Mua bán nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp
Hoạt động mua bán nợ của doanh nghiệp (DN) đã góp phần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại DN, trong đó chủ yếu là DN nhà nước (DNNN), một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Bộ Tài chính cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2015, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã mua nợ, xử lý tài chính với giá trị 359,81 tỷ đồng, hiện đang tiếp tục đàm phán với các chủ nợ khác để xử lý tiếp khoản nợ 723,82 tỷ đồng cho Công ty Thực phẩm miền Bắc để tiến tới tái cơ cấu DN này.
Đối với Công ty TNHH một thành viên Haprosimex (TP Hà Nội), để thực hiện tái cơ cấu theo phương thức xử lý nợ, xử lý tài chính, DATC đã mua khoản nợ 530,69 tỷ đồng của các tổ chức tín dụng, xử lý tài chính, chuyển đổi DN này sang hình thức công ty cổ phần.
Rõ ràng, việc DN mua bán nợ tham gia xử lý các món nợ tồn đọng đã giúp các DN không lâm vào tình trạng sản xuất, kinh doanh cầm chừng, hoặc thu hẹp, thậm chí chờ phá sản.
Theo TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DN, cần nhìn nhận rõ thực trạng thị trường mua bán nợ, cũng như vai trò của các tổ chức trong công tác xử lý nợ xấu. Có nhiều giải pháp xử lý nợ xấu, ở cả tầm quốc gia hay ở cấp độ đơn lẻ từng đơn vị, như xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ, cơ cấu lại nợ, chứng khoán hóa nợ... nhưng thực tế thị trường mua bán nợ những năm qua cho thấy, tái cơ cấu DN để xử lý nợ xấu là một biện pháp thường được áp dụng và mang lại nhiều điểm tích cực. Vì vậy, phát triển thị trường mua bán nợ (nhất là nợ xấu) sẽ giúp khai thông dòng vốn, hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn.
“Giải quyết nợ xấu cũng tạo điều kiện cho các DN có thể tiếp cận các nguồn lực tài chính mới, phục vụ việc tái cơ cấu hoạt động, thay đổi mô hình quản trị DN, từng bước cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sự tham gia của các nhà đầu tư mới cũng cho phép DN có thể tiếp cận các mô hình quản trị mới, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, cơ cấu sản phẩm, làm ăn hiệu quả hơn...” - TS Vũ Sỹ Cường cho biết.
Dù số lượng nợ xấu hiện nay khá lớn nhưng số lượng DN chuyên hoạt động mua bán nợ xấu lại không nhiều, chỉ có hai DNNN là DATC trực thuộc Bộ Tài chính và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thuộc Ngân hàng Nhà nước cùng khoảng 20 công ty mua bán nợ tư nhân trực thuộc các ngân hàng thương mại.
Với số vốn điều lệ là vài trăm tỷ đồng/DN tư nhân và hơn 3.000 tỷ đồng của DNNN, có thể thấy quy mô vốn để mua nợ không lớn so với tổng số nợ xấu có nhu cầu cần xử lý. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu xử lý nợ xấu khổng lồ và cấp bách của nền kinh tế, cần có thêm nhiều giải pháp nâng cao “công năng” của các DN xử lý nợ.
Trong hai DN mua bán nợ của nhà nước, chỉ có DATC là có bề dày kinh nghiệm trong tái cơ cấu DN thông qua phương thức mua bán nợ, tức là tham gia trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu, từ khi mua nợ đến khi DN niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán hoặc tìm được nhà đầu tư chiến lược điều hành DN. Còn lại, đối với mô hình VAMC, dù có cơ chế đặc biệt để mua bán nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) nhưng cho tới nay, VAMC mới chỉ giúp các TCTD làm sạch bảng tổng kết tài sản chứ chưa thật sự tham gia vào quá trình tái cơ cấu DN.
Trao đổi về kinh nghiệm tái cơ cấu DN thông qua phương thức mua bán nợ, Phó Tổng Giám đốc DATC Hồ Văn Thám cho biết, theo quy trình chuẩn thì DN mua bán nợ cần chủ động kiểm soát chặt chẽ rủi ro, do đó, phải tự tìm hiểu thông tin về DN; đàm phán mua nợ, chuyển nợ thành vốn góp tại DN (nhằm cơ cấu lại nguồn vốn và nợ của DN, giảm nhẹ gánh nặng trả nợ cho DN và đây cũng là khâu quan trọng nhất quyết định mức độ thành công của hoạt động tái cơ cấu).
Tiếp theo, cần tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia góp vốn vào DN để tận dụng những kinh nghiệm quản trị, trình độ kỹ thuật, kênh phân phối, nhằm hỗ trợ DN sau tái cơ cấu; chuyển đổi mô hình DN thành công ty cổ phần; tái cơ cấu bộ máy quản lý điều hành và nguồn nhân lực của DN; tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh; cơ cấu lại thị trường tiêu thụ, vùng nguyên liệu; hỗ trợ hoạt động sau chuyển đổi như điều chỉnh kế hoạch trả nợ, xây dựng thể chế, mục tiêu chiến lược để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Chính vì vậy, việc mua bán nợ gắn với tái cơ cấu các DN của DATC đã giúp đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ với các ngân hàng, qua đó giúp các ngân hàng thương mại xử lý nhanh lượng nợ lớn tồn đọng, nâng cao năng lực tài chính, đồng thời hỗ trợ hoạt động tái cơ cấu DN.
Đánh giá về hoạt động mua bán nợ xấu, tái cơ cấu DN, nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng đồng thuận cho rằng, kinh nghiệm xử lý nợ xấu thông qua tái cơ cấu DN của DATC có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý nợ xấu hiện nay.
Trong điều kiện hệ thống các chính sách, pháp luật liên quan hoạt động mua bán nợ đã từng bước được hoàn thiện… thì vấn đề cần làm là nâng cao năng lực tài chính và nhân sự của các DN tham gia thị trường mua bán nợ.
Theo quy định hiện hành, các công ty mua bán nợ chưa được phép hỗ trợ tài chính cho DN khách nợ sau khi tái cơ cấu tài chính, hơn nữa, thị trường mua bán nợ xấu hiện mới chủ yếu là thị trường sơ cấp, vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để giúp các DN tiếp cận được thị trường này một cách hiệu quả, hình thành thị trường thứ cấp cho hoạt động này...