Bộ Tài chính "thúc" sớm triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
Ngày 21/6/2017, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Để nhanh chóng triển khai thực hiện, ngày 13/02/2018, Bộ Tài chính đã có Công văn số 2030/BTC-QLCS đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, UBND cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Theo đó, xây dựng, báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh có văn bản chỉ đạo hoặc ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết tại bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trong đó có nêu cụ thể các nhiệm vụ phải thực hiện, cơ quan chủ trì thực hiện, thời hạn thực hiện) để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Tổ chức quán triệt, phổ biến các nội dung của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành, Bộ Tài chính đã tổ chức 05 Hội nghị để phổ biến, tuyên truyền các nội dung cơ bản, điểm mới của Luật đến các Bộ, cơ quan trung ương, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trên cơ sở các nội dung đã được phổ biến, các Bộ, cơ quan trung ương, Sở Tài chính báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh tổ chức quán triệt, phổ biến các nội dung của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Bên cạnh đó, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý tài sản công (trước ngày 31/7/2018) tại tại cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý và tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý.
Đối với tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương (bao gồm cả tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước).
Đối với tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý, HĐND cấp tỉnh ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền đối với: quyết định mua sắm, thuê, thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy, xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại; Phê duyệt phương án xử lý tài sản phục vụ hoạt động của dự án; Quyết định xác lập sở hữu toàn dân về tài sản; Phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích cơ sở hoạt động sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP và Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg.
Căn cứ quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tế, Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh xác định thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý gắn với phân cấp (tài sản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành tiêu chuẩn, định mức; tài sản do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư ban hành tiêu chuẩn, định mức; tài sản phân cấp cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới ban hành tiêu chuẩn, định mức).. Trên cơ sở đó, chỉ đạo rà soát, xây dựng, ban hành kịp thời tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng để làm cơ sở thực hiện việc giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Trong trường hợp rà soát tiêu chuẩn, định mức tài sản công chuyên dùng đã ban hành theo quy định tại Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg, Quyết định số 147/1999/QĐ-TTg bảo đảm phù hợp với quy định về máy móc, thiết bị chuyên dùng tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg, quy định về diện tích chuyên dùng tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP thì tiếp tục thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức đã ban hành; Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh có văn bản gửi Kho bạc Nhà nước để thực hiện kiểm soát chi, gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị để thực hiện, đồng gửi Bộ Tài chính để phối hợp thực hiện.
Đồng thời, rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương để ban hành, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tài sản được đưa vào danh mục mua sắm tập trung đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và thực tế của Bộ, ngành, địa phương. Năm 2018 chưa thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia. Đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương, vẫn thực hiện mua sắm tập trung theo quy định.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước để quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, Nghị định số 165/2017/NĐ-CP và Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
Được biết, hiện nay, trên cơ sở các nội dung được Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn tại Luật, ngày 13/9/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1357/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng 15 văn bản (14 Nghị định và 01 Quyết định), Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an chủ trì xây dựng 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đến nay, Chính phủ đã ký ban hành 07 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 01 Quyết định.