Mỹ sẽ ra sao nếu USD mất vị thế độc tôn?
Hiện đang tồn tại một nghịch lý tại thị trường tài chính toàn cầu. Trong khi tỷ trọng của Mỹ trong kinh tế thế giới đang giảm dần, uy tín của Mỹ cũng đang sụt giảm nghiêm trọng với các chính sách bảo hộ của ông Trump, song đồng USD vẫn đang nắm giữ vị thế độc tôn.
Theo số liệu mới nhất của NHTW châu Âu, đồng USD hiện chiếm tới 2/3 trong tổng nợ quốc tế và chiếm một tỷ trọng tương tự trong dự trữ toàn cầu. Nhiều loại hàng hóa cơ bản như dầu và vàng được định giá bằng đôla chứ không phải euro hoặc yên. Đặc biệt, việc đe dọa cắt đứt khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu dựa trên đồng USD chính là “cây gậy” để Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt với các quốc gia khác.
Tuy nhiên, như Valéry Giscard d'Estaing (người sau đó đã trở thành Bộ trưởng Tài chính của Pháp) cho biết vào năm 1965, vị thế của đồng USD trong tài chính toàn cầu là một “đặc quyền cắt cổ”. Sở dĩ như vậy là bởi Mỹ nhận được số tiền vĩnh viễn, không lãi suất từ phần còn lại của thế giới khi đồng USD được lưu hành bên ngoài Mỹ.
Còn theo Barry Eichengreen của Đại học California tại Berkeley, Mỹ chỉ tốn vài xu để in một tờ tiền có mệnh giá 100 USD, nhưng các quốc gia khác phải tạo ra một lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 100 USD để có được một tờ tiền như vậy. Điều đó cho phép người Mỹ tập chung vào tiêu thụ nhiều hơn là sản xuất, có nghĩa họ đang sống vượt quá khả năng của họ.
Thế nhưng, thách thức lớn nhất trong dài hạn đối với đồng USD là vấn đề mà các nhà kinh tế học gọi là “tình trạng khó xử Triffin”. Nhà kinh tế người Mỹ gốc Bỉ Robert Triffin đã quan sát vào năm 1959 thấy rằng, để cung cấp đôla cho phần còn lại của thế giới, Mỹ phải thâm hụt thương mại. Tuy nhiên các đối tác thương mại của Mỹ cất trữ những đồng USD kiếm được từ xuất khẩu trong tài khoản dự trữ của mình thay vì chi tiêu vào hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.
Trong khi nhu cầu đối với đôla sẽ làm tăng tỷ giá hối đoái, từ đó khiến cho các sản phẩm của Mỹ kém cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Thâm hụt ngày càng lớn và cuối cùng cũng sẽ làm suy yếu niềm tin vào đồng USD. Thậm chí công nhân Mỹ có thể bị mất việc khi Mỹ phải nhập khẩu các sản phẩm có thể được sản xuất trong nước.
Nếu các quốc gia khác đột nhiên quyết định sử dụng đôla của họ để mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, Mỹ đột nhiên sẽ có nhiều việc phải làm, nhưng người tiêu dùng sẽ phải chuyển từ sống trên khả năng sang sống dưới khả năng của họ.
Hiện không ít quốc gia trên thế giới đang tỏ ra “bất bình” với vị thế của đồng USD. Các nhà lãnh đạo châu Âu, phản ứng với những gì họ coi là vi phạm chủ quyền của họ, đang khỏi động một hệ thống thanh toán cho phép các công ty của họ hợp tác với Iran mà không bị Bộ Tài chính Mỹ và Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài kiểm soát.
Một trong những ý tưởng là thiết lập một tổ chức do chính phủ tài trợ, ít bị tổn thương trước những động thái của Mỹ hơn so với một công ty tư nhân hoặc ngân hàng, để sắp xếp trao đổi dầu của Iran với các sản phẩm từ châu Âu và cả Nga và Trung Quốc.
“Chúng tôi không thể chấp nhận người châu Âu bị những người khác, ngay cả là những người bạn và đồng minh thân cận nhất của chúng tôi, quyết định chúng tôi được kinh doanh những gì”, Federica Mogherini - Giám đốc chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu cho biết.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng cho biết vào tháng 9 rằng, rất “vô lý” khi các công ty châu Âu mua máy bay châu Âu bằng tiền Mỹ thay vì của chính họ. Trước đó, hồi tháng 8, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói với các phóng viên rằng ông muốn các công cụ tài chính “hoàn toàn độc lập” với Mỹ của Hoa Kỳ. “Tôi muốn châu Âu trở thành một lục địa có chủ quyền, không phải là chư hầu”, ông nói.
Trong khi đó nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới – Trung Quốc – hồi tháng 3 đã thách thức sự thống trị của đồng USD trên các thị trường năng lượng toàn cầu với hợp đồng tương lai dầu thô bằng đồng nhân dân tệ. Trung Quốc cũng đang nỗ lực thúc đẩy sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán thương mại để giảm phụ thuộc vào USD.
Một nền kinh tế lớn khác, Nga, cũng đã cắt giảm nắm giữ USD trong năm nay và đang lên kế hoạch sử dụng đồng ruble trong thanh toán thương mại quốc tế. “Chính phủ Nga đang tìm giải phải để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào đồng nội tệ của Mỹ, bao gồm thông qua việc khuyến khích tạo ra các cơ chế để thay đổi các thỏa thuận thương mại nước ngoài sang tiền tệ quốc gia", thông cáo của văn phòng chính phủ Nga công bố ngày 3/10 cho biết.
Mặc dù hiện đồng USD vẫn đang nắm giữ vị thế độc tôn trên thị trường tài chính toàn cầu, nhưng vị thế này đang bị lung lay nghiêm trọng. Theo các nhà phân tích, nếu đồng đô la mất vai trò trung tâm của mình, Mỹ sẽ dễ bị tổn thương hơn khi các nhà đầu tư mất niềm tin.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lúc đó có thể sẽ phải làm những gì mà các quốc gia khác đang làm hiện nay khi các nhà đầu tư toàn cầu hoảng loạn: tăng lãi suất lên mức đau đớn để giữ cho dòng tiền đầu cơ không chảy ra.
Một sự trượt giá của đồng USD cũng có thể được xem như là một triệu chứng của chủ nghĩa biệt lập Mỹ. “Trong một kịch bản giả định mà Mỹ rút khỏi thế giới”, thiệt hại cho đối với đồng USD có thể khiến lãi suất trung bình của Mỹ tăng 0,8%, theo một bài báo đăng tải hồi tháng 12/2017 của Barry Eichengreen và hai nhà nghiên cứu từ NHTW châu Âu.
Mặc dù chưa biết đến khi nào đồng USD mới đánh mất vị thế độc tôn của mình, song theo Eichengreen, “là đồng tiền quốc tế đương thời là một lợi thế, nhưng đó không phải là điều duy nhất quan trọng”.