Mức độ áp dụng kinh doanh tuần hoàn tại các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn thấp
Tại Việt Nam, mức độ áp dụng kinh doanh tuần hoàn tại các doanh nghiệp là tương đối thấp, cả ở góc độ đổi mới mô hình kinh doanh và áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.
Những bước đi ban đầu
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách những quốc gia có lượng nhựa thải ra biển nhiều nhất do hoạt động quản lý và xử lý chất thải nhựa còn nhiều bất cập. Lượng nhựa Việt Nam thải ra biển hàng năm ước khoảng 0,28- 0,73 triệu tấn (chiếm khoảng 6% tổng lượng nhựa thải ra biển của thế giới).
Lượng tiêu thụ sản phẩm nhựa của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng, gấp hơn 10 lần sau gần 3 thập kỷ, từ 3,8 kg/người năm 1990 lên mức 41kg/người/năm tại năm 20195. Rác thải nhựa cũng tăng lên nhanh chóng và chưa có biện pháp xử lý phù hợp.
Tuy nhiên, hoạt động thu gom và tái chế chất thải ở Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn manh mún, tự phát và trình độ công nghệ lạc hậu. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đa phần các hoạt động tái chế sử dụng công nghệ lạc hậu, phương pháp thủ công nên chất lượng của nguyên liệu thu được thấp và thậm chí gây ô nhiễm lớn đến môi trường hơn cả so với sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu thô.
Mặc dù kinh tế tuần hoàn cũng như mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn đã và đang tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam dưới nhiều dạng hình khác nhau như: mô hình kết hợp VAC (vường - ao - chuồng) trong nông nghiệp, hoạt động tái chế chất thải... Song các mô hình này tại Việt Nam có thể nói chỉ đang ở giai đoạn đầu, đặc biệt là nếu xét trên các tiêu chí đánh giá mang tính tổng thể, toàn diện đã được các tổ chức đưa ra.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kinh tế tuần hoàn còn khá mới mẻ và chỉ là những bước đi ban đầu nhưng ở Việt Nam cũng đã có một số điển hình thành công theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp có một số mô hình như VAC và các biến thể như RVAC (Rừng-Vườn-Ao-Chuồng), trong đó tận dụng chất thải chăn nuôi để làm phân bón cho cây trồng và nuôi cá, dùng sản phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi. Hệ thống trồng cây - nuôi cá kết hợp (Aquaponics) giúp thu hồi khí thải hoặc tận dụng thức ăn, dinh dưỡng (Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Trọng Hạnh, 2019).
Hiểu biết về kinh doanh tuần hoàn của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế
Theo Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” của CIEM (2022), chỉ 21%-33% số doanh nghiệp được hỏi trả lời họ biết rõ hoặc rất rõ về một trong 6 mô hình kinh doanh tuần hoàn (KDTH) phổ biến, trong đó mô hình có tỷ lệ biết rõ cao nhất là “tân trang và tái sản xuất” với 33% và mô hình có tỷ lệ biết ở mức rõ trở lên thấp nhất là “sắp xếp và định vị lại mục đích sử dụng với chỉ gần 21%.
Các doanh nghiệp đã từng áp dụng biện pháp đổi mới mô hình kinh doanh và/hoặc áp dụng một trong các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn cho thấy, sự hiểu biết vượt trội so với các doanh nghiệp chưa từng áp dụng, với 28%-38,5% so với 9,4%-22% biết rõ hoặc rất rõ về các mô hình KDTH phổ biến.
Tỷ lệ các doanh nghiệp chưa biết đến các mô hình KDTH được đề cập là 8% - 15% tổng số các doanh nghiệp được khảo sát, trong đó tỷ lệ ở nhóm chưa áp dụng bất cứ hình thức đổi mới mô hình kinh doanh hoặc áp dụng mô hình KDTH là cao hơn đáng kể, từ 10% - 24% tùy theo từng loại mô hình, trong đó mô hình “Tái chế” chỉ dưới 10% chưa biết tới.
Về áp dụng kinh tế tuần hoàn ở cấp độ doanh nghiệp, Việt Nam đã bước đầu hình thành một số mô hình KDTH. Ngày 21/6/2019, 09 công ty hàng đầu (TH Group, Coca-Cola Việt Nam, FrieslandCampina Việt Nam, La Vie, Nestlé, Nutifood, Suntory Pepsico Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation) đã bắt tay thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (Pro Vietnam) với cam kết tái chế toàn bộ bao bì tại Việt Nam vào năm 2030.
Pro Vietnam hoạt động dựa trên 4 trụ cột chính bao gồm: (1) Nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác; (2) Làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có; (3) Hỗ trợ các chương trình tái chế của các nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế; (4) Hợp tác với Chính phủ trong lĩnh vực tái chế (Recycle) trong bộ nguyên tắc 3R (Reduce - giảm thiểu, Reuse - tái sử dụng và Recycle - tái chế) thông qua quan hệ đối tác công - tư.
Kết quả khảo sát của CIEM (2022) cho thấy, mức độ áp dụng KDTH tại các doanh nghiệp là tương đối thấp, cả ở góc độ đổi mới mô hình kinh doanh và áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.
Tỷ lệ các doanh nghiệp được điều tra áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn dưới các hình thức và mức độ khác nhau dao động từ 36% - 48,6%, cao hơn so với các doanh nghiệp có đổi mới mô hình kinh doanh 33% - 36%. Hình thức tái chế, sửa chữa và bảo trì và tân trang lại, sản xuất lại có tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng cao nhất, chiếm tỷ trọng lần lượt là 48,6%; 45,4% và 44,1%. Trong khi đó, chỉ 36% doanh nghiệp áp dụng hình thức sắp xếp và định vị lại mục đích sử dụng sản phẩm.
Tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng đổi mới mô hình kinh doanh theo 5 hình thức gồm: “Bán sản phẩm theo chức năng”, “Từ gốc đến gốc”, “Quản lý chuỗi cung ứng xanh”, “Cộng sinh công nghiệp” và “Quản lý thu hồi” ở mức tốt chỉ chiếm 3% - 6%, tuỳ thuộc vào hình thức, trong đó hình thức đổi mới mô hình theo cách “Quản lý chuỗi cung ứng xanh” có tỷ lệ áp dụng cao nhất, chiếm 6,1%.
Tỷ lệ các doanh nghiệp chưa áp dụng đổi mới mô hình kinh doanh theo 5 hình thức này dao động từ 64% - 67%, trong đó 51% số doanh nghiệp chưa áp dụng bất cứ hình thức đổi mới nào.
Trong khi đó, tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn theo 06 hình thức gồm: “Sữa chữa và bảo trì”, “Sử dụng và phân phối lại”, “Tân trang và sản xuất lại”, “Tái chế và thu hồi vật liệu”, “Sắp xếp và định vị lại mục đích sử dụng sản phẩm” và “Sử dụng nguyên liệu hữu cơ” ở mức tốt dao động từ 3,3% - 5,5%, trong đó hình thức “Tái chế và thu hồi vật liệu” có tỷ lệ áp dụng ở mức tốt cao nhất với 5,5%.
Tỷ lệ doanh nghiệp được khảo sát chưa áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn dưới 06 hình thức này dao động từ 51% - 66%, trong đó 39% số doanh nghiệp này chưa từng áp dụng bất kỳ hình thức nào.