Mỹ chưa có đường rút khỏi Trung Đông
(Tài chính) Trước sự trỗi dậy của IS, cùng với việc chưa tìm được chiến lược rút lui khỏi Afghanistan và giải pháp nhằm chấm dứt sự đối đầu với Iran, Mỹ đã phải “bẻ lái” chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương để quay lại Trung Đông. Trong 2015, chú Sam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức ở khu vực quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới chính sách ngoại giao của Mỹ.
Trong năm qua, chính sách xoay trục của Mỹ đã gặt hái được một số kết quả, trong đó phải kể đến thỏa thuận lịch sử với Australia cho phép Mỹ tăng gấp đôi số nhân viên quân sự Mỹ lên đến 2.500 người tại căn cứ gần thành phố Darwin, Australia.
Tháng 11 vừa qua, sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Manila, Philippines, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm trở lại Myanmar, lần thứ hai kể từ tháng 11/2012.
Chuyến thăm này được ví với lá phiếu tín nhiệm của chính quyền Obama dành cho Chính phủ dân sự non trẻ Burma, trong nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển tiếp dân chủ ở nước Đông Nam Á này. Trước khi kết thúc hành trình tái khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Obama đã tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm G20, được tổ chức tại Brisbane, Australia, với nhiều kết quả được đánh giá là đáng nhớ.
2014 đáng nhẽ phải được xem là một năm sôi động của Mỹ trong việc hiện thực hóa chính sách tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chiến lược xoay trục lại bị lu mờ trước những thách thức nổi lên ở Trung Đông. Tình hình ở khu vực này đang chuyển biến nhanh chóng theo hướng không có lợi cho Washington.
Theo báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc, trong nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12, chiến dịch không kích của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu đã bắt đầu mang lại kết quả, tiêu diệt được nhiều thủ lĩnh chủ chốt của IS tại Iraq, trong đó có Abd al-Basit, chỉ huy quân sự hàng đầu của IS tại Iraq; Haji Mutazz, cố vấn hàng đầu cho thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi và chỉ huy IS ở thành phố Mosul Radwan Talib.
Mặc dù chiến dịch không kích hiện nay đang khiến cho lực lượng IS gặp khó khăn hơn nhiều trong việc phát động các cuộc tấn công mới ở Iraq và Syria, nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận rằng, Mỹ và đồng minh sẽ mất nhiều năm mới đánh bại được nhóm nổi dậy này. Theo các nhà bình luận, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ hiện nay có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh lâu dài chưa rõ hồi kết, với một danh sách mở rộng các kẻ thù và mối đe dọa đối với an ninh Mỹ.
Cùng với chiến dịch không kích IS ở Iraq, Mỹ cũng chưa thể rút chân khỏi vũng lầy ở nước láng giềng là Afghanistan. Với việc chính quyền mới ở Kabul phê chuẩn Hiệp ước an ninh song phương (BSA) với Mỹ, Washington dự kiến sẽ tiếp tục triển khai 9.800 binh sĩ ở lại Afghanista vào năm tới. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cho biết, con số này có thể tăng 1.000 binh sĩ, nhằm tạo sự linh hoạt cho Mỹ trong việc giúp các lực lượng của Afghanistan bảo đảm an ninh. Trong khi chưa tìm ra lối thoát cho xung đột Trung Đông, Washington khó lòng xoay trục sang khu vực khác.
Trong vấn đề hạt nhân của Iran, việc Tehran và nhóm P5+1 nhất trí kéo dài đàm phán đến tháng 6.2015 là tin vui đối với cộng đồng quốc tế, cho thấy nỗ lực của các nhà đàm phán đến nay không phải vô ích. Việc gia hạn các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và phương Tây giúp các bên có thêm thời gian để đạt được thỏa thuận cuối cùng. Mặt khác, thỏa thuận tạm thời giữa Iran và nhóm P5+1 đạt được gần một năm trước đây, mà một số hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran vẫn được thực thi nghiêm chỉnh.
Các bên liên quan đều hiểu rằng, tiến bộ trong đàm phán sẽ giúp loại bỏ khả năng Iran đạt bước đột phá trong lĩnh vực hạt nhân, cho phép nước này có thể bắt đầu sản xuất vũ khí hạt nhân trong vòng 1 năm. Trên thực tế, nội bộ lãnh đạo Mỹ càng khó tìm được sự đồng thuận để chấp thuận nhượng bộ. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ thờ ơ với việc thúc đẩy tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Iran và phương Tây vì 3 lý do sau đây:
Thứ nhất, việc ngăn Iran đạt bước đột phá trong lĩnh vực hạt nhân chưa hẳn sẽ được coi như chiến thắng toàn diện. Trái lại, các quan chức Mỹ cho rằng, Iran có thể đã sở hữu cách thức chế tạo bom nguyên tử. Vì vậy, việc đàm phán với các chuyên gia nguyên tử của Iran về các điều kiện nhằm ngăn chặn nguy cơ này là vô ích.
Thứ hai, các nghiên cứu hàn lâm cũng cho thấy tỷ lệ thành công của các biện pháp trừng phạt là hạn chế. Thay vì đóng vai trò là chất xúc tác nhằm mang lại sự thay đổi về xã hội, các lệnh trừng phạt của phương Tây lại góp phần làm quyền lực và của cải tập trung vào giới chóp bu ở Iran.
Thứ ba, bế tắc trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông bắt nguồn từ sự phức tạp của nền chính trị ngày càng chia rẽ trong khu vực. Không thể phủ nhận rằng, trong bối cảnh hiện nay, cả Tehran và Washington chia sẻ nhiều lợi ích trong việc giúp duy trì một Trung Đông ổn định và thịnh vượng. Bên lề cuộc gặp Iran và nhóm P5+1 diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Mỹ và Iran đã tiến hành cuộc hội đàm trực tiếp về nỗ lực chung nhằm bảo vệ Iraq trước mối đe dọa từ các lực lượng phần tử Hồi giáo cực đoan. Cũng chính Iran đã ủng hộ một cuộc đối thoại hòa bình nhằm giải quyết chia sẻ quyền lực ở Syria. Tuy nhiên, Tehran lại là nhân tố góp phần làm gia tăng chủ nghĩa bè phái khu vực, khi hỗ trợ các lực lượng Shia ở ngoài biên giới của mình, đặc biệt là lực lượng Hezbollah ở Lebanon và nhóm thiểu số Alawite của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, hay một số lực lượng dân quân Shia ở Iraq.
Mỹ đã nhận ra cốt lõi vấn đề của các thách thức ở Trung Đông và đã tìm cách giải quyết thông qua đàm phán. Tuy nhiên, chiến lược khoanh vùng đòi hỏi sự tập trung và quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách và nhiệm vụ này hẳn sẽ không dễ dàng.