Mua sắm tập trung góp phần kiểm soát tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức

PV.

Với nhiều ưu điểm tiết kiệm chi tiêu công, kiểm soát tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức…, phướng thức mua sắm tập trung còn là giải pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Mua sắm tập trung còn là giải pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nguồn: internet
Mua sắm tập trung còn là giải pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nguồn: internet

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Hà Tĩnh có kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 về việc quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm thiết bị làm việc nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, các tổ chức, trường học, bệnh viện... với lý do quy định mua sắm tập trung như hiện nay gây nhiều khó khăn, bất cập.

Trước kiến nghị trên, Bộ Tài chính đã có Công văn số 1963/BTC-HCSN ngày 13/2/2018 giải đáp cụ thể. Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên theo quy định cơ bản không phải thực hiện mua sắm tập trung. Việc mua sắm tập trung chỉ thực hiện đối với việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ quy định thuộc Danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia và Danh mục mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương được quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn.

Trước phản ánh của cử tri về “quy định mua sắm tập trung như hiện nay gây nhiều khó khăn, bất cập”, Bộ Tài chính cho rằng, mua sắm tập trung là phương thức mua sắm có nhiều ưu điểm trong việc tiết kiệm chi tiêu công, kiểm soát tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức. Nhiều quốc gia trên thế giới và tổ chức quốc tế đã áp dụng thành công phương thức mua sắm này.

Đồng thời, đây là một giải pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng, lãng phí được đề cập tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

Trên cơ sở các Nghị quyết của Đảng, Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 35/2016/TT-BTC ngày 26/02/2016 của Bộ Tài chính đã quy định cụ thể về việc mua sắm tập trung.

Để giảm bớt thủ tục hành chính, bảo đảm việc mua sắm được kịp thời và không ảnh hưởng tới quyền tự chủ của các cơ quan, đơn vị, các văn bản quy định việc mua sắm tập trung chủ yếu thực hiện theo cách thức ký thỏa thuận khung. Theo đó, đơn vị mua sắm tập trung chỉ thực hiện việc tổng hợp nhu cầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký thỏa thuận khung; Các đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản trực tiếp ký hợp đồng mua sắm, chi trả tiền và tiếp nhận tài sản để sử dụng.

Nếu thực hiện đúng thời hạn quy định, đặc biệt là khâu đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung thì việc thực hiện mua sắm tập trung hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về thời gian mua sắm tài sản của các đơn vị.

Theo Bộ Tài chính, phương thức mua sắm tập trung là phương thức mới được áp dụng ở Việt Nam, do đó, quá trình thực hiện của đơn vị mua sắm tập trung, các đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản và các nhà thầu còn lúng túng, đặc biệt là khâu đăng ký nhu cầu, tổng hợp nhu cầu mua sắm, tổ chức mua sắm (mua sắm tập trung bắt buộc phải áp dụng phương thức đấu thầu rộng rãi).

Thêm vào đó, một số địa phương lựa chọn Danh mục mua sắm tập trung chưa phù hợp hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung chưa đảm bảo nhân lực thực hiện. Vì vậy, dẫn đến việc mua sắm tập trung chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ.

Để hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Bộ Tài chính đã hoàn thiện các quy định về mua sắm tập trung tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Nghị định này sẽ tháo gỡ những vướng mắc về việc ban hành danh mục mua sắm tập trung, xây dựng tiêu chí kỹ thuật tài sản mua sắm tập trung, xử lý việc mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung khi phát sinh nhu cầu đột xuất, cấp bách.