Mục tiêu và giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam
Thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng tất yếu trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh phát triển nền kinh tế số, công nghệ số. Thời gian qua, với mục tiêu hạn chế lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Để tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng trong Đề án phát triển phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bài viết đề xuất một số giải pháp trọng tâm cần tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Những kết quả tích cực
Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, TTKDTM là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ nhằm làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên GDP, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán. Đồng thời, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh quyết toán, các dịch vụ, phương tiện TTKDTM; tạo lập cơ chế hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng các dịch vụ TTKDTM... Thời gian qua, hoạt động TTKDTM đã đạt được nhiều kết quả tích cực với những điểm nổi bật sau:
Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán
Hành lanh pháp lý phục vụ cho chủ trương TTKDTM và thanh toán điện tử đã từng bước được ban hành một cách đồng bộ và hoàn thiện. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế, chính sách liên quan như: Trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money); Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025...
Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/4/2018 về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tiền ảo...; Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Hai là, hạ tầng thanh toán và công nghệ 4.0 tạo đà cho TTKDTM phát triển.
Trong giai đoạn 2016-2020, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc. Bên cạnh đó, các phương tiện và dịch vụ thanh toán ngày càng phát triển, đa dạng hóa, góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử, đáp ứng nhu cầu thanh toán đa dạng của người dân. Các đơn vị, tổ chức đã chú trọng nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán như: Sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), công nghệ mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... Các TCTD đã đẩy mạnh xây dựng, cập nhật các phiên bản Mobile Banking thế hệ mới với rất nhiều dịch vụ ngân hàng số, đặc biệt là xây dựng hệ sinh thái số với việc tích hợp dịch vụ ngân hàng với các dịch vụ thiết yếu (điện, viễn thông, thực phẩm, y tế, siêu thị, sàn thương mại…).
Thứ ba, TTKDTM qua điện thoại di động và Internet tăng mạnh.
Hoạt động TTKDTM có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là thanh toán qua điện thoại di động và Internet. Cụ thể, theo NHNN, nếu so với cùng kỳ năm 2016, số lượng và giá trị thanh toán trong năm 2020 qua kênh Internet tăng 278% và 285% so với cùng kỳ năm 2016; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 1.111% và 4.049%; thanh toán qua POS tăng tương ứng 271% và 147%; thanh toán qua ATM tăng tương ứng 43% và 54%. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị tác động dịch COVID-19 thì hoạt động TTKDTM vẫn đạt mức tăng trưởng cao.
Theo số liệu của NHNN, tính đến hết tháng 4/2022, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 32,37% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, giao dịch TTKDTM tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021. Tính đến cuối tháng 4/2022, mạng lưới thiết bị, điểm chấp nhận thanh toán không ngừng được mở rộng, bao phủ cả nước với hơn 20.000 máy ATM, trên 347.000 POS (điểm chấp nhận thẻ) và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code. Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 70%. Cả nước đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thứ tư, thanh toán điện tử tiếp tục có nhiều bước đột phá.
Thanh toán điện tử trong lĩnh vực công tiếp tục được triển khai rộng rãi. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã hoàn thành kết nối thanh toán điện tử liên ngân hàng tại 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp. Khoảng 50 NHTM đã hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Hải quan, của Tổng cục Thuế trên 63 tỉnh/thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước. 98,6% số thu Hải quan được thực hiện qua ngân hàng. 27 NHTM và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán, thu qua ngân hàng, trung gian thanh toán lên tới trên 91%...
Mặc dù đạt những kết quả quan trọng nhưng thực tế, TTKDTM vẫn tập trung ở các thành phố lớn, trong khi tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, thanh toán bằng tiền mặt vẫn khá phổ biến. Mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch và hạ tầng thanh toán còn thưa thớt, chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối, thói quen thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến với nhiều người dân...
Mục tiêu và giải pháp cho giai đoạn mới
Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số, để tiếp tục phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn tiếp theo, ngày 28/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Chính phủ đề ra mục tiêu đến cuối năm 2025 giá trị TTKDTM gấp 25 lần GDP; TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 450.000 điểm. Đồng thời, phấn đấu, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20 - 25%/năm; Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%... Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặt mục tiêu TTKDTM đối với dịch vụ công. Theo đó, từ 90-100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM...
Trên cơ sở những kết quả đạt được nhằm thực hiện thành công mục tiêu của TTKDTM giai đoạn 2021-2025, trong thời gian tới, cần chú trọng một số giải pháp sau:
Đối với cơ quan quản lý
- Tiếp tục hoàn thiện pháp lý cho việc đẩy nhanh rà soát, cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông đủ điều kiện triển khai thí điểm dịch vụ thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) gắn với công cụ giám sát và quản lý phù hợp, thuận lợi nhằm đảm bảo triển khai dịch vụ này an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN cần sớm có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trên toàn hệ thống, trong đó có các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đảm bảo sự phối hợp giữa ngân hàng - Fintech được hiệu quả, an toàn, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại, tiện lợi cho người dùng.
- Rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 về thanh toán bằng tiền mặt nhằm tăng cường quản lý hoạt động thanh toán bằng tiền mặt, nhất là đối với giao dịch mua, bán tài sản có giá trị lớn phù hợp với quy định tại các luật: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật phòng, chống rửa tiền, Luật phòng, chống tham nhũng. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về giao dịch điện tử, an ninh mạng, đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu và bảo vệ người dùng,...
- Tiến hành quy hoạch thiết kế xây dựng hạ tầng thanh toán số quốc gia đồng bộ, thống nhất, dùng chung; cho phép các tổ chức tài chính trong nước, quốc tế sử dụng hạ tầng mạng lưới rộng khắp của các đơn vị viễn thông để triển khai các dịch vụ cho người dân với chi phí thấp. Tiến tới hoàn thiện chính sách pháp luật có thể cho phép ngành Ngân hàng kết nối, khai thác thông tin tại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong cung ứng dịch vụ, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc an ninh, an toàn và quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Về phía các ngân hàng thương mại
- Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking), hệ thống thanh toán nội bộ và các hệ thống thanh toán khác, đảm bảo kết nối, tích hợp với các hệ thống thanh toán quan trọng, hạ tầng kỹ thuật của các tổ chức cung ứng dịch vụ công và các hệ thống khác để cung ứng dịch vụ thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả cho tổ chức, cá nhân.
- Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS) và áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như QR Code, Tokenization, thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless)... đối với các dịch vụ công, dịch vụ tiện ích như điện, nước, học phí, viện phí, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến, các thủ tục hành chính công trực tuyến; tiếp tục nghiên cứu, triển khai phát triển thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam.
- Phối hợp với các trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần xây dựng hạ tầng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán điện tử có thể bao phủ tới nhiều địa phương...
- Nghiên cứu xây dựng chính sách phù hợp về phí dịch vụ TTKDTM, tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận dịch vụ TTKDTM với chi phí hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và khách hàng.
- Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thanh toán và các giao dịch trên môi trường mạng, qua đó, thúc đẩy TTKDTM và phổ cập tài chính.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025;
2. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 411/QĐ-TTG ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
3. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020;
4. Chu Hà Trang (2021), Giải pháp đồng bộ để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, Tạp chí Ngân hàng.
* ThS. Đỗ Thu Hương, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hà - Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 - Tháng 7/2022