Một số vấn đề về phòng chống rửa tiền trên thị trường chứng khoán
Trong những năm gần đây, rửa tiền đã và đang trở thành một vấn nạn đối với nhiều quốc gia trên thế giới được cả cộng đồng quốc tế quan tâm. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phương thức, thủ đoạn rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp và hoạt động rửa tiền được mở rộng ở quy mô toàn cầu. Bên cạnh các lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền cao như ngân hàng, bất động sản, casino hay sòng bạc… lĩnh vực chứng khoán gần đây cũng đang phải đối mặt với vấn nạn tội phạm rửa tiền, đe dọa đến sự lành mạnh trong hoạt động của thị trường cũng như niềm tin của các nhà đầu tư. Bài viết đưa ra một số nhận định cũng như đề xuất nhằm phòng, chống nguy cơ rửa tiền, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán.
Vấn đề về hoạt động rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán
Nhận diện hoạt động rửa tiền
Theo cách hiểu phổ biến nhất “Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có”. Hoạt động này không chỉ diễn ra tại những địa điểm có quy định về tài chính, luật pháp lỏng lẻo và các quan chức dễ bị mua chuộc mà còn xảy ra tại tất cả các nơi trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và Anh, nơi có luật phòng, chống rửa tiền (PCRT) nghiêm ngặt nhất.
Trên thực tế, hệ thống pháp luật về PCRT ở những quốc gia khác nhau có những quy định khác nhau về tội phạm nguồn của tội rửa tiền, chẳng hạn một số quốc gia liệt kê và công bố danh sách tội phạm nguồn như Malaysia liệt kê 18 tội danh, Thái Lan liệt kê 11 tội danh, Australia liệt kê 18 tội danh, Việt Nam quy định 8 nhóm dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và 8 nhóm dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán.
Quy trình rửa tiền
Tiền “bẩn” thường có nguồn gốc từ buôn lậu, buôn bán ma tuý, tham nhũng và hối lộ, buôn người, trộm cắp, tham ô, lừa đảo, tống tiền, trốn thuế, tội phạm tài chính, tài trợ khủng bố... Nhưng bất luận tiền “bẩn” có được từ hành vi phạm tội nào, để tiến hành rửa tiền, kẻ rửa tiền thường thực hiện qua các giai đoạn: sắp xếp, phân lớp và hòa nhập trong một quy trình nhằm biến những đồng tiền có nguồn gốc phi pháp thành những đồng tiền có vẻ ngoài hợp pháp, cụ thể:
- Giai đoạn sắp xếp (sắp đặt)
Đây là giai đoạn đầu tiên trong quy trình rửa tiền liên quan đến việc bố trí các khoản tiền phi pháp vào trong hệ thống tài chính ngân hàng hoặc các hệ thống khác. Việc này có thể thực hiện bằng cách đầu tư vào các dự án bất động sản hoặc mua các phiếu đổi tiền/phỉnh tại các điểm kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng... Trong giai đoạn này, khả năng phát hiện ra các giao dịch liên quan đến rửa tiền là cao nhất. Khi thực hiện hành vi phạm tội, tội phạm thường thích tiền mặt vì tính thanh khoản cao, nhưng khi những đồng tiền này được sắp xếp đưa vào các định chế tài chính và phi tài chính, thì theo quy định, các định chế này phải thực hiện hạch toán kế toán phản ánh các giao dịch phát sinh và lưu giữ hồ sơ tài liệu liên quan đến các giao dịch đó trong một thời gian nhất định.
- Giai đoạn phân lớp (phân tán)
Đây là giai đoạn thứ hai trong quy trình rửa tiền, sau khi các khoản tiền bất hợp pháp được bố trí đưa vào hệ thống tài chính ngân hàng. Trong giai đoạn này, các khoản tiền đầu tư vào chứng khoán hoặc hợp đồng bảo hiểm tiếp tục được chuyển đổi hoặc chuyển sang các tổ chức khác nhằm tiếp tục tách chúng ra khỏi nguồn gốc phạm tội. Chúng cũng có thể được chuyển đi dưới bất kỳ một công cụ có thể chuyển nhượng cho người khác để lấy tiền mặt (như séc, trái phiếu vô danh, mua lại vé xổ số, đặt cược trúng thưởng, phiếu chi trả cho khách chơi trúng thưởng tại casino, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài…) hoặc cũng có thể được tiếp tục chuyển đến những tài khoản khác nhau ở quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Mục đích của giai đoạn này là tách các khoản tiền có được từ hoạt động tội phạm khỏi nguồn gốc phạm tội của chúng hoặc đơn giản chỉ là chuyển những khoản tiền, tài sản đó càng xa nơi xảy ra tội phạm càng tốt nhằm tránh bị lực lượng thực thi pháp luật phát hiện và tịch thu.
- Giai đoạn hòa nhập (quy tụ)
Giai đoạn này là giai đoạn cuối cùng khi kẻ rửa tiền tiến hành hoà nhập những khoản tiền có được từ hoạt động bất hợp pháp vào nền kinh tế. Việc này có thể thực hiện thông qua việc đầu tư, mua bất động sản, chứng khoán, công cụ tài chính khác hoặc mua hàng hoá xa xỉ để phục vụ cho tiêu dùng cá nhân.
Các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán
Để nhận diện sớm các hành vi rửa tiền, tại Việt Nam Luật PCRT số 14/2022/QH15 ngày 15/11/2023 đã đưa ra 8 nhóm dấu hiệu đáng ngờ cơ bản gồm: (1) Khách hàng từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán; (2) Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (3) Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính; (4) Số điện thoại do khách hàng cung cấp không thể liên lạc được hoặc không tồn tại số điện thoại này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch; (5) Giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo ủy quyền của tổ chức, cá nhân có trong Danh sách cảnh báo; (6) Giao dịch mà qua thông tin nhận biết khách hàng hoặc qua xem xét về cơ sở kinh tế và pháp lý của giao dịch có thể xác định được mối liên hệ giữa các bên tham gia giao dịch với các hoạt động phạm tội hoặc có liên quan đến tổ chức, cá nhân có trong Danh sách cảnh báo; (7) Tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với hoạt động kinh doanh, thu nhập của tổ chức, cá nhân này; (8) Khách hàng yêu cầu đối tượng báo cáo thực hiện giao dịch không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Riêng trong lĩnh vực chứng khoán, ngoài các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản nêu trên, Điều 31 Luật PCRT số 14/2022/QH15 còn đưa ra 8 nhóm dấu hiệu cụ thể như sau:
- Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện.
- Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với hoạt động kinh doanh chứng khoán.
- Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán hoặc thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán để chuyển tiền ra khỏi Việt Nam.
- Khách hàng thường xuyên bán tất cả cổ phiếu trong danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán ký ủy nhiệm chi để khách hàng rút tiền mặt từ ngân hàng thương mại.
- Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán không có lợi trong khoảng thời gian ngắn.
- Tài khoản chứng khoán của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng.
- Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ quỹ đầu tư được mở ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền.
- Nhà đầu tư nước ngoài cư trú ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền góp vốn thành lập quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.
Thực trạng hoạt động rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán
Ở Việt Nam, để thực hiện tốt phòng, chống tội phạm rửa tiền, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về PCRT theo Quyết định số số 470/QĐ-TTg ngày 13/4/2009. Các thành viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo của 15 bộ, ngành có liên quan. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo. Đối với lĩnh vực chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp với NHNN quản lý, giám sát việc triển khai các biện pháp PCRT của các đối tượng báo cáo trong lĩnh vực chứng khoán.
Đối với hệ thống văn bản văn bản pháp lý về PCRT, có thể thấy, Quốc hội, Chính phủ và NHNN đã ban hành một số Luật, Nghị định và Thông tư chi tiết quy định về hoạt động PCRT như: Luật số 07/2012/QH13 về PCRT, nay được thay thế bằng Luật số 14/2022/QH15; Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 88/2019/NĐ-CP; Thông tư số 20/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 35/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quy định về PCRT…
Trong lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan như NHNN, UBCKNN triển khai các biện pháp PCRT trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán và thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động PCRT đối với các đối tượng báo cáo. Các đối tượng báo cáo trong lĩnh vực chứng khoán là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện các hoạt động: Môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán.
Để đảm bảo việc thực hiện các biện pháp PCRT được hiệu quả, Luật PCRT yêu cầu các đối tượng báo cáo phải xây dựng quy định nội bộ về PCRT với những nội dung chính là: Chính sách chấp nhận khách hàng; Quy trình thủ tục nhận biết, xác minh và cập nhật thông tin khách hàng; Giao dịch phải báo cáo; Quy trình rà soát, phát hiện và xử lý, báo cáo giao dịch đáng ngờ… Tính đến hết năm 2021, trong lĩnh vực chứng khoán có 49/83 đơn vị đã gửi quy định nội bộ về Cục PCRT; hơn 30% đơn vị đã gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về PCRT.
Liên quan đến việc nhận diện khách hàng, theo quy định, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ không được giao dịch tiền mặt với khách hàng. Khách hàng của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải thực hiện nộp, rút, chuyển tiền thông qua các ngân hàng thương mại. Do vậy, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ gặp một số khó khăn trong việc xác định các giao dịch đáng ngờ do không nhận biết được người thực hiện giao dịch nộp, rút, chuyển tiền có phải là chủ tài khoản sở hữu chứng khoán hay không.
Theo Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, ngưỡng phải báo cáo tăng từ 300 triệu đồng của quy định hiện hành lên mức 400 triệu đồng. Cụ thể, từ ngày 01/12/2023, các tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ… và các tổ chức, cá nhân khác thuộc diện phải báo cáo phải thực hiện báo cáo với NHNN khi có những giao dịch có trị giá từ 400 triệu đồng trở lên. Đây là quy định có tác động tích cực đến việc bảo đảm tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người bán, người mua và giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát dòng tiền, sớm phát hiện dòng tiền "bẩn" được hợp thức hóa.
Trong giai đoạn từ năm 2013 đến 09/2020, NHNN (Cục PCRT) đã nhận được 10.246 báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR), trong đó, tỷ lệ báo cáo từ lĩnh vực chứng khoán là rất thấp. Từ năm 2015 đến 2017, cơ quan quản lý đã tiến hành phối hợp, xác minh, xử lý đối với 07 vụ việc giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ liên quan đến rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán. Cơ quan quản lý đã nhận được 02 báo cáo giao dịch đáng ngờ nhận được từ công ty chứng khoán. Chính vì vậy, nguy cơ rửa tiền đối với lĩnh vực chứng khoán chỉ được xếp hạng ở mức độ trung bình.
Hiện nay, công tác quản lý, giám sát PCRT trong lĩnh vực chứng khoán có thể được chia làm 03 cấp độ: Cơ quan quản lý nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và UBCKNN), công ty chứng khoán và nhân viên chịu trách nhiệm về PCRT. Căn cứ theo kết quả khảo sát: 74,5% công ty chứng khoán phân công trên 01 người tham gia giám sát tuân thủ PCRT, 98% công ty chứng khoán có quy định về lưu trữ hồ sơ của khách hàng và thực hiện báo cáo về PCRT và về cơ bản tất cả các công ty chứng khoán đều có hệ thống thông tin lưu giữ thông tin khách hàng, cho phép và hỗ trợ quá trình giám sát giao dịch của khách hàng dựa trên thông tin của khách hàng.
Hàng năm, UBCKNN thực hiện kiểm tra, thanh tra định kỳ đối với các các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, trong đó có nội dung về PCRT.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán
Để nâng cao hiệu quả PCRT, đặc biệt là trong lĩnh vực chứng khoán, cần có các nhóm giải pháp chung và giải pháp cụ thể như sau:
Nhóm giải pháp chung
Một là, trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật PCRT và xây dựng Luật Chứng khoán, NHNN và Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan rà soát, trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định tại các văn bản pháp luật hành chính liên quan để: (i) Quy định trách nhiệm của các bộ, ngành sao cho thống nhất, tránh chống chéo, nhất là trong việc ban hành văn bản pháp luật triển khai Luật trong từng lĩnh vực; (ii) Tăng cường năng lực cho cơ quan PCRT sao cho cơ quan này có tính độc lập tương đối trong hoạt động.
Hai là, NHNN cần phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình các cấp cho phép xây dựng nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCRT sao cho việc xử phạt được áp dụng thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực khác nhau, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Ba là, để có thể nhận dạng được chủ sở hữu thực sự đằng sau các giao dịch hoặc các công ty, góp phần minh bạch hóa hoạt động của các pháp nhân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đưa quy định về việc công khai minh bạch thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của các doanh nghiệp vào Luật Doanh nghiệp; đồng thời quy định trách nhiệm pháp lý và hình phạt tương xứng đối với một số hành vi như: Đứng tên hộ để thành lập doanh nghiệp hoặc đứng tên hộ trong các chứng từ sở hữu doanh nghiệp mà không có ủy quyền, không đăng ký với người có thẩm quyền; sử dụng tài khoản cá nhân thay cho tài khoản của doanh nghiệp...
Nhóm giải pháp cụ thể
Một là, bổ sung quy định về tuân thủ pháp luật về PCRT trong Luật Chứng khoán và các văn bản quy phạm pháp luật khác về tổ chức, hoạt động của các đối tượng báo cáo thuộc lĩnh vực kinh doanh chứng khoán; quy định cấm việc lợi dụng hoạt động kinh doanh chứng khoán để thực hiện các hình thức rửa tiền; thực hiện thu hồi giấy phép trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán vi phạm quy định về pháp luật về PCRT và pháp luật về chứng khoán. Tại Luật Chứng khoán cần quy định Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề về PCRT đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Hai là, nghiên cứu các quy định của pháp luật về PCRT để triển khai thực hiện, trước mắt, xây dựng và hoàn thiện quy định nội bộ về PCRT với đầy đủ các nội dung theo yêu cầu; quy định này cần phải được gửi cho cơ quan PCRT thuộc NHNN hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành về kinh doanh chứng khoán và cơ quan này phải đánh giá được những điểm còn khiếm khuyết trong đó để yêu cầu đối tượng báo cáo chỉnh sửa phù hợp, đồng thời, tổng hợp những điểm mạnh, những thực hành tốt nhất để chia sẻ kinh nghiệm cho các đối tượng báo cáo.
Ba là, bố trí nguồn nhân lực đầy đủ để đảm nhiệm việc tham mưu các cấp chỉ đạo và triển khai PCRT phù hợp với hệ thống của đối tượng báo cáo, bao gồm cả các chi nhánh, chi nhánh phụ, đại lý, văn phòng đại diện...
Bốn là, thực hiện sàng lọc nhân viên để đảm bảo rằng nhân viên trong các doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán và cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền vừa có trình độ chuyên môn cao, vừa có chuẩn mực đạo đức tốt thông qua việc rà soát bằng cấp phù hợp và có quy trình, biện pháp định kỳ thẩm tra thông tin hiện có trong cơ sở dữ liệu về nhân viên; đồng thời, yêu cầu nhân viên cam kết thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; phòng tránh những rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố xuất phát từ ngay trong nội bộ.
Năm là, nghiên cứu, đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo nhận dạng khách hàng một cách hiệu quả, phân tích giao dịch khách hàng một cách có hệ thống nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu đáng ngờ trong giao dịch của khách hàng, báo cáo cơ quan chức năng đúng quy định của pháp luật.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội, Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 ngày 15/11/2022;
- Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo cáo tổng kết thi hành Luật phòng, chống rửa tiền, 2021;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo cáo tóm tắt Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố, 2018.