Muốn đón vốn lớn, tiếp tục cải thiện
Năm 2018, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 33,5% GDP. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng môi trường đầu tư chưa được cải thiện nhiều, đầu tư của các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng không có tăng trưởng tốt.
PV: Ông có thể giải thích rõ hơn những bất cập này?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Năm 2018 đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm so với năm 2017. Đúng là tăng trưởng tốt nhờ giải ngân vốn FDI, nhưng nếu vốn FDI đăng ký của 2018 và những năm sau giảm, động lực từ giải ngân vốn FDI sẽ chậm lại.
Theo tôi, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ khiến dòng vốn FDI rời khỏi Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam, giúp vốn FDI tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, để làm được điều này, môi trường đầu tư phải thực sự được cải thiện chúng ta mới thúc đẩy được đầu tư tư nhân của DNNVV lẫn doanh nghiệp (DN) FDI.
Trong năm 2018, chúng ta có điểm chưa hài lòng là giải ngân vốn đầu tư công chậm. Thực chất nền kinh tế tăng trưởng không chỉ dựa vào đầu tư công, nhưng nếu không được giải ngân hiệu quả vào các công trình hạ tầng, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng ngắn hạn năm 2019 cũng như những năm sau.
Bối cảnh kinh tế Việt Nam là việc phê duyệt cả dự án tư nhân, FDI, với việc phê duyệt dự án đầu tư công có sự lo lắng, rụt rè của các cơ quan quản lý nhà nước làm chậm lại tiến độ đầu tư. Đó là điểm quan ngại và có thể sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng.
Năm 2018 chu kỳ tăng trưởng kinh tế của các quý cao, thấp không giống những năm trước. Ông nghĩ sao về điều này?
Tăng trưởng kinh tế của chúng ta lệ thuộc rất nhiều vào chu kỳ sản xuất của các DN FDI. Trước đây, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước do tháng tết nghỉ dài ngày không sản xuất.
Vì thế, quý I tăng trưởng chậm nhất, đến quý II, III hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường và quý IV gấp rút cuối năm nên đẩy mạnh đầu tư, giải ngân và là quý tăng trưởng cao nhất. Nhưng đến nay, sản xuất của DN FDI, đặc biệt là DN lắp ráp điện tử, điện thoại di động sản xuất đi theo chu kỳ công nghệ, không phụ thuộc vào các quý.
Có những quý họ đưa ra mẫu mã điện thoại di động mới, tốc độ sản xuất trong quý đó sẽ cao. Vì thế, quý I-2018 tăng trưởng mạnh nhờ chu kỳ sản xuất của DN FDI. Quý II tăng trưởng chậm lại, quý III tăng trưởng tốt hơn quý II và quý IV cũng tương tự. Đó là lý do tăng trưởng kinh tế không giống như mọi năm quý sau cao hơn quý trước.
Ông đánh giá thế nào về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 4 lần trong năm 2018?
Thực ra, cuối năm 2017, thị trường đã kỳ vọng rất cao lộ trình tăng lãi suất của FED. Việc FED tăng lãi suất cho thấy những kỳ vọng mạnh mẽ nhất đã xảy ra. FED tăng lãi suất trước bối cảnh chi phí tiền lương, tăng trưởng kinh tế tốt nhờ chính sách nới lỏng ngân sách và giảm thuế, do đó phải điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ngược lại để giảm sức nóng của nền kinh tế.
Ngay từ thời điểm đầu năm 2018, khi FED tăng lãi suất, chính sách này đã gây xáo trộn trên thị trường toàn cầu, khiến đồng USD lên giá so với hàng loạt đồng tiền chính yếu khác, hầu hết thị trường chứng khoán trên thế giới cuối năm giảm điểm so với đầu năm.
Việc FED tăng lãi suất lần thứ 4 cũng mang đến một thông điệp là trong năm 2019, FED chỉ tăng lãi suất 2 lần nữa để đưa lãi suất đồng USD lên khoảng 3% - mức đánh giá là ổn định, cân bằng trong trung hạn. Thông điệp này sẽ giúp không quá bị xáo trộn trên thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, điều lo ngại hiện nay không phải việc FED tăng lãi suất, mà trong tâm lý nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán toàn cầu, nhất là Mỹ có tiếp tục điều chỉnh nữa không, tăng trưởng lợi nhuận của công ty niêm yết có khó tăng trưởng?
Bên cạnh đó là chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đà suy giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc năm 2019 tiếp tục diễn ra, kích thích đầu tư của Mỹ thông qua việc giảm thuế sẽ không còn nữa, và tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2019 cũng chậm lại.
Tất cả sự chú ý sẽ dồn vào việc điều hành chính sách của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản có mang tính phối hợp không, để dù có điều chỉnh nhưng không để xảy ra những xáo trộn quá lớn.
Vậy trong bối cảnh đó, chính sách của Việt Nam sẽ ra sao, thưa ông?
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thứ 3 nhưng lại là nơi có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu. Sự suy giảm của 2 thị trường này sẽ khiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chậm hơn, dù chúng ta cũng có lợi ích từ cuộc chiến thương mại (khi những ngành hàng của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ có thuế cao, những sản phẩm tương tự của Việt Nam sẽ tăng trưởng được).
Tuy nhiên, để có thể tăng trưởng tốt trong năm 2019, lĩnh vực tiêu dùng, đặc biệt là đầu tư phải có được tốc độ tăng trưởng tốt.
Xin cảm ơn ông!