Myanmar: Mối đe dọa hay cơ hội cho Việt Nam?

Theo nhipcaudautu.vn

Mặc dù có nhiều dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục lao dốc sau một chu kỳ hồi phục, Trung Quốc vẫn miệt mài mua dầu dữ trữ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một số doanh nghiệp tên tuổi của Việt Nam đã xây dựng cơ sở hoạt động ở Myanmar, tìm cách chạm đến một thị trường mới đang tăng trưởng. Hoàng Anh Gia Lai gần đây đã hoàn tất giai đoạn đầu dự án khu phức hợp khách sạn, trung tâm mua sắm, văn phòng và căn hộ ở Yangon. FPT đã “đóng đô” ở Myanmar nhiều năm, trong khi hãng hàng không Vietnam Airlines thì có chuyến bay sang Myanmar hầu hết các ngày trong tuần. Gần đây hơn, BIDV là 1 trong 4 ngân hàng được Chính phủ Myanmar cấp phép mở chi nhánh. Viettel thì đang lên kế hoạch đầu tư vào một liên doanh viễn thông 1,5 tỉ USD.

Myanmar là một thị trường lớn nhưng hầu hết chưa được khai thác, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, mang đến những cơ hội kinh doanh lớn mà từ lâu đã không còn tìm thấy ở những thị trường “trưởng thành” hơn trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và Malaysia.

Tháng 11 vừa qua, Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cả nước và đã lên cầm quyền vào ngày 1.4. Mặc dù Mỹ vẫn còn duy trì một số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Myanmar (và vị Đại sứ mới đến Yangon cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ không sớm được tháo dỡ), nhưng tâm lý chung của các nhà đầu tư quốc tế đối với quốc gia này là rất lạc quan.

Có thể thấy đất nước Myanmar đang cần đầu tư lớn, đặc biệt vào cơ sở hạ tầng, điện và các dịch vụ công ích khác. Các tổ chức viện trợ quốc tế lớn đều đã có mặt ở nước này và đã bắt đầu các chương trình phát triển nhằm tiếp sức cho sự phát triển kinh tế của Myanmar, khá giống với thập niên 1990 của Việt Nam.

Một phần vì vẫn còn lệnh trừng phạt và phần khác vì lo ngại sự chỉ trích của cổ đông và khách hàng nên nhiều tập đoàn phương Tây rất thận trọng khi bước chân vào thị trường Myanmar. Những lo ngại về điều tiếng khi làm ăn kinh doanh tại một đất nước có liên quan đến chế độ độc tài quân sự trước đây (chẳng hạn như sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, quyền lao động và chế độ an toàn lao động kém, cơ chế làm ăn dựa vào “các mối quan hệ thân tình”, sản xuất thuốc phiện và khai khoáng bất hợp pháp...) có nghĩa là các doanh nghiệp phương Tây không quá vội vã trong việc quyết định đặt chân vào Myanmar.

Còn đối với các doanh nghiệp châu Á không đặt nặng những lo ngại này thì Myanmar lại mang đến cho họ cơ hội bước chân vào một thị trường còn vắng mặt những người chơi lớn hoặc chỉ “ngọa hổ tàng long”. Cánh cửa cơ hội này được cho rằng sẽ dần hẹp lại trong những năm tới một khi đảng NLD đã lên cầm quyền.

Nhưng liệu Myanmar có thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển đầu tư và giao thương với một nước láng giềng đang nổi lên, hay Myanmar sẽ là một đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút dòng vốn FDI và cuối cùng sẽ trở thành một nền kinh tế mà Việt Nam sẽ phải so kè khốc liệt?

Chắc chắn, Myanmar sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể bắt kịp được trình độ phát triển kinh tế hiện nay của Việt Nam, một thành tựu mà Việt Nam có được sau 30 năm thực hiện những cải cách thành công. Hầu hết các doanh nghiệp nội địa Myanmar vẫn chưa cạnh tranh được với doanh nghiệp Việt Nam, môi trường kinh doanh cũng không thuận lợi bằng, trong khi nguồn cung cấp điện lại chưa ổn định, cơ sở hạ tầng thì yếu kém hơn, trình độ giáo dục nhìn chung cũng như kỹ năng tại Myanmar vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam. Và mặc dù Myanmar gia nhập WTO sớm hơn nhiều so với Việt Nam và là một thành viên của Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) nhưng Myanmar lại “không có phần” trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Như vậy, vấn đề chính đặt ra là liệu nền kinh tế Myanmar có tăng tốc nhanh để bắt kịp với Việt Nam và liệu các doanh nghiệp Myanmar có “nâng cấp” mình đủ nhanh để cạnh tranh được với doanh nghiệp Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng nhanh mà Myanmar có được kể từ năm 2011, ít nhất là trong một số lĩnh vực của nền kinh tế như viễn thông, cho thấy nước này hoàn toàn có thể đạt được những bước tiến dài chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.

Nhưng thực tế là hiếm khi nền kinh tế của một nước lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong một thời gian dài. Như đã thấy qua trường hợp của Việt Nam, việc đạt được những bước tiến kinh tế dài dần dần sẽ khó khăn hơn qua thời gian, khi đất nước gặt hái một số thành công ban đầu từ các cải cách kinh tế, nhưng những cải cách khác với mức độ khó hơn sẽ khó đạt được hơn, nghĩa là tốc độ tăng trưởng càng về sau sẽ càng chậm lại.

Mặc dù dân số của Myanmar chỉ xấp xỉ 2/3 Việt Nam, nhưng nước này được cho là có nguồn lực lớn hơn Việt Nam. Với việc đầu tư hợp lý, đúng đắn vào ngành nông nghiệp, Myanmar có thể trở thành một nhà sản xuất và xuất khẩu lớn các loại nông sản (trước Chiến tranh thế giới thứ hai, nước này là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới). Một số nhà quan sát cho rằng Myanmar có khả năng trở thành nhà sản xuất lớn hàng may mặc và giày dép, giống như Việt Nam mặc dù còn thiếu một ngành dệt trong nước có thể cung cấp nguyên liệu đầu vào cho may mặc. Và cũng giống như Việt Nam, Myanmar có một lượng lớn người dân sống và làm việc ở nước ngoài và chuyển tiền về nước cho người thân.

Tuy nhiên, một nhân tố lớn làm che mờ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Myanmar chính là nhiều thập niên thiếu đầu tư vào giáo dục bậc trung học, đại học và sau đại học. Kết quả là tay nghề của lực lượng lao động còn thấp, cần phải được cải thiện. Và điều đó phải mất thời gian mới đạt được. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi một số tổ chức viện trợ tại Myanmar đang tập trung sự chú ý vào các dự án giáo dục trong nước và Chính phủ do đảng NLD đứng đầu đã cam kết tăng chi tiêu vào giáo dục (lĩnh vực y tế cũng gặp vấn đề tương tự khi chưa được quan tâm đúng mức).

Vậy liệu Myanmar là mối đe dọa hay cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam? Ngay lúc này, Myanmar là cơ hội nhiều hơn là mối đe dọa. Nhưng điều đó có thể thay đổi trong 5-10 năm tới, đặc biệt nếu các tập đoàn phương Tây cho rằng đã đến lúc tiến sâu vào thị trường Myanmar dưới sự điều hành của chính phủ mới - một chính phủ mà họ cảm thấy “dễ chịu”. Và thậm chí họ sẽ càng nhiệt tình hơn nếu Myanmar có thể thực hiện được những cải cách lớn giúp giải phóng nguồn lực của nền kinh tế.

Giờ là lúc các doanh nghiệp Việt Nam với đầy đủ nguồn lực có thể khai phá các thị trường nước ngoài để đẩy mạnh giao thương và đầu tư, bắt đầu tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh ở nền kinh tế đang lên của Myanmar. Những rủi ro vẫn đang hiện hữu, nhưng cơ hội cũng thế. Và cơ hội đó có lẽ sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu biết nắm bắt, cơ hội kinh doanh của ngày hôm nay có thể dễ dàng trở thành lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong tương lai.