Mức độ áp dụng các phương pháp hạch toán chi phí và tính giá thành trong các doanh nghiệp xây dựng


Xây dựng là ngành kinh tế có tính đặc thù đối với hoạt động quản lý và hạch toán kế toán. Để đáp ứng yêu cầu quản lý của doanh nghiệp, đòi hỏi cán bộ kế toán phải cung cấp kịp thời đầy đủ các thông tin liên quan, nhất là các vấn đề về chi phí, giá thành công trình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vì vậy, việc nghiên cứu mức độ vận dụng các phương pháp hạch toán chi phí sản xuất và giá thành trong các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam là cần thiết. Từ phương pháp nghiên cứu định lượng, tác giả phân tích tần suất của phần mềm SPSS để thực hiện thống kê mô tả thực trạng áp dụng các phương pháp hạch toán chi phí và tính giá thành trong các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam.

Kế toán quản trị (KTQT) đóng vai trò quan, cung cấp thông tin cho các nhà quản trị doanh nghiệp (DN) trong quá trình ra quyết định. Trên thế giới, KTQT xuất hiện và được sử dụng từ rất lâu. Ở Việt Nam, KTQT được thừa nhận trong Luật Kế toán 2003 và Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/6/2006, hướng dẫn áp dụng KTQT vào DN.

Tuy nhiên, thực thi KTQT nói chung, KTQT chi phí và giá thành sản phẩm nói riêng trong các DN Việt Nam vẫn chưa được chú trọng. Vì vậy, nghiên cứu mức độ vận dụng các phương pháp hạch toán chi phí sản xuất và giá thành trong các DN xây dựng Việt Nam để có giải pháp tăng cường vận dụng phương pháp hạch toán chi phí và giá thành là cần thiết.

Chi phí và phân loại chi phí

Trong KTQT, thuật ngữ chi phí được sử dụng linh hoạt theo từng tình huống quản trị. Phụ thuộc vào nhu cầu ra quyết định, việc lựa chọn và xác định chi phí cũng khác nhau. Một số cách phân loại chi phí phổ biến trong KTQT gồm: Phân loại chi phí thành chi phí cố định (CPCĐ) và chi phí biến đổi (CPBĐ): CPCĐ là những chi phí mà tổng của nó không thay đổi khi khối lượng hoạt động (m2 xây dựng) thay đổi; CPBĐ là những chi phí mà tổng của nó thay đổi khi khối lượng hoạt động thay đổi.

Trong các DN xây dựng, nếu khối lượng hoạt động là diện tích xây dựng (m2) thì chi phí vật liệu (CPVL), chi phí nhân công (CPNC) là những CPBĐ. Cách phân loại chi phí này là cơ sở để dự báo chi phí ở các mức hoạt động khác nhau phục vụ cho phân tích và ra quyết định liên quan đến các tình huống lựa chọn phương án kinh doanh tối ưu; lựa chọn cơ cấu sản phẩm; lập dự toán, phân tích chênh lệch, đánh giá lợi nhuận bộ phận; tự sản xuất hay thuê ngoài; tiếp tục hay chấm dứt hoạt động... Ngoài ra, KTQT còn sử dụng các phương pháp phân loại chi phí khác như chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp...

Trong quá trình ra quyết định, nhà quản trị còn phải chú ý đến các chi phí cơ hội, chi phí chìm. Chi phí cơ hội là lợi ích của phương án bị bỏ qua.

Các phương pháp tính giá thành

Giá thành theo chi phí đầy đủ: Giá thành theo chi phí đầy đủ là phương pháp kế toán có lịch sử lâu đời cùng với sự phát triển của kế toán chi phí. Nó được hầu hết các DN sử dụng để xác định giá vốn hàng bán và tính giá hàng tồn kho cuối kỳ.

Theo phương pháp này, giá thành bao gồm CPVL trực tiếp, CPNC trực tiếp và CPSX. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào sản lượng sản xuất nên giá thành theo chi phí đầy đủ là một chỉ tiêu biến đổi. Do đó, người ta không sử dụng giá thành này để ra quyết định kinh doanh.

Giá thành theo CPBĐ: Giá thành theo CPBĐ chỉ những CPBĐ được tính vào giá thành. Các chi phí này bao gồm: CPVL trực tiếp, CPNC trực tiếp và CPSX biến đổi. Theo phương pháp tính giá thành này, CPSX cố định không được tính vào giá thành SP và được coi là chi phí thời kỳ khi lập báo cáo kết quả kinh doanh.

Giá thành theo CPBĐ là thông tin cần thiết để lập kế hoạch chi phí, phân tích CVP và ra quyết định kinh doanh. Tuy nhiên, nó lại không được phép sử dụng để lập BCTC do vi phạm nguyên tắc"công khai toàn bộ".

Phương pháp nghiên cứu

- Mẫu nghiên cứu và phương pháp thu thập dữ liệu. Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên tổng thể nghiên cứu là các DN xây dựng Việt Nam (dựa trên danh bạ của Hiệp hội các DN Xây dựng Việt Nam). Các DN khảo sát được lấy mẫu theo phương pháp thuận tiện. Phiếu khảo sát gồm các các câu hỏi về mức độ áp dụng các phương pháp hạch toán chi phí và các phương pháp tính giá thành với các câu trả lời sử dụng thang đo Likert 5 mức độ (1- không áp dụng/chưa bao giờ và 5- Rất thường xuyên). Phiếu khảo sát được gửi đến cho các DN thông qua thư điện tử và khảo sát online. Số lượng phiếu khảo sát được trả lời là 177 phiếu. Số phiếu khảo sát sử dụng được là 146 phiếu. Kết quả khảo sát được xử lý bằng phần mềm SPSS.

- Phương pháp chọn mẫu. Phương pháp chọn mẫu phi xác suất thuận tiện. Tác giả chọn các DN thuộc nhiều loại hình, với nhiều quy mô và phân bố rải rác trên các địa bàn khác nhau trong cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

- Phương pháp lấy mẫu. Tác giả áp dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Kết quả nghiên cứu

Số người trả lời khảo sát chủ yếu là chuyên viên kế toán là 90 người, chiếm 61,6%. Số lượng kế toán trưởng là 27 người, chiếm 18,5%. Số người trả lời ít nhất là giám đốc, 3 người, chiếm tỷ lệ 2,1%. Sử dụng chức năng phân tích tần suất của phần mềm SPSS để thực hiện thống kê mô tảthực trạng áp dụng các phương pháp hạch toán chi phí và giá thành trong các DN xây dựng Việt Nam thu được các kết quả phân tích thống kê như sau:

Một là, mức độ áp dụng các phương pháp hạch toán CPSX.

Do chưa quan tâm nhiều đến KTQT thì với tính chất bắt buộc của kế toán tài chính, các DN đều phải hạch toán CPSX. Yêu cầu này phù hợp với thực tế khảo sát là 100% các DN đều hạch toán CPSX xây dựng.

- Hạch toán chi phí theo công trình. Kết quả khảo sát cho thấy, đối tượng hạch toán chi phí theo công trình có 26,0% các DN không áp dụng. Tỷ lệ các DN áp dụng ở mức độ thấp là 0,7% trong số các DN trả lời khảo sát. Số DN áp dụng thường xuyên chiếm 33,6% và các DN áp dụng rất thường xuyên chiếm 39,7%. Như vậy, có thể thấy, đa số các DN hạch toán chi phí theo công trình (87,9%).

- Hạch toán chi phí theo đội xây lắp: Tỷ lệ các DN không áp dụng hạch toán chi phí theo đội xây lắp là 45,2%, tỷ lệ DN áp dụng ở mức thấp là 6,2%. Phần lớn các DN đều áp dụng hạch toán chi phí theo đội xây lắp (48,6%). Những DN không áp dụng thường là những DN có quy mô nhỏ với số lượng lao động dưới 100 người (16 DN). Những DN này thường không tổ chức thành các đội xây lắp hoặc có tổ chức nhưng không thực hiện hạch toán riêng. Tuy nhiên, trong số những công ty không tổ chức hạch toán chi phí theo đội xây lắp vẫn có các công ty có quy mô lớn với số lượng lao động trên 1.000 người như: Tổng công ty xây dựng công trình hàng không ACC, Công ty xuất nhập khẩu xây dựng (Vinaconex).

- Hạch toán CPSX toàn DN: Hầu hết các công ty đều áp dụng hạch toán CPSX toàn DN. Tỷ lệ các công ty hạch toán CPSX toàn DN là 84,9%. Tuy nhiên, vẫn có 11 công ty không hạch toán CPSX toàn DN chiếm 7,5% và số phiếu khảo sát không trả lời cho câu hỏi này là 7,6%.

Hai là, mức độ áp dụng các phương pháp tính giá thành.

Kết quả khảo sát thực tế áp dụng phương pháp tính giá thành theo CPBĐ cho thấy, tỷ lệ áp dụng phương pháp tính giá thành này rất thấp. Tỷ lệ DN áp dụng thường xuyên hoặc rất thường xuyên là 23,2%. Tỷ lệ không áp dụng hoặc thỉnh thoảng mới áp dụng là 76,8%.

Ba là, mức độ áp dụng các phương pháp phân bổ chi phí chung.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các DN phân bổ chi phí theo một tiêu thức là chủ yếu (112DN, chiếm tỷ lệ 76,7%). Số lượng các DN áp dụng phương pháp phân bổ chi phí ở mỗi bộ phận theo một tiêu thức khác nhau còn khiêm tốn. Tỷ lệ các DN phân bổ chi phí chung ở mỗi bộ phận theo một tiêu thức khác nhau chỉ chiếm có 19,9% tương ứng với 29 DN trả lời.

Thảo luận kết quả nghiên cứu

Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ áp dụng các phương pháp hạch toán chi phí rất cao (100%) là do hạch toán chi phí là quy định bắt buộc để phục vụ tính giá hàng tồn kho và giá vốn hàng bán phục vụ cho lập BCTC. Mặc dù, việc áp dụng các phương pháp kế toán chi phí cao nhưng chỉ tập trung vào các phương pháp như tính giá thành theo chi phí đầy đủ và hạch toán chi phí toàn DN. Các phương pháp hạch toán chi phí phục vụ cho quản trị DN (phương pháp KTQT chi phí) lại tương đối thấp. Cụ thể:

- Các DN hạch toán chi phí theo công trình ở mức thường xuyên và rất thường xuyên chiếm 74,3%. Số DN được khảo sát trả lời có áp dụng đối tượng hạch toán chi phí theo đội xây lắp chiếm tỷ lệ 48,6%.

- Tính giá thành theo CPBĐ là một phương pháp đặc trưng của KTQT trong hạch toán chi phí, nhất là trong các DN xây dựng. Nhưng tỷ lệ các DN áp dụng phương pháp tính giá thành theo CPBĐ ở mức thường xuyên và rất thường xuyên rất thấp chỉ đạt 23,2%, còn lại phần lớn các DN không áp dụng phương pháp tính giá thành này.

- Phần lớn (68,5%) các DN chỉ phân bổ chi phí chung theo một tiêu thức phân bổ duy nhất. Tỷ lệ các DN phân bổ chi phí chung theo nhiều tiêu thức chỉ chiếm 28,2% số DN trả lời khảo sát.

Kết luận

Để tăngcường vai trò của KTQT trong các DN Việt Nam trong môi trường hội nhập và cạnh tranh cần có sự quan tâm thỏa đáng đến lĩnh vực này từ các DN và các cơ quan quản lý.

- Về phía các DN: Trước hết, cần nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của KTQT. Nhân viên kế toán cần hiểu rõ và vận dụng thành thạo các phương pháp KTQT trong các tình huống quản trị và ra quyết định cụ thể. KTQT là lĩnh vực luôn thay đổi và hoàn thiện, do vậy các nhân viên kế toán cần thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các kiến thức hiện đại về KTQT để có thể theo kịp sự phát triển của nó.

Các nhà quản trị cần hiểu được vai trò của thông tin KTQT trong quá trình quản trị DN, coi đây là nguồn thông tin quan trọng hỗ trợ cho quá trình thực hiện các chức năng quản trị và ra quyết định. Biết cách sử dụng thông tin để ra quyết định và luôn đòi hỏi kế toán phải cung cấp thông tin để ra quyết định là một nhân tố quan trọng tạo ra nhu cầu và động lực phát triển của KTQT. Ngoài ra, các nhà quản trị cần quan tâm và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của KTQT.

- Về phía các cơ quan quản lý, các hiệp hội DN, doanh nhân: Các cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như các hiệp hội DN cần hỗ trợ DN tiếp cận với kiến thức về KTQT. Các trường đại học cần đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm cập nhật được các kiến thức hiện đại và xu hướng phát triển của KTQT trên thế giới.        

Tài liệu tham khảo:

1.Quốc hội (2015), Luật Kế toán Việt Nam;

2.Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 53/2006/TT-BTC hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp;

3.Phạm Văn Dược, Huỳnh Lợi (2009), Mô hình và cơ chế vận hành kế toán quản trị, NXB Tài chính;

4.Số liệu của Tổng cục Thống kê về doanh nghiệp xây dựng.

(*) ThS. Phạm Thị Phương - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2021.