Mỹ - Trung tạm đình chiến thương mại: Việt Nam đừng lơ là, chủ quan
Chưa có nhiều cơ sở để tin tưởng Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa thương mại hoàn toán nên phải nghĩ đến phương án xấu nhất là cuộc chiến thuế quan sẽ tiếp tục leo thang.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng trong điều hành chính sách kinh tế, cần tính đến kịch bản xấu nhất là Mỹ - Trung sẽ không đạt được thỏa thuận đáng kể để tháo ngòi cho cuộc chiến thương mại.
Tác động chưa lớn
Ông Dương nhìn nhận kịch bản tốt nhất đối với Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc có thể bình thường hóa quan hệ thương mại. Bởi với một nền kinh tế quy mô nhỏ nhưng độ mở lớn như Việt Nam, có môi trường thương mại ổn định, ít bị "va đập" với các nền kinh tế lớn là điều kiện lý tưởng để phát triển. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều cơ sở để tin tưởng kịch bản này sẽ xảy ra. Ngược lại, vẫn phải đối mặt với phương án xấu nhất là 2 cường quốc có thể leo thang cuộc chiến thuế quan.
Song, đáng lưu ý là dù cuộc chiến sẽ tiếp tục hay dừng lại thì trong tương lai gần, sức ảnh hưởng đến Việt Nam hầu như không đáng kể. "Các biện pháp trừng phạt mà 2 nước sử dụng với nhau mới chỉ trong vài tháng, vẫn chưa phát huy hết tác dụng với các nền kinh tế thứ ba, trong đó có Việt Nam. Như thế, những dự liệu trước đây về việc các nhà đầu tư có thể chuyển về thị trường Việt Nam, tăng xuất khẩu một số mặt hàng bị cấm vận… vẫn còn nguyên. Nếu cuộc chiến thực sự chấm dứt, rõ ràng chúng ta sẽ có môi trường để yên ổn làm ăn nhưng cũng sẽ mất một vài cơ hội" - ông Dương phân tích.
PGS.,TS. Đỗ Đức Định, chuyên gia từng công tác tại Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cũng cho rằng dù tiếp diễn hay dừng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì cơ bản mức độ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam không quá lớn. "Hai nước căng thẳng thì Việt Nam vẫn chỉ hưởng lợi từ xuất khẩu vài mặt hàng có lợi thế sang một trong 2 thị trường Mỹ, Trung. Song không phải mặt hàng nào Việt Nam có thì hai nước này cũng cần và nhiều mặt hàng họ cần nhưng ta không đáp ứng được, như sản phẩm của ngành chế biến, chế tạo vẫn chưa đủ tầm để vươn xa" - ông Định đánh giá.
Dưới góc độ doanh nghiệp (DN), ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, nhìn nhận DN dệt may trong nước chưa cảm thấy bị ảnh hưởng lớn, chưa có cơ hội nhiều trong việc tăng cường xuất khẩu. "Trước đây, có dự báo khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, đơn hàng dệt may sẽ chuyển về Việt Nam nhiều hơn nhưng đó chỉ là lý thuyết. Thực tế, dù có đơn hàng về nhiều thì DN của ta cũng không ôm được hết do năng lực có hạn. DN mong có những đơn hàng tốt hơn cho thị trường Việt Nam chứ không phải nhiều hơn" - ông Hồng cho biết.
Tranh thủ cơ hội, ứng phó hiệu quả
Trước những biến động khó lường, theo ông Nguyễn Anh Dương, không nên đặt vấn đề Việt Nam được hưởng gì, bị tác động tiêu cực gì bởi mọi ảnh hưởng đều phụ thuộc vào khả năng ứng phó. Do đó, cần bình tĩnh nhìn nhận thấu đáo tác động của cuộc chiến để linh hoạt xử lý. "Nội lực của nền kinh tế và của DN rất quan trọng trong việc ứng phó. Quý III/2018, xuất khẩu Việt Nam tăng tương đối nhanh, đặc biệt nhóm ngành nông - lâm - thủy sản, rau củ quả duy trì đà tăng trưởng tương đối tốt. Điều này cho thấy DN vẫn thích ứng được khá ổn với tình hình trước mắt và tận dụng được cơ hội xuất khẩu. Nhưng cần tư duy chính sách hướng nhiều hơn việc tạo môi trường thông thoáng, ít chi phí hơn, tạo điều kiện cho DN thích ứng tốt hơn, tránh tư duy nhà nước cố gắng làm thay DN, đưa ra nhiều chính sách tưởng là bảo vệ DN nhưng thực chất làm DN khó khăn hơn trong quá trình ứng phó" - ông Dương lưu ý.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Dương, với việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào cuối tháng 12/2018, Việt Nam cần tận dụng hết tác dụng của hiệp định trong thu hút những dòng đầu tư có chất lượng hơn, phù hợp hơn với đất nước nhằm làm giảm tác hại không mong muốn của chiến tranh thương mại.
Đại diện Bộ Công Thương lưu ý các DN bám sát diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để có chiến lược điều chỉnh sản xuất phù hợp, nhất là những DN có giao thương với 2 nền kinh tế lớn này. Đồng thời, bộ cũng lưu ý DN tránh để bị lợi dụng trở thành nước "rửa xuất xứ" cho hàng xuất khẩu của một trong hai nước. Đặc biệt, dù cuộc chiến tạm dừng, DN Việt cũng không nên lơ là, thiếu thận trọng bởi khi hai nước leo thang chiến tranh thương mại trở lại, chúng ta có thể không trở tay kịp.
PGS., TS. Đỗ Đức Định nêu quan điểm dù chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể được tháo "ngòi nổ" nhưng quan hệ sẽ không bao giờ trở lại bình thường tuyệt đối khi đã có rạn nứt, ngờ vực lẫn nhau. Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta xây dựng được môi trường kinh doanh cạnh tranh.