Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là 7%, lạm phát dưới 4%

Theo Vương Trần/laodong.vn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo và cho biết mục tiêu năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt mức khoảng 7%, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%, tăng trưởng tín dụng khoảng 14%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP

Chỉ số giá bình quân 7 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,54%

Chiều nay (30/7), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc thảo luận về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu bối cảnh, tình hình trong nước và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam.

Theo đó, trong nước, trong một thời gian khá dài, tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, mặt bằng tỷ giá, lãi suất, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về năng lượng, lương thực được bảo đảm, nợ công, nợ chính phủ giảm mạnh…

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản đặt ra và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch;

Lạm phát được tiếp tục kiểm soát, chỉ số giá bình quân 07 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,54% so với cùng kỳ trong bối cảnh lạm phát ở nhiều quốc gia phát triển tăng cao kỷ lục nhất 40 năm qua; thu ngân sách nhà nước đạt 77,5% dự toán năm…

Từ đầu năm 2022 đến nay, các tổ chức quốc tế đã có nhiều nhận xét tích cực đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam. Theo đó, tổ chức S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “ổn định”.

Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam liên tục được nâng mức dự báo, trong khi thế giới và nhiều quốc gia khác liên tục hạ mức dự báo tăng trưởng, theo đó gần đây nhất IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 là 7% (tăng so với mức dự báo 6% tại thời điểm 16.5.2022).

Việt Nam được đánh giá cao trong xếp hạng chính phủ tốt, đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số bình đẳng thu nhập và thu hút đầu tư (lần lượt tăng 33 bậc và 18 bậc so với năm 2021)[1].

Dự báo tăng trưởng năm đạt 7%, lạm phát dưới 4%

Dự báo tình hình trong nước trong những tháng cuối năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc; nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH được giải ngân nhanh hơn, mạnh hơn.

Tuy nhiên, rủi ro, thách thức phục hồi kinh tế còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất.

Cần phải có thêm các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ kịp thời, tránh suy giảm sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp; từ đó tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu điều hành trong thời gian tới đó là: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng không làm suy yếu các động lực tăng trưởng; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 6,5-7%;

Bảo đảm các cân đối lớn đặt ra trong giai đoạn 2021-2025: tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP, tỷ lệ huy động vào NSNN không thấp hơn 16% GDP, tỷ lệ bội chi NSNN bình quân 3,7% GDP…

Riêng năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt mức khoảng 7%, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%, tăng trưởng tín dụng khoảng 14%.

Hỗ trợ tích cực cho phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, bảo đảm nhu cầu huy động vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, các cân đối lớn.

Bảo đảm an sinh xã hội, an dân; hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho các đối tượng yếu thế, người nghèo, thu nhập thấp.