được “tuổi thọ” của Luật kế toán. Các vấn đề quy định chi tiết cụ thể cần để các văn bản dưới Luật quy định.
Thứ sáu, xây dựng và hoàn thiện Luật phải tính đến sự đồng bộ của toàn bộ hệ thống kế toán Việt Nam và phù hợp với mục tiêu cụ thể từng thời kỳ. Việc sửa đổi và hoàn thiện Luật Kế toán phải tuân theo, đặt trong chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đã được phê duyệt, đạt được mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn và tạo nên sự đồng nhất trong tất cả các văn bản pháp quy khác.
Thứ bảy, nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong công tác kế toán. Luật kế toán cần thể hiện được quy định về đạo đức nghề nghiệp nhằm ngày càng nâng cao hơn nữa, tạo ra tính chuyên nghiệp của những người làm kế toán.
Thứ tám, cần phải có định hướng nhất định trong lộ trình xây dựng hệ thống kế toán, đặt ra mục tiêu cụ thể từng giai đoạn mà bắt buộc phải thực hiện được. Hơn nữa, với việc xây dựng lộ trình theo nguyên tắc hoàn thiện Luật kế toán - hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán - hướng dẫn chuẩn mực kế toán. Hướng đến từng bước sẽ sử dụng luôn thông tư hướng dẫn chuẩn mực mà không cần phải có từng chế độ kế toán của các đơn vị, từng thông tư hướng dẫn chế độ kế toán cũng như là sự đồng nhất, kế thừa trong quá trình xây dựng các văn bản kế toán…
Về định hướng và nguyên tắc hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán doanh nghiệp
Hệ thống chuẩn mực kế toán phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan, trong đó đặc biệt phù hợp với Luật Kế toán hiện hành và các quy định về sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán trong thời gian tới. Ngoài ra, phải được xây dựng trên cơ sở có tham chiếu và có sự độc lập nhất định đối với chính sách thuế và các quy định về tài chính nhằm đảm bảo tính trung lập của thông tin kế toán đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của đa số chủ thể có lợi ích liên quan đến đơn vị kế toán.
Hệ thống chuẩn mực kế toán được hoàn thiện và bổ sung trên quan điểm kế thừa có chọn lọc các quy định hiện hành, đảm bảo tính hợp lý và đã đi vào đời sống kế toán của các đơn vị cũng như người làm công tác kế toán. Đồng thời, mạnh dạn tiếp cận với những vấn đề mới mà hệ thống hiện hành chưa bao quát. Việc hoàn thiện và bổ sung cũng phải có cơ sở phù hợp với thực tiễn nền kinh tế và trình độ quản lý của Việt Nam hiện hành, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, hệ thống chuẩn mực kế toán phải đảm bảo tính chất định hướng và dự báo cho các giai đoạn phát triển tiếp theo của nền kinh tế Việt Nam trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tiếp nhận và có chọn lọc những vấn đề cập nhật nhất của hệ thống báo cáo tài chính quốc tế.
Một số nghiên cứu định lượng cho thấy, hiện nay mức độ hài hòa giữa Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam với Hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế biến động trong khoảng 13,4% - 87,5%, trong đó mức độ sai khác trong phương pháp đo lường được xác định ở tỷ lệ khá cao (75,8%).
Định hướng và nguyên tắc hoàn thiện chế độ kế toán doanh nghiệp
Hoàn thiện Chế độ kế toán DN phải dựa trên định hướng, chiến lược chung về phát triển kế toán, kiểm toán từng thời kỳ: Chế độ kế toán DN là một bộ phận của hệ thống kế toán DN, nên phải tuân theo các quy định của từng thời kỳ về phát triển kế toán, để đáp ứng yêu cầu - mục tiêu điều hành và quản lý của Nhà nước. Theo góc độ vi mô, chế độ kế toán DN cũng sẽ tuân theo các nguyên tắc, phương pháp kế toán trong tổng thể hệ thống kế toán DN.
- Hoàn thiện chế độ kế toán DN tuân theo sự hội nhập quốc tế: Thông tin do kế toán cung cấp chỉ có giá trị pháp lý khi tuân theo các quy định của khu vực, quốc tế cũng như phản ánh được các điều kiện kinh tế cụ thể của Việt Nam. Mặc dù, chế độ kế toán DN là sự hướng dẫn, cụ thể hóa Luật kế toán, Hệ thống chuẩn mực kế toán nhưng cũng không nên xây dựng một cách quá chi tiết dẫn đễn việc thực hiện có thể dễ dàng nhưng sự cập nhật, đáp ứng yêu cầu phát triển sẽ khó khăn hơn.
- Hài hòa với các chính sách tài chính: Chế độ kế toán DN cũng nhằm mục tiêu điều hành và quản lý, cho nên cần hài hòa với các chính sách tài chính khác như thuế, tài chính, hải quan... nhằm hướng tới sự “hội tụ” của những quy định này để vừa thuận lợi cho những người thực hiện cũng như cung cấp được thông tin trung thực và hợp lý nhất.
- Hoàn thiện chế độ kế toán DN phải tính đến yếu tố “mở” và tính chủ động: Khi chế độ kế toán DN quy định cụ thể quá sẽ dẫn đến việc khó bao quát hết được các nghiệp vụ phát sinh của DN, nhất là trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Điều này sẽ dẫn đễn các DN nhiều lúc không được phép chủ động mà phải “chờ” sự hướng dẫn tiếp theo về giải quyết các vướng mắc này mới thực hiện được. Hơn nữa, việc cứng nhắc, khuôn mẫu trong các quy định sẽ dẫn đến tính mất chủ động, sáng tạo của những người làm kế toán.
- Hướng đến sự hội tụ của các loại hình kế toán DN: Nền kinh tế Việt Nam với nhiều loại hình DN hoạt động như: Chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng thương mại... nếu mỗi một loại hình DN có một chế độ kế toán hướng dẫn thì sẽ thuận lợi hơn trong quá trình áp dụng song cũng sẽ tốn kém về mặt kinh phí xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung cũng như tập huấn, do đó, cần thiết phải hướng đến cái chung nhằm đáp ứng được các yêu cầu của các loại hình DN.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2003), Luật Kế toán, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI;
2. Chính phủ, Chiến lược phát triển kế toán 2020, 2030;
3. Bộ Tài chính (2006), Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, Nhà xuất bản Tài chính;
4. Bộ Tài chính (2006), Hệ thống kế toán doanh nghiệp, Nhà xuất bản Tài chính.