Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mang lại điều gì cho Việt Nam?
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tiếp tục rót vốn vào các nhà máy của Việt Nam khi cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 2 và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Điểm đến yêu thích
Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra tuyên bố chính thức áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 10/5 và đang cân nhắc áp thuế 25% lên hơn 300 tỷ USD còn lại nếu hai bên không đi tới được thoả thuận. Các chuyên gia phân tích cho rằng, động thái này của ông chủ Nhà Trắng có thể khiến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vốn đang bế tắc sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Nhiều nhà sản xuất ở Trung Quốc đã cân nhắc đến việc chuyển hướng sản xuất sang Đông Nam Á sau khi hai bên bắt đầu áp dụng thuế quan để trả đũa lẫn nhau. Sự chuyển dịch này của Trung Quốc cũng để đối phó với tác động từ việc Mỹ áp thuế cao hơn đối với hàng hóa do Trung quốc sản xuất vào thị trường nước này.
Trong các nước thuộc khu vực ASEAN, Việt Nam đã trở thành một điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài do những lo ngại về chi phí nhân công gia tăng tại Trung Quốc cùng những mối lo về thuế quan.
“Cuộc chiến thương mại đang khiến làn sóng dịch chuyển sản xuất vốn đã và đang diễn ra ngày càng tăng tốc, cụ thể là sự dịch chuyển các nhà máy ra khỏi một Trung Quốc (đắt đỏ hơn)”, ông Adam McCarty - chuyên gia kinh tế trưởng của Mekong Economics, có trụ sở tại Hà Nội nhận định: “Thật khó để dự đoán sẽ có bao nhiêu nhà máy mới sẽ có mặt tại Việt Nam, nếu không phải vì chiến tranh thương mại”.
Đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là ngành công nghiệp nhẹ, sử dụng nhiều lao động, đã gia tăng đáng kể kể từ năm ngoái. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư nước ngoài mới đăng ký đã tăng 81% và các khoản góp vốn vào các cơ sở, nhà máy mới đã tăng 215%. Năm 2019, xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Mỹ cũng tăng 28,8% so với năm 2018.
Xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục đà gia tăng trong quý 3 và quý 4 của năm nay khi các nhà máy mới thành lập đi vào hoạt động, theo ông Maxfield Brown – chuyên gia cao cấp đến từ Công ty tư vấn Luật Dezan Shira & Associates có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, dự đoán.
“Những công ty còn đang chần chừ trong năm 2018 đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các đối thủ cạnh tranh đã chuyển địa điểm sản xuất để thích ứng lâu dài với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung”, ông Maxfield Brown nói.
Không hẳn là quả ngọt
Tuy nhiên, ông Maxfield Brown cũng cảnh báo, sự gia tăng đầu tư sẽ gây áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn lao động và các nhà cung cấp địa phương của Việt Nam khi phần lớn đều đang dần “đạt ngưỡng” và đầu tư tiếp tục tăng lên tại các trung tâm sản xuất quanh TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Theo chuyên gia Adam McCarty, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia được hưởng lợi. Dù vậy, cũng theo ông Adam McCarty, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu chỉ chủ yếu là đối tác gia công, lắp ráp cho các công ty của Trung Quốc.
Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu tại Dragon Capital Hà Nội, cho biết, trong khi đầu tư sẽ tiếp tục chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, với quy mô dân số - chỉ dưới 100 triệu, tương đương với tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, Việt Nam có thể bị giới hạn trong khả năng hấp thụ dòng chảy đầu tư.
Gác cuộc chiến tranh thương mại sang một bên, Việt Nam vẫn có thể thu hút đầu tư nước ngoài trong các ngành sản xuất điện thoại di động, chất bán dẫn, màn hình phẳng...(Nguồn: EPA) |
“Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành cường quốc sản xuất lớn nhất thế giới. Dù vậy, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác nhau, đặc biệt là Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới”, ông Tuấn dự báo.
Ông Tuấn cho rằng, gác cuộc chiến tranh thương mại sang một bên, Việt Nam vẫn có thể thu hút đầu tư nước ngoài trong các ngành sản xuất điện thoại di động, chất bán dẫn, màn hình phẳng từ các Tập đoàn như Samsung.
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 7% trong năm 2018, mức nhanh nhất trong hơn một thập kỷ, được thúc đẩy phần lớn bởi 19 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài. “Hiện chúng tôi nhận được nhiều đầu tư sản xuất từ Trung Quốc nhưng chủ yếu là những ngành không cần nhiều vốn, vì vậy họ có thể sử dụng nhiều lao động hơn. Dù vậy, trong tương lai gần, họ không tạo ra một sự gia tăng lớn về vốn FDI vào Việt Nam”.