Một số vấn đề về thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Thoái vốn và cổ phần hóa là một chủ trương cần thiết, nhằm sử dụng vốn có hiệu quả, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, giảm các khoản nợ công, để nền kinh tế phát triển theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường, xóa bỏ triệt để cơ chế bao cấp để hội nhập kinh tế quốc tế. Khi đó, Nhà nước sẽ thực hiện đúng chức năng của mình trong việc đề ra các chính sách kinh tế vĩ mô và vi mô để phát triển kinh tế, không trực tiếp tham gia kinh doanh, từ đó sẽ giải quyết được mâu thuẫn giữa quyền sở hữu vốn của ông chủ nhà nước và quyền sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Một số kết quả về cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước
Theo Quyết định 707/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020”, việc cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn nhà nước phải đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng vốn cho đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội đã đề ra.
Chỉ tính trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước sắp xếp được 588 DN, trong đó, CPH 508 đơn vị với tổng giá trị là 760.774 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 2 năm đầu tiên của giai đoạn 2011-2015 chỉ CPH được 25 đơn vị.
Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện tiến trình CPH giai đoạn 2016 - 2020 đã khá hơn, nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường chứng khoán khởi sắc, thuận lợi cho việc bán vốn. Kết quả đã có 56 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với giá trị DN là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 24.390 tỷ đồng.
Bước vào năm 2017, việc thoái vốn tại các DNNN 6 tháng đầu năm gặp không ít khó khăn với con số các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 3.466 tỷ đồng và thu về 14.842 tỷ đồng. Con số thu về này phần lớn nhờ việc bán vốn tại Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), đã thực hiện từ cuối năm ngoái với tổng vốn hơn 11.200 tỷ đồng.
Nguyên nhân cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chậm
Trong hơn hai thập niên qua, Việt Nam đã chủ trương đẩy mạnh thực hiện CPH DNNN và trong vài năm gần đây tiếp tục thực hiện việc thoái vốn các DNNN.
Việc thực hiện CPH và thoái vốn nhà nước tại các DNNN sẽ xóa bỏ được mâu thuẫn về quyền sở hữu vốn và quyền sử dụng vốn trong DN. Ở các DN này, quyền sở hữu vốn là Nhà nước nhưng Nhà nước không rõ ràng, gồm nhiều ông chủ nhỏ và không tham gia sử dụng vốn; quyền sử dụng vốn thuộc về HĐQT mà chủ yếu là giám đốc.
Thông thường các giám đốc này chỉ được tồn tại trong một thời gian ngắn theo sự bổ nhiệm của Nhà nước. Do đó, việc kinh doanh thua lỗ của nhiều DNNN là điều tất yếu sẽ xảy ra, số tiền thất thoát sẽ được chuyển thành thu nhập cá nhân mà Nhà nước khó có thể kiểm soát được.
Đối với DN tư nhân, quyền sở hữu vốn và sử dụng vốn thống nhất với nhau là của giám đốc DN đó, nếu kinh doanh lỗ thì số vốn của cá nhân sẽ bị mất nên các phương án kinh doanh, quản trị, quản lý… được thực hiện một cách thận trọng để tránh mọi rủi ro và mất vốn.
Đây là điểm khác biệt giữa DN tư nhân (kể cả công ty cổ phần nhà nước không nắm giữ cổ phần), với DNNN hoặc DN có vốn nhà nước. Việc CPH và thoái vốn DNNN được thực hiện một cách triệt để, còn góp phần giảm được bộ máy quản lý hành chính ở nhiều cấp, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện CPH và thoái vốn trong thời gian qua thực hiện còn chậm và chưa chặt chẽ về cả văn bản nhà nước và triển khai thực hiện nên vốn nhà nước thất thoát còn lớn. Từ thực tế có thể chỉ ra một số nguyên nhân sau:
Một là, do hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tiễn, khó hiểu, khó thực hiện, còn tạo nhiều kẽ hở nên nhiều DNNN sau khi CPH đã thuộc về sở hữu của giám đốc hoặc một nhóm có quyền lực chi phối việc mua bán cổ phần.
Hai là, việc chỉ đạo không chặt chẽ, kịp thời và không quyết liệt của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương.
Ba là, vì lợi ích nhóm, giám đốc các DN và những người có quyền lợi lớn trong DN không muốn cổ phần, thoái vốn hoặc kéo dài việc thực hiện cổ phần DN nhằm tiếp tục tìm kiếm lợi ích cá nhân dựa vào số tiền của Nhà nước, chờ đến khi đủ tiềm lực của cá nhân mới cổ phần để thâu tóm DN.
Một số đề xuất, giải pháp
Để khắc phục những nguyên nhân trên, cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý, phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn và bao quát được thực tiễn.
Hai là, cần có biện pháp mạnh xử lý thích đáng với các DN thực hiện CPH chậm.
Ba là, tất cả cổ phần được bán ra đều phải thông qua thị trường tài chính, xóa bỏ việc ưu đãi cổ phiếu giá thấp với cán bộ công nhân trong DN. Đây chính là kẽ hở để những người có tiền sẽ mua rẻ số cổ phiếu này để tiến tới nắm cổ phần chi phối, dành quyền điều hành DN hoặc chuyển thành DN của mình. Việc hỗ trợ người lao động trong DN phải được thực hiện bằng một kênh khác, có thể dùng tiền CPH trả cho họ hoặc để họ tham gia đấu thầu cổ phiếu trên thị trường tài chính.
Bốn là, khi CPH cần xem xét lợi thế của địa điểm DNNN đóng trụ sở, tránh trường hợp thời gian qua rất nhiều cổ đông tham gia mua cổ phiếu không phải vì mua DN mà chủ yếu là mua đất của DN và sau đó chuyển nhượng, có trường hợp thu lợi hàng trăm tỷ đồng sau mỗi vụ được thực hiện.
Năm là, số tiền thu được về thoái vốn và CPH chỉ nên dùng cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và một số hạng mục khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh của các DN và các hộ gia đình ở các vùng nông thôn miền núi, không nên dùng cho chi thường xuyên, như vậy mục tiêu của việc thoái vốn và CPH mới đạt được những kết quả như mong muốn.
Chấm dứt việc chỉ định thầu trong lập các dự án về bất động sản mà phải thực hiện giao dịch trên thị trường bất động sản.
Trên thực tế, trong thời gian qua rất nhiều khu đất có giá trị cao được giao cho DN lập dự án theo các hình thức chia lô để bán đất, nhà liền kề, chung cư… với giá đất do hội đồng của các bộ, tỉnh, huyện định giá trên cơ sở khung giá của Nhà nước, một số khu đất có giá trị rất cao vẫn định giá theo bảng giá rất thấp của nhà nước, các chủ đầu tư chỉ cần san lấp mặt bằng, xây cơ sở hạ tầng (thông thường cơ sở hạ tầng kém), chi phí để có mặt bằng không cao nhưng khi bán ra có thể gấp 5 đến 10 lần chi phí đã bỏ ra tạo nên một siêu lợi nhuận cho các DN được ưu ái thực hiện các dự án này.
Tiến tới xóa bỏ độc quyền tất cả các lĩnh vực kinh doanh (trừ một số lĩnh vực an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia), nhất là ngành điện và nước. Trong một thời gian dài chúng ta (do Nhà nước hoặc do cơ chế thị trường) đã dần dần xóa bỏ độc quyền nhiều lĩnh vực như ngân hàng, bưu chính viễn thông, vận tải hàng không, một phần kinh doanh xăng dầu…
Việc xóa bỏ độc quyền tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh biến độc quyền nhà nước thành độc quyền DN mà người hưởng lợi lớn nhất là người tiêu dùng cuối cùng. Cạnh tranh sẽ tạo động lực phát triển, các DN phải tìm mọi cách để giảm chi phí kinh doanh, hạ thấp giá thành, thực hiện văn hóa đạo đức kinh doanh tiến tới một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, để tham gia hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và rộng hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định 59/2011/NĐ - CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;
2. Nghị định 189/2013/NĐ - CP sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ - CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;
3. Quyết định 707/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án cơ cấu lại DNNN.