Xử lý nợ xấu vẫn là ưu tiên số 1
Mặc dù nợ xấu đã giảm xuống dưới 3% và về ngưỡng cho phép theo thông lệ quốc tế nhưng những thông điệp gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy cơ quan này vẫn coi xử lý nợ xấu là nhiệm vụ ưu tiên. Các chuyên gia kinh tế đồng tình với lựa chọn này và cho rằng ngành ngân hàng cần tập trung tháo gỡ cơ chế để nợ xấu được xử lý triệt để hơn.
Đã thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ
Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của QH Khóa XIII, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 - 2015 (Đề án 254) về cơ bản đã được hoàn thành theo đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình đề ra. Trong đó, nổi bật là sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt giữa ngân hàng với các bộ, ngành, địa phương trong triển khai Đề án. Sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD được giữ vững và cải thiện; nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn hệ thống các TCTD giảm đáng kể, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm, chi trả đầy đủ; nhân dân tin tưởng, ủng hộ các chủ trương, chính sách cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.
Một nội dung quan trọng trong Đề án 254 được đánh giá cao là nợ xấu đã giảm từ hơn 17% thời điểm đầu nhiệm kỳ xuống còn 2,92% vào cuối năm 2015, tạo sự thông thoáng trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân cũng như tạo động lực cho nền kinh tế. NHNN và các TCTD không chỉ tập trung xử lý số nợ xấu tiềm ẩn xác định được đến thời điểm xây dựng Đề án 254 (464,7 nghìn tỷ đồng) mà còn triển khai các giải pháp để làm cho nợ xấu được nhận diện, phân loại đúng hơn và minh bạch hóa nợ xấu. Các TCTD tích cực trích lập dự phòng rủi ro, kiểm soát chi phí và dành mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu. Nợ xấu được xử lý chủ yếu bằng các biện pháp và chi phí của ngành ngân hàng, khẳng định nhất quán chủ trương không sử dụng tiền ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.
Đặc biệt, kể từ khi Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) được thành lập và qua việc chỉnh sửa, bổ sung cơ chế hoạt động cho công ty thì việc xử lý nợ xấu đã tích cực hơn và giảm đáng kể tỷ lệ nợ xấu. Nếu chiếu theo thông lệ quốc tế, nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức 3% trở xuống là an toàn và bình thường.
Vẫn không được lơ là
Nợ xấu đã về ngưỡng cho phép nhưng các thông điệp gần đây của NHNN cho thấy cơ quan này vẫn đặt nhiệm vụ xử lý nợ xấu ở vị trí ưu tiên. Ngay sau khi nhậm chức, tân Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có văn bản yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2016, gửi về NHNN trước ngày 28.4. Theo đó, để bảo đảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD ở mức dưới 3% tổng dư nợ, NHNN yêu cầu các ngân hàng thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN về tăng cường bảo đảm an toàn và tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; kiểm soát, bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức quy định.
Trước đó, ngày 12.4, NHNN cũng đã ban hành Quyết định số 618/QĐ-NHNN phê duyệt việc xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường của VAMC. Đồng thời, Quyết định quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Công ty VAMC, tổ chức tín dụng trong việc tổ chức thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường. Theo các chuyên gia ngân hàng, thực tế nợ xấu của hệ thống TCTD đã giảm, một phần nợ được bán cho VAMC làm sạch bảng cân đối kế toán của các TCTD, một phần để tiếp tục bơm vốn cho nền kinh tế. Nhưng, trên thực tế, nợ xấu mà VAMC đưa về vẫn “tắc” trong việc xử lý.
Lâu nay, tại nhiều diễn đàn, phía NHNN cũng như giới chuyên gia cho rằng, có khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới các khoản nợ xấu của Việt Nam, chưa kể nhà đầu tư trong nước. Tuy vậy, do vướng nhiều thủ tục pháp lý nên việc bán nợ cho nhà đầu tư vẫn chưa thể triển khai. Đặc biệt, nợ xấu hiện nay với khối lượng lớn là các tài sản bảo đảm bằng nhà đất vẫn đang gặp khó.
TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, nợ xấu đã gom lại được, nghĩa là đã xử lý được một bước, nhưng bước đi và hướng xử lý tiếp theo như thế nào thì đòi hỏi sự kiên trì. Ông Lịch cho rằng, muốn nợ xấu xử lý nhanh hơn thì phải phát triển thêm thị trường mua bán nợ, mua bán tài sản… những vấn đề này nằm ngoài hệ thống ngân hàng. Ví dụ, quyền chủ nợ trong bán tài sản mà chính ông đã đề nghị nhiều lần phải xử lý những bất cập trong hệ thống pháp luật mới làm được, chứ bản thân NHNN không thể giải quyết hết. Do đó, hơn bao giờ hết, ngành ngân hàng không được lơ là dù nợ xấu đã giảm về ngưỡng an toàn. Đây cũng là thông điệp của cá nhân TS. Trần Du Lịch cũng như nhiều chuyên gia ngân hàng gửi tới tân Thống đốc NHNN.