Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014: Vẫn khả thi!
(Tài chính) Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng 12-14%. Dù đây đây không phải là con số cao so với các năm trước song vẫn không ít những lo ngại, băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu này. Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN khẳng định, bất chấp những khó khăn, thách thức, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra cho cả năm 2014 có thể đạt được.
Có thể khẳng định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 (12-14%) thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 30%/năm của các năm trước đây. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân suốt hai quý đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng khá thấp.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, do tổng cầu thấp, sự hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu nên đã khiến tín dụng tăng chậm. Đã có những thời điểm, không ít chuyên gia băn khoăn về con số tăng trưởng tín dụng năm nay và cho rằng nỗ lực lắm mới có thể đạt mức tăng trưởng 10%.
Hiện nay, ở nước ta, kênh tín dụng ngân hàng vẫn đóng vai trò chủ đạo cung ứng vốn cho nền kinh tế, do vậy, tăng trưởng tín dụng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của công đồng doanh nghiệp (DN) nói riêng. Nhận thức được điều này, ngay từ đầu năm, NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, tiếp tục triển khai chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng như Thông tư 09/2014/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ của DN và xem xét cho vay mới; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng đưa ra một số chương trình tín dụng đặc thù đối với các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo, cà phê, cho vay đánh bắt xa bờ; hỗ trợ đối với lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở...
Nhờ đó, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đến hết tháng 9/2014, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã xấp xỉ đạt 7%, cao hơn so với mức 6,87% của cùng kỳ. Điều này tạo động lực giúp các cơ quan quản lý tin vào việc cán đích thành công mục tiêu mà Chính phủ đặt ra. Ngay cả người đứng đầu ngành Ngân hàng cũng khẳng định, khả năng đạt mức tăng trưởng tín dụng như kế hoạch là hoàn toàn có thể được.
Nhìn lại diễn biến từ đầu năm đến nay, có thể nói, niềm tin của của NHNN không phải là không có cơ sở khi sau 9 tháng, tăng trưởng tín dụng đã đạt xấp xỉ 7%, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, nền kinh tế bắt đầu có những diễn biến tích cực... Hơn nữa, từ nay đến cuối năm, các TCTD sẽ vào giai đoạn chạy nước rút để hoàn thành các kế hoạch năm, do vậy mục tiêu tăng trưởng bình quân 5,1% trong quý IV/2014 là điều mà các TCTD đang hướng đến.
Điều đáng mừng khác là hiện nay, cơ cấu tín dụng tiếp tục có hướng chuyển dịch tích cực, trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng khá cao. Đến cuối tháng 8/2014, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 6,1%; xuất khẩu tăng 4,37%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 12,73%; công nghiệp hỗ trợ tăng 6,12%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,57%; tín dụng bất động sản có xu hướng phục hồi, tăng 9,85%...
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD sẽ tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; triển khai các chương trình cho vay liên kết nhằm tạo sự đột phá trong đầu tư tín dụng.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, trên cơ sở ổn định vĩ mô đang được đảm bảo, nhất là lạm phát có xu hướng giảm, NHNN xem xét cung cấp nguồn vốn với lãi suất thấp ưu đãi cho các TCTD nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay mà không ảnh hưởng đến NIM của hệ thống TCTD.