Đột phá cải cách thủ tục tại Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
Sau gần nửa năm triển khai hệ thống máy soi hành lý hiện đại tại ga đến cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đến nay hơn 95% khách nhập cảnh được thông quan ngay, không phải khai báo hải quan…
Nhanh chóng, tiện lợi hơn
Thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong thời gian qua, Cục Hải quan TP.HCM và Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiện đại hóa, cải cách thủ tục hải quan, tạo môi trường văn minh lịch sự, nhanh chóng thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và hành lý của hành khách xuất nhập cảnh.
Ông Lê Tuấn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan, từ tháng 3/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã triển khai thực hiện phân luồng theo “Cửa xanh” và “Cửa đỏ” nhằm tạo thuận lợi tối đa, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho hành khách nhập cảnh, phù hợp với thông lệ quốc tế, hướng đến mục tiêu thu hút đầu tư, thương mại và du lịch.
Theo đó, tại khu vực ga đến quốc tế, có 2 cửa treo bảng điện tử hướng dẫn màu xanh “Cửa xanh” (Không phải khai báo hải quan – Nothing to declare) và 2 cửa treo bảng điện tử hướng dẫn màu đỏ - “Cửa đỏ” (Phải khai báo hải quan – Goods to declare). “Cửa xanh” được áp dụng cho hành khách không có hàng hoá phải khai báo, hoặc cơ quan Hải quan không nghi vấn thì hành khách sẽ di chuyển qua “Cửa xanh” để vào nội địa mà không phải mất thời gian cho việc kiểm tra hành lý của hải quan.
Theo đó, hành khách sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh từ Công an cửa khẩu, chỉ việc lấy hành lý ký gửi tại các băng chuyền và ra về, thay vì phải đưa qua khu vực máy soi hành lý của cơ quan Hải quan để kiểm tra như trước đây. Hiện nay, hầu hết hành khách (khoảng 95% trong mỗi chuyến bay) được thông quan cửa Xanh và phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi khai báo của mình.
Nâng cao tính tự giác
Ông Lê Tuấn Bình cho biết, hiện nay, chỉ khoảng dưới 5% khách nhập cảnh trong mỗi chuyến bay phải đi qua “Cửa đỏ” để kiểm tra hành lý. Những đối tượng này thuộc 2 trường hợp: Trường hợp thứ nhất, hành khách có hàng hoá phải khai báo theo quy định, bao gồm: Có hành lý ký gửi trước hoặc sau chuyến đi; hàng hoá vượt tiêu chuẩn miễn thuế theo quy định tại Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, rượu từ 20 độ trở lên: 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ: 2 lít, hoặc đồ uống có cồn, bia: 3 lít; Thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi: 250 gam hoặc xì gà: 20 điếu; Đồ dùng cá nhân với số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi; Các vật phẩm khác có tổng trị giá hải quan không quá 10 triệu đồng Việt Nam; Mang theo ngoại tệ có trị giá trên 5.000 USD hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương hoặc mang trên 15 triệu đồng quy định tại Thông tư 15/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; Mang theo từ 300gram trở lên vàng trang sức, mỹ nghệ; Mang theo hàng nhập khẩu có điều kiện do Chính phủ và các bộ, ngành quy định. Trường hợp thứ hai, do cơ quan Hải quan nghi vấn có dấu hiệu vi phạm, yêu cầu hành khách chuyển sang luồng đỏ để kiểm tra. Trong trường hợp này hành khách phải tự mở hành lý và xuất trình cho cơ quan Hải quan.
Mỗi khi chuyến bay hạ cánh, hành khách sẽ tự căn cứ vào tình trạng hàng hóa, hành lý của mình để chọn “Cửa đỏ” hoặc “Cửa xanh” để di chuyển vào nội địa. Tại mỗi “Cửa xanh” sẽ có nhân viên Hải quan hướng dẫn cho hành khách và sẽ quyết định chuyển luồng sang “Cửa đỏ” để kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn.
Theo ông Lê Tuấn Bình, Luật Hải quan quy định người khai hải quan có nghĩa vụ: “Khai hải quan và làm thủ tục hải quan; cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai; Thực hiện quyết định và yêu cầu của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc làm thủ tục hải quan”. Nếu hành khách không chấp hành có thể bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm như tạm giữ người, tạm giữ hàng hoá; bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật tuỳ theo trường hợp và tính chất vụ việc vi phạm.
Thực tế, kể từ khi triển khai đến nay, hầu hết hành khách người Việt và du khách nước ngoài đều cảm thấy rất thuận lợi, vui vẻ, hài lòng về quá trình kiểm tra của Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất. Có những người cảm thấy bất ngờ vì không nghĩ rằng thủ tục hải quan lại đơn giản như thế, ngay cả những người phải đi qua cửa Đỏ để kiểm tra cũng cảm thấy rất thoải mái. Họ đều nhận thức được rằng lĩnh vực hàng không luôn yêu cầu rất cao về an ninh, việc kiểm tra hải quan là tất yếu nên họ thấy hoàn toàn bình thường và rất vui vẻ hợp tác.
Tuy nhiên, cũng đã có một vài trường hợp hành khách do thiếu hiểu biết về pháp luật nên đã phản ứng, không thực hiện nghĩa vụ của mình, bất hợp tác với cơ quan Hải quan. “Nên chăng, mỗi hành khách trước khi xuất cảnh, nhập cảnh hãy tìm hiểu kỹ và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật Việt Nam, đặc biệt là pháp luật về hải quan về chính sách xuất nhập khẩu; thực hiện đúng nghĩa vụ của người khai hải quan; thực hiện theo yêu cầu của cơ quan Hải quan khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan Hải quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”- ông Lê Tuấn Bình chia sẻ.