Mỹ sợ mất Hy Lạp vào tay Nga
(Taichinh) - Nếu Hy Lạp vỡ nợ, Moscow sẽ có cơ hội nắm lấy đồng minh châu Âu của Mỹ.
Trong suốt quá trình đàm phán kéo dài giữa Hy Lạp và nhóm chủ nợ, chính quyền Tổng thống Mỹ - Barrack Obama chủ yếu đứng ngoài cuộc, thi thoảng cảnh báo về hậu quả kinh tế của việc vỡ nợ. Tuy nhiên, khi Hy Lạp đang đứng trên bờ vực vỡ nợ, Mỹ cũng bắt đầu lo lắng về hậu quả chính trị và khả năng Nga gia tăng ảnh hưởng lên thành viên NATO (Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương) này.
Washington cố duy trì một mặt trận phương Tây thống nhất trong việc trừng phạt Nga quanh vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, nếu Hy Lạp vỡ nợ, Moscow sẽ có cơ hội chen chân vào nhóm đồng minh châu Âu của Mỹ.
"Bạn có thể dễ dàng nhận ra bối cảnh chính trị này đúng là món quà cho Nga. Hy Lạp có thể ghét phương Tây và quay sang làm thân với Nga", Sebastian Mallaby tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nhận xét.
Nhiều tháng nay, chính quyền Tổng thống Obama vẫn đang lặng lẽ thúc giục Đức và các thành viên EU khác tìm giải pháp giải quyết bế tắc với Hy Lạp. Trong khi các điều khoản kinh tế vẫn được đặt lên hàng đầu, các nhà ngoại giao cho biết thái độ của EU với Hy Lạp cũng là một phần cuộc nói chuyện.
Chuyến thăm của Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras tới St Petersburg (Nga) cuối tuần trước chính là sự nhắc nhở về mối quan hệ giữa hai quốc gia này. Đây cũng là tín hiệu cho thấy Hy Lạp sẵn sàng ngả về phía Moscow tại thời điểm bất đồng giữa họ với các chủ nợ quốc tế lên đỉnh điểm.
Chuyến thăm Nga cũng cho thấy khả năng Moscow hỗ trợ tài chính cho Athens. Dù viễn cảnh này không được giới phân tích Washington quá quan tâm, do quy mô những hệ lụy kinh tế Hy Lạp có thể đối mặt nếu vỡ nợ.
"Nga có vẻ không có nhiều tiền để đưa cho Hy Lạp đâu. Nga không phải thị trường xuất khẩu tiềm năng lớn, cũng không phải lựa chọn kinh tế mới cho Hy Lạp", Thomas Wright tại Viện nghiên cứu Brookings nhận xét.
Dù vậy, nỗi lo hiện tại của họ là bất ổn kinh tế kéo dài có thể khiến Hy Lạp vỡ nợ, kéo theo sự sụt giảm niềm tin vào các nước khác tại châu Âu. Việc này sẽ mở ra cơ hội để Nga chen vào giữa.
Trong khủng hoảng Ukraine trước đó, Moscow đã cố gắng làm suy yếu sự ủng hộ trừng phạt tại EU, do việc này cần cả 28 nước thành viên chấp thuận. Họ đã tận dụng tâm lý ủng hộ Nga của các chính trị gia Hungary và Đông Âu, đồng thời gây áp lực bằng các chính sách năng lượng.
Thủ tướng Đức - bà Angela Merkel năm ngoái đã cảnh báo về việc Nga can thiệp vào cấu trúc trong khu vực. Việc bà lo lắng hậu quả chính trị khi Hy Lạp rời khỏi eurozone đã gây ra bất đồng giữa bà và Bộ trưởng Tài chính Đức - Wolfgang Schäuble.
Quan chức Mỹ cũng thuyết phục EU tiếp tục thực hiện các lênh trừng phạt lên Nga quanh vấn đề Ukraine. "Chúng tôi vẫn tin rằng châu Âu sẽ thống nhất chống lại Nga, như việc họ đang làm hiện tại", John Kirby người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhận xét khi được hỏi về ảnh hưởng của việc Hy Lạp vỡ nợ.
Julianne Smith - cựu quan chức Nhà Trắng cho biết tình hình Hy Lạp sẽ càng khiến Washington lo ngại về tính hiệu quả của EU. Đặc biệt khi Anh đang lên kế hoạch lấy ý kiến người dân về quyền thành viên tại đây. "Washington đang lo lắng về việc cả Hy Lạp và Anh rời eurozone. Chúng đều có tác động tiêu cực trong bối cảnh châu Âu cần thể hiện tính lãnh đạo nhiều hơn nữa", bà cho biết.