Thanh toán không dùng tiền mặt: Chuyển biến nhận thức, thay đổi thói quen
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Ðịnh, tình hình thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh tăng trưởng về quy mô và đa dạng các giải pháp thanh toán. Loại hình này phát triển mang lại nhiều lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán và thu nhập của tổ chức, cá nhân.
Những năm gần đây, Agribank Bình Định đã lắp đặt 47 trụ ATM, 51 máy POS tại các địa phương trong tỉnh và cung cấp cho khách hàng các dịch vụ giao dịch tín dụng, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKTM) qua các kênh Internet Banking, E-Mobile Banking, ngân hàng tự động Autobank CDM, thanh toán qua liên kết với các ví điện tử…
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Agribank Bình Định, cho hay: Năm 2021, tổng dư nợ cho vay đạt 12.358 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm trước, trong đó giao dịch TTKTM chiếm tỷ lệ lớn, nguồn thu từ các dịch vụ cũng rất khả quan. Mục tiêu của Agribank Bình Định là tiếp tục nâng cấp tiện ích, phục vụ khách hàng, chú trọng nhóm khách hàng khu vực nông thôn - khu vực có tiềm năng rất lớn chưa khai thác hết.
Đón đầu xu hướng dịch chuyển các hoạt động giao dịch tín dụng từ trực tiếp sang trực tuyến, TTKTM, nhiều ngân hàng như: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Sacombank, MB… đã đầu tư mở rộng mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ, đua nhau thu hút khách hàng sử dụng các nội dung, nghiệp vụ, tính năng… tích hợp trong ứng dụng (app). Hệ quả là người dùng mau chóng thay đổi thói quen, tích cực sử dụng TTKTM.
Mở 2 tài khoản tại Agribank Bình Định và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh Bình Định (Sacombank Bình Định), chị N.T.N.A, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, chia sẻ: Bây giờ ngồi ở nhà hay bất cứ nơi đâu, mình cũng có thể giao dịch với các đối tác thông qua tài khoản ngân hàng, không cần phải cầm số tiền lớn trực tiếp đến giao cho khách hàng. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc TTKTM là giải pháp quan trọng hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh”.
Nói về việc thúc đẩy TTKTM, ông Trầm Lợi Thuận, Giám đốc Sacombank Bình Định cho hay, TTKTM hiện đang là nhu cầu của mọi đối tượng, với tất cả các quy mô thanh toán và là xu hướng không thể đảo ngược. Phía ngân hàng chủ động tạo ra môi trường thuận lợi để hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí.
Hơn nữa, cả ngân hàng và khách hàng đều hưởng lợi từ hoạt động TTKTM nên việc các ngân hàng, trong đó có Sacombank Bình Định đầu tư mở rộng mạng lưới hoạt động, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng cũng là điều dễ hiểu. Tới đây Sacombank Bình Định tiếp tục đầu tư công nghệ để tăng cường các giải pháp tài chính, đảm bảo giao dịch của khách hàng luôn được đáp ứng liên tục, tốt nhất và an toàn sức khỏe, đồng thời gia tăng tiện ích và trải nghiệm thú vị cho khách hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Ðịnh, tình hình TTKTM tại Bình Định tăng trưởng về quy mô và đa dạng các giải pháp thanh toán. Năm 2021, tổng số lượng giao dịch TTKTM qua ATM, POS, Internet Banking, Mobile Banking.., đạt hơn 203 triệu món với tổng giá trị giao dịch đạt 682 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trà Dương - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Ðịnh, nhìn nhận: Hoạt động TTKTM làm thay đổi dần thói quen thanh toán, đặc biệt là với những người hưởng lương từ ngân sách, từ đó giảm chi phí liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông.
TTKTM góp phần gia tăng lượng khách hàng và các giao dịch tín dụng, giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Hơn nữa còn giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán và thu nhập cá nhân, góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng và tội phạm kinh tế trên địa bàn tỉnh.