Một số vấn đề về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kế toán hiện nay


Mặc dù hiện nay, khung khổ pháp lý về hoạt động kế toán nói chung và các quy định về xử phạt hành chính đối với lĩnh vực kế toán nói riêng cơ bản hoàn thiện và nghiêm khắc, song số vụ vi phạm trong lĩnh vực kế toán vẫn có chiều hướng gia tăng.

Các chế tài xử phạt ngày càng có xu hướng tăng về mức độ, nhằm răn đe đối với các vi phạm về lĩnh vực kế toán. Nguồn: Internet
Các chế tài xử phạt ngày càng có xu hướng tăng về mức độ, nhằm răn đe đối với các vi phạm về lĩnh vực kế toán. Nguồn: Internet

Đánh giá thực trạng các vụ việc nổi bật thời gian qua để cho thấy tính nghiêm khắc của pháp luật, đồng thời khái quát một số quy định liên quan đến xử phạt trong lĩnh vực kế toán nhằm giúp cán bộ kế toán nắm rõ để thực hiện, tránh vi phạm bị xử phạt nặng và rơi vào vòng lao lý là nội dung của bài viết.

Gia tăng vi phạm trong lĩnh vực kế toán

Trong những năm gần đây, số lượng các vụ vi phạm trong lĩnh vực kế toán có chiều hướng gia tăng. Các nhân viên kế toán lợi dụng những kẽ hở trong quản lý tại đơn vị để tìm cách giả mạo, khai man, lập khống giấy tờ, tài liệu kế toán để chiếm đoạt tài sản.

Có thể điểm lại một số vụ án được đưa ra xét xử công khai thu hút được sự quan tâm của dư luận thời gian qua, cụ thể, ngày 18/9/2015, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Phước đã xét xử sơ thẩm công khai đối với bị cáo Huỳnh Nguyễn Quế Trâm (trú tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), nguyên kế toán Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước với tội danh “Tham ô tài sản” theo điểm a, khoản 4, Điều 278, Bộ luật Hình sự.

Theo cơ quan quan điều tra, từ năm 2010 - 2013, nhân viên kế toán này đã chủ động soạn thảo, in ấn các văn bản, chứng từ và làm giả chữ ký của lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước để thực hiện 11 lần giao dịch rút tiền quỹ chi hỗ trợ bão lụt, nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ gia đình chính sách… của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh gửi tại Kho bạc Tỉnh và một số ngân hàng để chiếm đoạt số tiền trên 6,1 tỷ đồng.

Ngày 21/12/2017, TAND TP. Cần Thơ đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Vũ Thị Hồng Yến - Nguyên Kế toán trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch TP. Cần Thơ 20 năm tù về tội Tham ô tài sản. Được biết, trong thời gian làm việc tại Trường, bị cáo đã nhiều lần lập khống ủy nhiệm chi, nâng khống tiền thu nhập tăng thêm của cán bộ Nhà trường, nâng khống tiền phụ cấp… để chiếm đoạt tài sản. Theo kết luận của cơ quan điều tra, từ tháng 09/2010 - 07/2016, đối tượng này đã chiếm đoạt tổng số tiền trên 8,3 tỷ đồng.

Đặc biệt, năm 2018 cũng chứng kiến rất nhiều vụ án liên quan đến kế toán, cho thấy xu hướng vi phạm trong lĩnh vực kế toán ngày càng tăng. Cụ thể, ngày 5/1/2018, TAND TP. Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử đối với Hoàng Thị Phương Lan (quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “Tham ô tài sản”, theo khoản 4, Điều 278 - Bộ luật Hình sự và quyết định tuyên phạt 17 năm tù về tội "Tham ô tài sản" theo Bộ luật Hình sự. Theo cáo trạng truy tố, trong thời gian làm kế toán nghiệp vụ thi hành án tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình, Hà Nội, nhân viên kế toán này đã lập 5 chứng từ trích chuyển tiền trong tài khoản tạm giữ, kèm theo Ủy nhiệm chi chuyển khoản, chuyển tiền điện tử cho các đương sự với nội dung sai lệch để chiếm đoạt tiền. Tổng cộng, bị cáo đã giả mạo chữ ký để chiếm đoạt hơn 3,5 tỷ đồng) Ngày 11/4/2018, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt Phạm Thị Ngọc Ánh (Phú Quốc) 15 năm tù vì tội Tham ô tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2013 đến tháng 6/2016, bị cáo là kế toán kiêm thủ quỹ quản lý các khoản tiền thu phí, lệ phí đất đai tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Phú Quốc. Theo đó, Ánh bôi xóa, sửa chữa số tiền ghi trên 128 biên lai thu phí và lệ phí (lai lưu) sao cho thấp hơn số tiền trên biên lai đã thu để chiếm đoạt gần 2,5 tỷ đồng. Để che dấu hành vi phạm tội, cán bộ kế toán này bôi xóa, sửa chữa các loại chứng từ để trùng khớp với bảng kê rồi trình cho ban giám đốc ký quyết toán để nộp vào ngân sách ít hơn.

Ngày 3/5/2018, TAND TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Thu Trang (nguyên Phó trưởng phòng Kế toán giao dịch và Ngân quỹ, Ngân hàng TMCP Bản Việt chi nhánh Gia Định) tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ ngày 7/2/2013 đến ngày 4/9/2013, Trang đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập 53 chứng từ khống rồi giả chữ ký, tất toán sổ tiết kiệm của 12 khách hàng để chiếm đoạt hơn 82,3 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Bản Việt…

Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kế toán, kiểm toán

Theo các chuyên gia tài chính kế toán, hiện nay, khung khổ pháp lý về hoạt động kế toán nói chung và các chế tài xử phạt hành chính đối với lĩnh vực kế toán nói riêng cơ bản hoàn thiện, thể hiện tính răn đe và nghiêm khắc của pháp luật, trong đó rõ nhất là các quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.

Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 đã dành riêng một điều quy định về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, Điều 221 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100 - dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01-05 năm: Giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán; Dụ dỗ, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật; Để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán; Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật Kế toán; Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên nhằm bỏ ngoài sổ kế toán tài sản, nguồn vốn, kinh phí của đơn vị kế toán…

Bên cạnh đó, phạt tù từ 03-12 năm với trường hợp phạm tội vì vụ lợi; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng - dưới 01 tỷ đồng. Đặc biệt, khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù từ 10 - 20 năm trong trường hợp gây thiệt hại từ 01 tỷ đồng trở lên, đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản…

Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực kế toán, các chế tài xử phạt bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/5/2018 tại Nghị định số 41/2018/NĐ-CP của Chính phủ cũng được đánh giá là nghiêm khắc, cụ thể:

Đối với hành vi vi phạm trong công tác kế toán:

Sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Áp dụng sai quy định về chữ viết; chữ số trong kế toán; Áp dụng sai quy định về đơn vị tiền tệ trong kế toán; Áp dụng sai quy định về kỳ kế toán; Áp dụng sai chế độ kế toán mà đơn vị thuộc đối tượng áp dụng. Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi ban hành, công bố chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán, chế độ kế toán không đúng thẩm quyền.

Đối với vi phạm quy định về chứng từ kế toán:

Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Mẫu chứng từ kế toán không có đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định; Tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; Ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn; Chứng từ chi tiền không ký theo từng liên. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký; Ký chứng từ kế toán mà không đúng thẩm quyền; Chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký; Chứng từ kế toán không có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ; Không dịch chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt theo quy định; Để hư hỏng, mất mát tài liệu, chứng từ kế toán đang trong quá trình sử dụng.

Ngoài ra, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; Không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; Lập nhiều lần chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; Thực hiện chi tiền khi chứng từ chi tiền chưa có đầy đủ chữ ký của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về kế toán.

Đối với các hành vi vi phạm quy định về sổ kế toán:

Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sổ kế toán không được ghi đầy đủ theo các nội dung chủ yếu theo quy định; Sửa chữa sai sót trên sổ kế toán không theo đúng phương pháp quy định; Không in sổ kế toán ra giấy sau khi khóa sổ trên phương tiện điện tử đối với các loại sổ kế toán phải in ra giấy theo quy định. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện việc mở sổ kế toán vào đầu kỳ kế toán năm hoặc từ ngày thành lập đơn vị kế toán; Không có chứng từ kế toán chứng minh các thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán hoặc số liệu trên sổ kế toán không đúng với chứng từ kế toán; Thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm thực hiện không kế tiếp thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán năm trước liền kề hoặc sổ kế toán ghi không liên tục từ khi mở sổ đến khi khóa sổ; Không thực hiện việc khóa sổ kế toán trong các trường hợp mà pháp luật quy định phải khóa sổ kế toán. Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Hủy bỏ trước hạn hoặc cố ý làm hư hỏng sổ kế toán; Để ngoài sổ kế toán tài sản, nợ phải trả của đơn vị hoặc có liên quan đến đơn vị nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự...

Đối với hành vi vi phạm quy định về tài khoản kế toán:

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Hạch toán không đúng nội dung quy định của tài khoản kế toán; Thực hiện sửa đổi nội dung, phương pháp hạch toán của tài khoản kế toán hoặc mở thêm tài khoản kế toán thuộc nội dung phải được Bộ Tài chính chấp thuận mà chưa được chấp thuận. Ngoài ra, sẽ phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng hệ thống tài khoản kế toán đã được Bộ Tài chính ban hành hoặc chấp thuận.

Đối với hành vi vi phạm quy định về bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán:

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Lưu trữ tài liệu kế toán không đầy đủ theo quy định; Bảo quản tài liệu kế toán không an toàn, để hư hỏng, mất mát tài liệu trong thời hạn lưu trữ; Sử dụng tài liệu kế toán trong thời hạn lưu trữ không đúng quy định; Không thực hiện việc tổ chức kiểm kê, phân loại, phục hồi tài liệu kế toán bị mất mát hoặc bị hủy hoại. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Hủy bỏ tài liệu kế toán khi chưa hết thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật Kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Không thành lập Hội đồng tiêu hủy, không thực hiện đúng phương pháp tiêu hủy và không lập biên bản tiêu hủy theo quy định khi thực hiện tiêu hủy tài liệu kế toán.

Một số vấn đề cần chú ý

Thống kê cho thấy, các chế tài xử phạt ngày càng có xu hướng tăng về mức độ, nhằm răn đe đối với các vi phạm về lĩnh vực kế toán nói chung và những người làm công tác kế toán nói riêng. Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, ký chứng từ kế toán bằng mực đỏ, mực phai màu sẽ bị phạt từ 03 - 05 triệu đồng (trước đây không quy định); Tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán phạt từ 03-05 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng); Lập sổ kế toán không ghi tên đơn vị kế toán bị phạt 01-02 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng); Làm hư hỏng, mất mát tài liệu, chứng từ kế toán đang trong quá trình sử dụng bị phạt từ 05-10 triệu đồng…

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn không ít tình trạng để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán; Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật Kế toán… Với những vi phạm này, bên cạnh những hình phạt hành chính, các cán bộ kế toán còn phải chịu hình phạt nghiêm khắc theo quy định của Bộ luật Hình sự. Do vậy, việc nắm vững các quy định tại Luật Kế toán, Bộ luật Hình sự, Luật Ngân sách Nhà nước… là rất quan trọng để tránh vướng vào vòng lao lý. 

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán 2015;
  2. Quốc hội (2015), Bộ luật Hình sự năm 2015;
  3. Chính phủ (2018), Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập;
  4. Một số trang website: luatvietnam.vn, thuvienphapluat.vn, tapchitaichinh.vn…