Mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan thuế đã chuyển biến rõ nét

PV.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành điều tra “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016”. Báo cáo đánh giá cho thấy đã có nhiều chuyển biến rõ nét về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan thuế so với trước đây.

Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ đối với lĩnh vực thuế do Bộ Tài chính tổ chức ngày 17/3/2017
Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ đối với lĩnh vực thuế do Bộ Tài chính tổ chức ngày 17/3/2017

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Tài chính là bộ tiên phong đi đầu chấp nhận đánh giá nghiên cứu độc lập bên ngoài. Thuế, Hải quan là những vấn đề rất “nóng”, 2 lĩnh vực này có tác động rất lớn đến doanh nghiệp (DN). Tháng 12/2015, VCCI có tiến hành đánh giá khảo sát 180 hiệp hội DN trên toàn quốc về quá trình thực hiện Nghị quyết 19/2014/NQ-CP, Nghị quyết 19/2015/NQ-CP kết quả là trong tất cả các lĩnh vực được đánh giá của Nghị quyết thì các hiệp hội DN đánh giá ngành Thuế, Hải quan cùng với đăng ký DN là 3 lĩnh vực có mức độ chuyển động rõ nét nhất, đặc biệt là về khung khổ pháp lý, cải cách thủ tục hành chính...

Với điều tra “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016” do VCCI thực hiện, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, đây là khảo sát VCCI thực hiện hoàn toàn độc lập, VCCI quyết định hoàn toàn về kết quả của nghiên cứu, ban đầu chỉ tham vấn một số vấn đề về nội dung với Tổng cục Thuế.  

Về phương pháp đánh giá, để điều tra đánh giá về những cải cách trong ngành Thuế, VCCI tiến hành điều tra xã hội học, lấy mẫu theo cấp tỉnh. Đối tượng điều tra tập trung vào các DN chính thức hoạt động theo Luật DN, khu vực tạo ra nguồn thu thuế lớn nhất hiện tại. Trong dữ liệu 22.000 DN tham gia chọn mẫu, VCCI đã chọn khoảng 10.000 DN gửi phiếu điều tra. Trong số này, VCCI nhận được 3.500 phản hồi từ phía DN, đạt tỷ lệ phản hồi khoảng 34%. Mức này là tương đối tốt với một điều tra độc lập.

Điều tra của VCCI tiến hành đối với cả DN tư nhân Việt Nam, DN đầu tư nước ngoài, DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Hầu hết các DN này thành lập từ năm 2000 trở lại đây, hoạt động trong lĩnh vực các lĩnh vực thương mại dịch vụ là nhiều nhất, tiếp đến công nghiệp chế tạo, nông lâm sản...

Kết quả đánh giá sơ bộ của VCCI cho thấy mức độ hài lòng của DN đối với cơ quan thuế đã chuyển biến rõ nét trong năm 2016 so với năm 2014. Cụ thể:

Về tiếp cận thông tin, với các hình thức tiếp cận thông tin trang thông tin cơ quan thuế, các cuộc đối thoại do cơ quan thuế tổ chức, tham gia tập huấn thuế… tỷ lệ DN hài lòng đạt từ 80-90%. Hoạt động này đang đáp ứng được kỳ vọng của đa phần các DN.

So với kết quả điều tra năm 2014 có thể thấy tỷ lệ DN đánh giá cao chất lượng thông tin lĩnh vực thuế năm 20016 đã có cải thiện hơn. Nét tích cực là trong điều tra năm 2014 cho thấy 70% DN cho biết gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thuế nhưng điều tra năm 2016, tỷ lệ này chỉ còn 55%. Rõ ràng, công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế đang có những chuyển biến tốt.

Vướng mắc trong tiếp cận thông tin thuế được đánh giá là giảm khá nhiều so với năm trước. Các DN gặp vướng mắc chủ yếu là các DN mới thành lập, những DN chưa có kinh nghiệm và các DN dân doanh, DN quy mô nhỏ. VCCI khuyến nghị, không gian cải cách vẫn còn nhiều, trong thời gian tới, các cơ quan thuế nên có cơ chế tạo thuận lợi về cung cấp thông tin nhanh, gọn, thuận lợi hơn cho các DN này.

Về hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế, điều tra của VCCI cho thấy, đơn vị DN thường xuyên liên hệ khi gặp vướng mắc là cơ quan thuế cấp tỉnh (73%), 10% phản ánh lên hiệp hội DN, 6% lên Tổng cục thuế và 4% lên Bộ Tài chính. Kết quả này cho thấy, năng lực giải đáp vướng mắc của cơ quan thuế có ý nghĩa rất quan trọng, cần nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của các cục thuế. Tín hiệu tích cực là khi nhận được phản hồi từ các cơ quan thuế, các DN cơ bản hài lòng, tỷ lệ rải đều từ 89- 94%. Tuy nhiên, vẫn có các DN chưa hài lòng về việc trích dẫn luật vẫn chung chung, chưa rõ ràng cũng như vai trò của phòng tuyên truyền hỗ trợ ở một số nơi chưa thể hiện mạnh mẽ. DN kỳ vọng sự thay đổi mạnh mẽ hơn.

Về thủ tục hành chính thuế, VCCI cho rằng trong một số trường hợp đặc biệt, DN phải mất khá nhiều thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế, tuy nhiên, trách nhiệm không phải hoàn toàn thuộc về ngành Thuế, có thể là do DN chuẩn bị chưa tốt, DN có những vi phạm nhất định...

Về thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, nếu so với điều tra 2014 thì vấn đề này trong năm 2016 đã hạ nhiệt hơn rất nhiều. Điều tra năm 2014 cho thấy, đây là một vấn đề “nóng”. DN thực hiện thủ tục hoàn thuế chủ yếu là DN lớn. DN thực hiện cả 2 hình thức kiểm tra trước hoàn thuế sau, hoàn thuế trước kiểm tra sau. Thông thường DN mất 2 lượt đi lại giải trình ở cả 2 phương thức hoàn thuế. Số ngày để DN nhận được quyết định hoàn thuế bình quân là 15 ngày. Tiền hoàn thuế nhận được sau khi có quyết định bình quân là 7 ngày. Nhìn chung, DN đề nghị rút ngắn thời gian hoàn thuế xuống, có DN kiến nghị có quy định cụ thể về thời gian nhận hồ sơ và trả lời hồ sơ hoàn thuế.

Năm 2016, VCCI có nội dung khảo sát riêng về thủ tục thuế điện tử. VCCI cho rằng đây là một trong những thành công rất lớn của Bộ Tài chính, ngành Thuế, đây là ngành triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhanh nhất, bền vững và có định hướng rõ nhất. Điều tra của VCCI cho thấy, về cơ bản, các DN đều đã nộp hồ sơ kê khai thuế qua mạng. Tỷ lệ này đối với các DN có quy mô từ 50 tỷ đồng trở lên là 100%, đối với các DN nhỏ hơn thì tỷ lệ là 97- 98%... Nộp thuế điện tử có 96% DN đăng ký, 92% DN đã nộp thuế điện tử. Nhìn chung, đây là một xu hướng tốt và điểm tích cực là hầu hết các DN hài lòng về nộp thuế điện tử, tỷ lệ ghi nhận lợi ích về rút ngắn thời gian, thuận tiện… khoảng 97-98%.

Về thanh tra kiểm tra thuế, nếu so sánh năm 2014 với năm 2016 cho thấy mức độ đánh giá được cải thiện tương đối tốt. Điều tra năm 2014, có 90% DN khi được hỏi đánh giá thanh tra kiểm tra đúng thời hạn, đến năm 2016, tỷ lệ này tăng lên 95%. Điều tra năm 2014, có 80% DN đánh giá thái độ của cán bộ thuế đúng mực trong thanh tra kiểm tra, tỷ lệ này năm 2016 tăng lên 90%...

Về giải quyết khiếu nại, kết quả điều tra của VCCI cho thấy, 79% DN hài lòng với kết quả giải đáp khiếu nại của cơ quan thuế.

Về sự phục vụ của công chức thuế, nét tích cực so với năm 2014 là tỷ lệ DN hài lòng về sự phục vụ của công chức thuế năm 2016 đã cải thiện tương đối nhiều. Cơ chức thuế đã hướng dẫn tận tình hơn, không hách dịch nhũng nhiễu, có nhiều cải tiến…

Tựu trung, kết quả điều tra của VCCI cho thấy, điểm hài lòng của DN trong năm 2016 về cải cách thủ tục hành chính thuế (xét trên 5 chỉ số lớn và các chỉ số phụ), đã đạt mức điểm 75/100 so với năm 2014 là 71/100. Xét các chỉ tiêu cụ thể có thể thấy mức độ chuyển biến tương đối rõ nét của ngành Thuế.

VCCI cho rằng, về tổng quan, ngành Thuế đã có cải cách, chuyển biến rất bền vững trong thời gian qua. Bộ Tài chính, ngành Thuế đã có các kết quả tích cực trong thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP các năm qua. Tuy nhiên, không gian cải cách vẫn còn nhiều và đề xuất của DN đối với cơ quan thuế là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, mở rộng các hình thức thông tin lĩnh vực thuế, tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin… trong lĩnh vực thuế.