Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam
Đảng và Nhà nước ta xác định, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là yêu cầu khách quan của nền kinh tế. Mục tiêu của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững.
Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở một số quốc gia và đưa ra những nhận xét, đề xuất giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam trong thời gian tới.
Kinh nghiệm của một số quốc gia
Ba Lan
Ở Ba Lan, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) diễn ra cùng với quá trình thay đổi thể chế chính trị nên được thực hiện rất nhanh với các hình thức: Giải thể, cho phá sản, bán lại cho tư nhân trong nước, bán lại cho các công ty nước ngoài, cổ phần hóa, chỉ còn lại một số ít DNNN dưới hình thức công ty cổ phần.
Sau quá trình cổ phần hóa, các DNNN trước đây đi theo 2 xu hướng: (i) Một số tiếp tục phát triển do nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, có thêm vốn từ khu vực tư nhân; (ii) Nhiều DN bị các hãng nước ngoài thôn tính tiếp tục hoạt động hoặc đóng cửa để thực hiện độc quyền sản xuất, buộc người dân Ba Lan phải sử dụng sản phẩm của các hãng nước ngoài.
Các DNNN ở Ba Lan tồn tại dưới 3 hình thức chính: Công ty cổ phần có sự tham gia vốn của Nhà nước (Nhà nước chỉ nắm 30 - 40% cổ phần nhưng là cổ phần “vàng”, Nhà nước vẫn có khả năng chi phối), công ty cổ phần do Nhà nước chi phối (Nhà nước nắm giữ đa số cổ phần), công ty 100% vốn nhà nước.
Bộ Ngân khố Ba Lan thực hiện quản lý các cổ phần của Nhà nước tại các công ty này thông qua Hội đồng quản trị. Đến nay, các DNNN Ba Lan đóng góp khoảng 15% GDP, tập trung chủ yếu ở một số ngành, lĩnh vực quan trọng như các ngành Khai thác tài nguyên thiên nhiên, ngành Năng lượng, ngành Tài chính ngân hàng, một số ngành đặc biệt cần giấy phép của Chính phủ (ngành sản xuất vũ khí)...
Đối với các DNNN khi cổ phần hóa, Ba Lan ưu tiên bán cổ phiếu cho người công nhân thuộc DN đó (chiếm khoảng 15% giá trị DN). Lượng cổ phần được mua phụ thuộc vào số năm làm việc và mức độ cống hiến của người công nhân.
Với một số DNNN làm ăn thua lỗ, Chính phủ Ba Lan giao hẳn cho công nhân quản lý (số DN này chiếm khoảng 10% và chủ yếu là các DNNN nhỏ ở các địa phương). Việc bán, giao cổ phiếu cho người công nhân đã giúp nhiều DNNN nâng cao hiệu quả hoạt động do kích thích tinh thần làm chủ, tinh thần lao động của người công nhân.
Trong quá trình chuyển đổi kinh tế trước đây và hiện nay, Ba Lan vẫn xác định vai trò quan trọng của các DNNN trong việc góp phần ổn định xã hội, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là những người lao động gặp khó khăn hoặc không có những điều kiện chuyển đổi công việc. Nhằm nâng cao hiệu quả của các DNNN, Ba Lan xác định vai trò của Nhà nước là ít can thiệp trực tiếp vào các DN này, Nhà nước chỉ tập trung vào nhiệm vụ thu thuế đối với các DNNN.
Trong quá trình cổ phần hóa DNNN, Ba Lan cũng chú trọng phát huy vai trò của tổ chức công đoàn tại các DN. Công đoàn tham gia vào quá trình cổ phần hóa bằng việc đưa ra các ý kiến về tiến độ, nội dung cổ phần hóa; đấu tranh về mức lương, điều kiện việc làm, chế độ an sinh xã hội, điều kiện sa thải lao động... đối với người công nhân sau khi cổ phần hóa.
Hungary
Ở Hungary đối với việc cổ phần hóa, tái cơ cấu các DNNN, trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi, các chính phủ của Hungary, dưới sự tư vấn của Ngân hàng Thế giới và Ủy ban châu Âu (EU) đã đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN, xóa bỏ vai trò và sự can thiệp của Nhà nước đối với nền kinh tế và đối với các DNNN, tư nhân hóa nền kinh tế.
Tuy nhiên, qua quá trình chuyển đổi, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng nợ công toàn cầu năm 2008, quan điểm và định hướng chính sách kinh tế của Hungary đã có sự thay đổi, nhấn mạnh hơn vai trò điều tiết của Nhà nước đối với nền kinh tế. Chính phủ Hungary tăng cường can thiệp vào kinh tế, tăng cường vai trò của DNNN trong một số lĩnh vực quan trọng, dừng lại việc cổ phần hóa một số DNNN, mua lại cổ phần của khu vực tư nhân trong ngành Tài chính, ngân hàng...
Trung Quốc
Phương châm, quan điểm chỉ đạo tái cơ cấu DNNN ở Trung Quốc là theo hướng thận trọng, tập trung giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra, cụ thể trong từng trường hợp, tránh rập khuôn, máy móc, tránh “cắt mọi thứ bằng một con dao”, hoặc mù quáng bác bỏ chúng, nhưng cũng không để xảy ra sự cẩu thả trong hành động, nôn nóng tìm cách làm tất cả ngay một lúc.
Việc tái cơ cấu DNNN ở Trung Quốc được đẩy mạnh từ sau Hội nghị Trung ương 4 (khóa XV) khi đưa ra “Quyết định về một số vấn đề lớn trong cải cách và phát triển DNNN”. Quyết định này đưa ra một định hướng mới “thực hiện điều chỉnh mang tính chiến lược đối với kinh tế nhà nước và cải tổ DNNN”.
Trong quyết định này đã chỉ rõ những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước hoạt động là những ngành liên quan đến an ninh quốc gia, độc quyền tự nhiên, sản xuất hàng hóa công cộng, các DN chủ lực trong các ngành kỹ thuật mới và có tính trụ cột...
Thực hiện quyết định này, tỷ trọng khu vực nhà nước của Trung Quốc đã giảm đáng kể. GDP của DNNN thuần tuý giảm từ 77,6% năm 1978, xuống còn 26,5% năm 1997; DNNN giảm mạnh trong các lĩnh vực thương nghiệp bán lẻ, ăn uống công cộng, dịch vụ song vẫn giữ vai trò chi phối ở những ngành then chốt của nền kinh tế như: dầu mỏ, sản xuất điện, luyện kim, hóa chất, tài chính, bảo hiểm, vận tải đường sắt, hàng không, viễn thông, dịch vụ y tế...
Về mặt tổ chức quản lý, trong quá trình tái cơ cấu, Trung Quốc rất chú trọng việc hình thành các công ty lớn, tập đoàn kinh tế dựa trên mô hình công ty mẹ - công ty con. Việc thành lập các công ty mẹ - công ty con là một trong những biện pháp giải quyết vấn đề quản lý nhà nước đối với DN thông qua việc tham gia vào công ty với tư cách là cổ đông.
Đa số các DNNN lớn sau khi tái cơ cấu đều có các công ty con. Các công ty con này được phép tiếp tục đầu tư vào các công ty khác. Quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con được thực hiện thông qua việc quản lý và nắm giữ phần vốn khống chế. Công ty mẹ là công ty nắm cổ phần chi phối ở các công ty con về mặt tài chính và chiến lược phát triển.
Trung Quốc dự định thành lập khoảng 20 - 30 công ty mẹ để quản lý phần vốn của Nhà nước tại các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Các công ty này hoạt động giống như một quỹ đầu tư và đại diện cho toàn bộ sở hữu của Nhà nước tại DN. Việc thành lập các công ty này nhằm khắc phục tình trạng “Chính phủ vừa đá bóng vừa thổi còi” và can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN.
Trung Quốc còn đặc biệt chú trọng xây dựng các tập đoàn kinh tế quốc gia nhà nước - những thực thể sản xuất - kinh doanh mạnh, có quy mô rất lớn, có trình độ kỹ thuật hiện đại, công nghệ tiên tiến, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Về cơ cấu tổ chức, đây là một tổ hợp các DN liên kết với nhau trong hoạt động sản xuất - kinh doanh trên nguyên tắc liên kết kinh tế theo mô hình “công ty mẹ - công ty con”, kinh doanh đa ngành hoặc đơn ngành.
Trong cơ cấu tập đoàn có cả các công ty cổ phần và DN tư nhân, tùy hoàn cảnh cụ thể, có thể còn có cả các đơn vị sự nghiệp. Tập đoàn có 2 loại hình chủ yếu là:
- Tập đoàn mà công ty mẹ chủ yếu thực hiện chức năng kinh doanh vốn và quản lý về chiến lược mà không trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh.
- Tập đoàn mà công ty mẹ vừa thực hiện chức năng quản lý vốn, vừa thực hiện chức năng sản xuất - kinh doanh.
Nhờ những lợi thế về quy mô, tập đoàn đóng vai trò quan trọng trong một số ngành kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, các tập đoàn được thành lập bằng biện pháp hành chính đã gặp phải những bất lợi vốn có hay sự can thiệp hành chính, do vậy mà có kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Qua thực tiễn tại các quốc gia trên, có thể rút ra một số nhận xét và bài học kinh nghiệm cho quá trình tái cơ cấu DNNN ở nước ta:
Thứ nhất, Ba Lan, Hungary đều thực hiện giải thể, phá sản những DNNN thua lỗ kéo dài, bán cho tư nhân hoặc cổ phần hóa các DNNN còn lại. Quá trình này gắn liền với việc đổi mới chính trị nên đã được thực hiện một cách nhanh chóng, dẫn đến phần lớn rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.
Đến nay, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nắm giữ 70-80% ở nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của cả Ba Lan, Hungary, kể cả lĩnh vực quan trọng như ngân hàng, tài chính... làm cho Chính phủ khó can thiệp, kiểm soát nền kinh tế, bị động khi ứng phó với các cuộc khủng hoảng, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Hiện nay, DNNN vẫn còn chiếm khoảng 15% nền kinh tế; Chính phủ Ba Lan đang mua lại một phần cổ phần ở các ngân hàng do nước ngoài chi phối; Chính phủ Hungary đang xem xét, đánh giá lại quá trình cổ phần hóa DNNN.
Thứ hai, quá trình cổ phần hóa các DNNN có những cách làm đáng chú ý. Ba Lan phát huy vai trò của thị trường chứng khoán trong việc xác định giá trị DN và huy động vốn cho DN. Sau khi cổ phần hóa, DNNN còn lại tồn tại dưới 3 hình thức: DN 100% vốn nhà nước; DN vốn nhà nước chi phối (trên 51%); DN vốn nhà nước 30-40% nhưng là cổ phiếu vàng để Nhà nước vẫn giữ được quyền chi phối.
Bộ Ngân khố Ba Lan quản lý các DNNN thông qua Hội đồng quản trị tại DN do Bộ thành lập. Ở Hungary, khi cổ phần hóa DNNN, Nhà nước dành khoảng 15% cổ phần bán cho người lao động tại DN (mức cụ thể tương ứng, tùy thuộc mức độ đóng góp cho DN); một số DN, Nhà nước giao cho tập thể công nhân quản lý; đến nay, có những DN do công nhân quản lý đã hoạt động có kết quả tốt.
Nhà nước cho phép công đoàn tham gia việc bảo vệ lợi ích người lao động khi cổ phần hóa, như bảo vệ công nhân không bị chủ mới sa thải, xác định tiền lương tối thiểu của công nhân sau cổ phần hóa...
Thứ ba, tái cơ cấu, đổi mới DNNN quy mô vừa và lớn phải hướng tới xây dựng một cơ cấu sở hữu hỗn hợp, tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia nắm giữ cổ phần trong các DNNN nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động kinh doanh cho chúng; đồng thời, tôn trọng quyền tự chủ của DN, áp dụng chế độ quản trị kiểu công ty.
Thứ tư, cần xác định cụ thể, rõ ràng vai trò, trách nhiệm, quyền hạn và lợi ích của các tổ chức, cá nhân được ủy quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN đã cổ phần hóa; đồng thời, có hệ thống giám sát, đánh giá tốt hơn, rõ ràng hơn và minh bạch hơn từ phía Nhà nước đối với những đại diện chủ sở hữu nhà nước này.
Thứ năm, tư nhân hoá, trong đó bao gồm cả cổ phần hóa các DNNN là một giải pháp phổ biến ở các nước chuyển đổi, tuy nhiên, không phải là giải pháp duy nhất để nâng cao hiệu quả của DNNN. Kinh nghiệm tư nhân hoá ở các nước cho thấy cần chú trọng một số bài học sau: Không nên tư nhân hoá ồ ạt với quy mô lớn trong một thời gian ngắn, mô hình tốt nhất là tiến hành từng bước, theo lộ trình, tuỳ theo các yếu tố khách quan quy định. Khi tiến hành tư nhân hoá cần chuẩn bị rất kỹ lưỡng, có kế hoạch, có nguồn lực, có bộ máy và chế tài đầy đủ, đồng thời sẵn sàng ứng phó với các tình huống.
Tài liệu tham khảo:
1. Chung Hoàng (2012) – Quy định cụ thể trách nhiệm của Thủ tướng với tập đoàn – Vietnamnet(1/8/2012);
2. Mạnh Hà (2013) - Tập đoàn lớn rũ bỏ dự án bất động sản khủng – Vietnamnet (11/1/2013);
3. Thủ tướng Chính phủ, Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 – 2015;
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011;
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016;
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015;
7. Bowman EH, Singh H (1993), Corporate restructuring: reconfigurating the firm Strateegic Management Journal, Summer Special Issue, No 14, 1993;
8. David E. Vance (2009), Corporate restructuring: from cause analysis to execution Springer;
9. Guillen MF (2000), Business groups in emerging economies: a resource – based, Academiy of Management Journal, No43, 2000.