Mỹ chuẩn bị giải tán lực lượng chuyên trách ứng phó với đại dịch Covid-19: Có quá vội vàng?

Theo Thái Anh/daibieunhandan.vn

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, Mỹ vẫn quyết định sẽ giải tán lực lượng chuyên trách ứng phó với đại dịch này vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. Bởi theo Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ “không thể đóng cửa kinh tế trong 5 năm tới”.

Tổng thống Donald Trump đang tập trung thúc đẩy mở cửa trở lại nền kinh tế. Nguồn: internet
Tổng thống Donald Trump đang tập trung thúc đẩy mở cửa trở lại nền kinh tế. Nguồn: internet

Giải tán nhưng không lơ là

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang tập trung thúc đẩy mở cửa trở lại nền kinh tế và hơn nửa số bang tại Mỹ đã nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch. Theo CNN, Phó Tổng thống Mike Pence cho biết, sau khi lực lượng chuyên trách giải tán, việc phối hợp ứng phó với dịch Covid-19 sẽ được chuyển về các cơ quan Liên bang theo những cách “truyền thống” hơn. Lực lượng trên được thành lập vào cuối tháng 1 và ông Mike Pence được bổ nhiệm làm người đứng đầu sau đó một tháng với nhiệm vụ phân tích, báo cáo tình hình dịch bệnh thường xuyên cho Tổng thống.

Theo dữ liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp, tính đến sáng 6.5, 72.256 người tại Mỹ đã chết vì Covid-19, chiếm gần 1/4 số ca tử vong trên toàn thế giới. Mặc dù số ca nhiễm mới và tử vong ở New York - ổ dịch lớn nhất nước Mỹ đang giảm, nhưng tình trạng này tiếp tục tăng mạnh ở phần còn lại của đất nước. Một số dự đoán cho thấy, các trường hợp tử vong sẽ vẫn ở mức cao trong nhiều tháng tới và có khả năng tăng lên khi nhiều bang nới lỏng yêu cầu công dân ở nhà để tránh virus SARS-CoV-2 lây lan. Ông Michael Osterholm, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ dự đoán, Mỹ nhiều khả năng lên tới 800.000 ca tử vong vì Covid-19 trong vòng 18 tháng tới.

Tổng thống Donald Trump cho biết, lực lượng chuyên trách sẽ ngừng hoạt động và thay thế bằng một cơ quan tư vấn mới chưa được xác định khi đất nước chuyển sang cái mà ông gọi là giai đoạn 2 đối phó với đại dịch. Ông khen ngợi: “Phó Tổng thống Mike Pence và lực lượng chuyên trách đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng chúng ta đang cần tìm kiếm một hình thức khác hơn một chút. Đó là hình thức an toàn và tái mở cửa đất nước. Chắc chắn, chúng ta sẽ phải thành lập một nhóm mới để phụ trách việc này”.

Trong bối cảnh chuẩn bị tái tranh cử, người đứng đầu Tòa Bạch ốc lạc quan dự đoán trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Post rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi sâu rộng vào quý IV năm nay.

Còn nhiều nghi ngại

Tất nhiên quyết định giải tán lực lượng chuyên trách Covid-19 đã vấp phải nhiều luồng ý kiến nghi ngại. Thậm chí, có người còn đánh giá, chính quyền đương nhiệm đang phạm phải sai lầm lớn khi đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.

Nhiều nhà khoa học đồng tình rằng, rất có thể sẽ xảy ra “làn sóng nhiễm bệnh thứ hai” vào mùa Thu tới.  Thực tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Robert Redfield đã khiến Tổng thống Donald Trump nổi giận khi ông nhận định với tờ Washington Post là, làn sóng trên sẽ còn phức tạp và khó đối phó hơn so với tình hình hiện nay. Bà Hillary Clinton, cựu Ngoại trưởng Mỹ và từng là ứng cử viên tổng thống năm 2016 bình luận trên Twitter: “Thật đáng xấu hổ vì có vẻ như kế hoạch này không phải là kế hoạch. Người dân Mỹ sẽ phải chịu đựng. Chúng ta cần thay thế chính quyền này vào tháng 11 tới”. Ông David Axelrod, cựu chiến lược gia chính cho cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nói thêm, “nếu bạn không thể tiêu diệt được virus, bạn phải giải tán lực lượng chuyên trách thôi”.

Thậm chí có người đã dẫn chứng trường hợp của Singapore. Mới đầu nước này được coi là mô hình chống dịch Covid-19 hiệu quả mà nhiều nước khác muốn học tập. Tuy nhiên kể từ tháng trước, số ca dương tính của đảo quốc sư tử đã trở nên nhiều nhất Đông Nam Á sau khi một loạt người nhiễm bệnh tại các chung cư dành cho lao động nhập cư nước ngoài.

Trong khi đó, khả năng tìm ra vaccine phòng, chống Covid-19 được một số nhà khoa học thế giới đánh giá là vẫn còn khá thấp vào đầu năm 2021. Chính vì vậy, quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump khiến nhiều người cảm thấy đây là dấu hiệu về sự thiếu nghiêm túc trước mối đe dọa toàn cầu.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany buộc phải lên tiếng trấn an những ý kiến lo ngại rằng Tổng thống Donald Trump không còn theo sát thông tin dịch bệnh. Bà cho biết, nhà lãnh đạo này đang nỗ lực mở cửa trở lại nền kinh tế một cách an toàn dựa trên các số liệu dịch bệnh được cung cấp. Hôm thứ Ba, bản thân ông cũng phát biểu trong chuyến đi tới Arizona - nơi được coi bang chiến trường cho cuộc bầu cử tổng thống 2020: “Tôi không nói bất cứ điều gì là hoàn hảo. Sẽ có người bị ảnh hưởng không? Có. Sẽ có người bị ảnh hưởng nghiêm trọng không? Có. Nhưng chúng ta phải mở cửa đất nước, và chúng ta phải sớm thực hiện điều đó”.

Khi được phóng viên hãng ABC News hỏi về khả năng sẽ có thêm nhiều người thiệt mạng nếu tái mở cửa, Tổng thống Donald Trump đã thẳng thắn trả lời, thực tế này là có thể bởi người dân không còn bị... nhốt trong nhà. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, mọi người sẽ vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội, vẫn phải rửa tay khử khuẩn và nhiều việc khác giúp bảo đảm an toàn để đưa “đất nước trở lại”.