Mỹ, Trung Quốc tỏ ra cứng rắn nhưng đều giảm nhẹ thất bại đàm phán
Ngày 14/5, Tổng thống Trump tuyên bố cuộc chiến thương mại với Trung Quốc chỉ là “trò tranh cãi vặt vãnh”, nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không sụp đổ.
Trước đó, hôm 11/5, Trump đã tweet, quan hệ Mỹ-Trung vẫn rất mạnh mẽ. Cùng thời điểm ấy, Trưởng đoàn đàm phán của Bắc Kinh, ông Lưu Hạc tuyên bố trước khi rời Washington, đàm phán thương mại Trung – Mỹ không hề tan vỡ.
Phát ngôn vào ngày 14/5 của Trump cho thấy Tổng thống Mỹ đã dịu giọng sau khi ông có một loạt phát biểu bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
“Chúng ta đang có một chút tranh cãi vặt vãnh với Trung Quốc, bởi vì chúng ta từng bị đối xử rất không công bằng trong nhiều thập niên,” ông Trump tuyên bố trước các phóng viên hôm 14/5, với hàm ý nhắc đến việc Trung Quốc chiếm đoạt sở hữu trí tuệ của Mỹ và tài trợ cho các doanh nghiệp nhà nước.
Tuyên bố mềm mỏng
Ông Trump cũng phủ nhận các cuộc thương thảo với Trung Quốc đã đổ vỡ sau khi Washington hồi tuần trước áp đặt một đợt thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và sau đó Trung Quốc đã trả đũa với mức thuế cao hơn đánh vào hàng Mỹ.
“Chúng tôi đang tiếp tục đối thoại. Chuyện này vẫn tiếp tục,” ông Trump nói. Ông mô tả cuộc đối thoại với Trung Quốc là “rất tốt” và ca ngợi mối quan hệ “tuyệt vời giữa ông với ông Tập Cận Bình”.
Trước đó, ông Trump còn viết trên Twitter rằng Hoa Kỳ sẽ ký thỏa thuận với Trung Quốc vào “thời điểm thích hợp” và rằng điều ấy sẽ xảy ra “nhanh hơn rất nhiều” so với mọi người tưởng.
Hôm 13/5, ông Trump cũng nói chính quyền của ông sẽ hỗ trợ 15 tỷ đô la cho những nông dân có hàng hóa bị Trung Quốc đánh thuế. Ông không cung cấp chi tiết kế hoạch này. Hồi năm ngoái, chính quyền ông cũng tung ra gói cứu trợ nông nghiệp 12 tỷ đô la.
Hiện có những quan ngại rằng tác động của thuế quan sẽ lan rộng trong nền kinh tế Mỹ với việc các doanh nghiệp tăng giá lên một loạt các mặt hàng tiêu dùng. Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm đến 2/3 nền kinh tế Mỹ.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Mitch McConnell hôm 15/4 nói rằng “không ai thắng trong cuộc chiến thương mại”, nhưng ông cũng hy vọng những chiến thuật của ông Trump trong đàm phán với Trung Quốc sẽ giúp Mỹ có vị thế tốt hơn để tiếp tục các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Ông Trump có thể sẽ áp đặt mức thuế 25% lên thêm 300 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc nữa khi ông gặp ông Tập vào tháng tới. Danh sách đó bao gồm một loạt các mặt hàng tiêu dùng, từ điện thoại di động, máy tính cho đến quần áo và giày dép.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tuyên bố là họ sẽ không đầu hàng trước sức ép. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 14/5 nói rằng họ hy vọng Mỹ “không đánh giá thấp quyết tâm và ý chí của Trung Quốc trong việc bảo vệ những lợi ích của mình”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tại cuộc họp báo trong cùng ngày: “Về chi tiết, xin quý vị vui lòng tiếp tục theo dõi”.
Nhưng hành động cứng rắn
“Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng, việc đánh thêm thuế sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Trung Quốc sẽ không bao giờ đầu hàng trước áp lực bên ngoài. Chúng tôi tự tin và có khả năng bảo vệ các quyền hợp pháp của mình,” ông Cảnh Sảng nói thêm, khi phóng viên hỏi về việc Tổng thống Donald Trump tiến hành áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã trở nên gay gắt vào hôm 10/5, khi Mỹ tăng thuế quan đối với 200 tỷ đôla giá trị hàng hóa Trung Quốc, sau khi ông Trump nói rằng Bắc Kinh đã “phá vỡ thỏa thuận”, từ bỏ các cam kết trước đó trong nhiều tháng đàm phán.
Tổng thống Trump cũng ra lệnh cho ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, bắt đầu áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc, một động thái sẽ ảnh hưởng đến khoảng 300 tỷ đôla giá trị hàng hóa.
Hôm 12/5, ông Larry Kudlow, Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng nói rằng, có khả năng ông Trump sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6 tới.
Nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc tuyên bố việc hai bên không đạt được thỏa thuận trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ tại Washington “chỉ là một bước lùi nhỏ” và các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục, dù cho mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ gia tăng.
Phát biểu với các phóng viên trước khi rời Washington để trở về Bắc Kinh cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Lưu Hạc nói ông “lạc quan một cách thận trọng”, nhưng muốn đạt thỏa thuận, chính quyền của Tổng thống Trump phải đồng ý ngưng áp dụng các thuế xuất có tính cách trừng phạt mà người Mỹ đã áp dụng đối với hàng tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc.
Trung Quốc trả đũa
Trung Quốc nói sẽ áp thuế lên lượng hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ đô la, bắt đầu từ 1/6, khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nước càng lớn thêm. Quyết định của Bắc Kinh được đưa ra ba ngày sau khi Hoa Kỳ đánh thuế ở mức tăng hơn gấp đôi đối với các mặt hàng Trung Quốc trị giá 200 tỷ đô la.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump bác bỏ việc người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá cho việc áp thuế cao hơn lên đồ nhập khẩu từ Trung Quốc và cảnh báo Trung Quốc chớ có theo chân Mỹ.
Nhưng Bắc Kinh nói họ sẽ không thể nuốt bất kỳ "trái đắng" nào làm hại tới lợi ích của họ. Biểu thuế mới của Trung Quốc sẽ áp dụng đối với hơn 5.000 sản phẩm Mỹ, với mức từ 5% đến 25%. Quyết định của Bắc Kinh được công bố trong một tuyên bố của Ủy ban Chính sách Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc.
Ông Trump đăng tin trên Twitter ngay trước khi có tin về quyết định của Trung Quốc: “Trung Quốc chớ có trả đũa - sẽ chỉ tồi tệ hơn thôi!” Ông Trump cũng nói Trung Quốc đã “tận dụng lợi thế trước Mỹ trong rất nhiều năm”. Ông cũng nói thêm rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ tránh được tác động của biểu thuế quan bằng việc mua sản phẩm tương tự nhưng từ các nguồn khác.
“Nhiều công ty bị đánh thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các nước khác ở châu Á. Đó là lý do vì sao Trung Quốc cấp thiết muốn đạt được thỏa thuận này!” Ông Trump chống chế.
Sau khi Trung Quốc công bố quyết định đánh thuế, cổ phiếu tại Phố Wall tụt trước phiên giao dịch chính thức, cho thấy những tổn thất to lớn sẽ xảy ra một khi thị trường hoạt động, do phản ứng của các nhà đầu tư đối với vòng đánh thuế ăn miếng trả miếng mới nhất giữa hai bên.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất xe hơi bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, cả Ford và General Motors đều mở cửa với mức sụt 2%. Các thị trường châu Âu cũng cho thấy tình trạng sút giảm, với chỉ số FTSE 100 ở London giảm khoảng 0,5%, còn các chỉ số chính tại Frankfurt và Paris giảm hơn 1%.
Không thoả hiệp về nguyên tắc
Trong những bình luận trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV), Trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc Lưu Hạc cho biết những khác biệt quan điểm còn lại với Mỹ là những vấn đề cốt lõi liên quan đến nguyên tắc. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không nhượng bộ trên các vấn đề nguyên tắc”.
Tuy nhiên, ông Lưu Hạc nói, theo ông thì các cuộc đàm phán đã không tan vỡ. Đài truyền hình Phoenix của Hồng Kông dẫn lời ông Lưu Hạc: “Trái lại, tôi nghĩ đó chỉ là một bước lùi nhỏ trong các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia, đó là điều không thể tránh khỏi”.
Ông Lưu khẳng định: “Ý kiến của phía Trung Quốc là thuế quan Mỹ đánh trên hàng hóa Trung Quốc là điểm khởi đầu của các xích mích về thương mại giữa hai bên và điều này phải được hủy bỏ hoàn toàn một khi đạt được thỏa thuận… Các cuộc đàm phán đã không tan vỡ. Trái lại, đó chỉ là một bước lùi nhỏ trong các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia, đây là điều không thể tránh khỏi”.
Trong khi đó, Tổng thống Trump vẫn tweet sau khi tuyên bố tăng thuế trong hai ngày cuối tuần trước rằng, “Trung Quốc và Mỹ đã có những cuộc đối thoại thân mật và xây dựng về quy chế của các mối bang giao thương mại giữa hai quốc gia. Quan hệ giữa Tập Chủ tịch với cá nhân tôi vẫn mạnh mẽ”.
Như vậy là cả ông Trump lẫn ông Lưu đều khẳng định bang giao Mỹ - Trung vẫn “rất mạnh mẽ” mặc dù hai nước đang ở trong một cuộc chiến thương mại. Ông Trump cho biết các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục ngay cả sau khi thời hạn cho việc thỏa thuận đã kết thúc hôm 9/5.
Ông Trump cho biết, quá trình áp dụng mức thuế 25% đối với số hàng hóa còn lại trị giá hơn 325 tỷ đô la của Trung Quốc sẽ sớm bắt đầu. Thuế quan thu về sẽ được sử dụng để mua hàng nông sản của Mỹ, sau đó sẽ được sử dụng cho “hỗ trợ nhân đạo”. Tổng thống còn tweet rằng, tùy thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán trong tương lai, thuế quan “có thể hoặc sẽ không được dỡ bỏ.
Không chỉ Mỹ, Trung thua thiệt
Các nhà phê bình chỉ ra trên Twitter rằng Trung Quốc sẽ không phải một mình chịu tăng thuế, mà chính là các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và cuối cùng là người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận việc tăng thuế của Mỹ trên trang web của mình: “Hy vọng rằng Hoa Kỳ và phía Trung Quốc sẽ làm việc cùng nhau... để giải quyết các vấn đề hiện có thông qua hợp tác và tham vấn”.
Thương chiến Mỹ - Trung đã đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu trong suốt năm qua và gây ra tình trạng bấp bênh cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Mặc dù ông Trump đã giảm thiểu tác động của thuế quan lên nền kinh tế Hoa Kỳ, việc tăng thuế có thể tác động đến một số công ty và người tiêu dùng Mỹ khi các công ty có thể chịu thêm vài chi phí.
Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á nói: “Đây sẽ là cú sốc lớn với các nền kinh tế. Tất cả các công ty Mỹ đột nhiên đối mặt với việc tăng 25% chi phí và bạn nên nhớ rằng người Trung Quốc sẽ trả đũa”.
Giời chức Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trong nỗ lực đạt được thỏa thuận chấm dứt thương chiến. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói với Cnews rằng, leo thang tranh chấp thương mại đe dọa việc làm khắp châu Âu, đồng thời là mối đe dọa lớn đối với sự tăng trưởng toàn cầu.
Phóng viên kinh tế của BBC Andrew Walker cho biết tác động trực tiếp của cuộc chiến thương mại sẽ là Mỹ và Trung Quốc. Nhưng ông cũng bình luận là cuộc chiến sẽ gây ra hệ lụy cho nhiều bên, và rằng việc giảm nhu cầu nhập khẩu ở Mỹ và Trung Quốc có thể làm tổn thương các nhà cung cấp ở những nơi khác trên thế giới.