Năm 2013, Vinacomin lãi trên 3 nghìn tỷ đồng

Thái Hằng

(Tài chính) "Năm 2014, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sẽ phấn đấu nộp vào ngân sách trên 10,5 tỷ đồng”, Tổng Giám đốc Vinacomin, Lê Minh Chuẩn cam kết tại Hội nghị Tổng kết năm 2013 – Triển khai nhiệm vụ 2014, diễn ra sáng nay (14/1), tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: T.H).
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: T.H).

Nộp ngân sách hơn 12 nghìn tỷ đồng

Ông Lê Minh Chuẩn cho biết, để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm 2013, Tập đoàn đã chung sức vượt qua khó khăn để thực hiện các chỉ tiêu đặt ra ban đầu là 43 triệu tấn, sau điều chỉnh xuống 39 triệu tấn. Theo đó, doanh thu năm 2013 đạt 104% kế hoạch năm và bằng 106% so với năm 2012. Lợi nhuận đạt trên 3 nghìn tỷ đồng (đạt 120% kế hoạch), nộp ngân sách trên 12 nghìn tỷ đồng.

Giá trị đầu tư ước tính thực hiện cả năm là 20 nghìn tỷ đồng, bằng 100% so với năm 2012. Trong đó, nhiều dự án quan trọng đi vào hoạt động Mỏ than hầm lò Khe chàm III, công suất 2,5 triệu tấn/năm tham gia sản lượng từ cuối năm 2013; Nhiệt điện Mạo Khê 440 MW đi vào hoạt động trước hạn 3,5 tháng. Đặc biệt, trong năm Tập đoàn còn có thêm sản phẩm mới là Alumin trên 200 nghìn tấn (tương đương giá trị 0,8 triệu tấn than).

Cùng với đó, triển khai mạnh mẽ việc tái cơ cấu theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 314, đến nay Tập đoàn đã hoàn thiện công tác tổ chức sản xuất, thực hiện lộ trình đề án tái cơ cấu, đảm bảo tiến độ và hiệu quả, giảm cấp trung gian (Cơ quan Tập đoàn giảm còn 23/28 ban, các phòng đơn vị 1 cấp giảm còn 17-18/24-25 phòng, bỏ cấp xí nghiệp đối với một số công ty 2 cấp), tập trung cho khâu sản xuất chính, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.

Được biết, trong năm 2013, Tập đoàn đã chuyển đổi xong 6 công ty TNHH MTV sản xuất than (gồm Công ty than Mạo Khê, Công ty than Nam Mẫu, Công ty than Dương Huy, Công ty than Thống Nhất, Công ty than Khe Chàm) thành chi nhánh thuộc Công ty mẹ. Các đơn vị này hiện đã đi hoạt động ổn định theo mô hình mới kể từ ngày 1/8/2013. Các Công ty than Hòn Gai, Công ty than Hạ Long, Công ty than Uông bí theo kế hoạch sẽ thực hiện chuyển đổi ngay trong Quý I/2014.

“Hiện Tập đoàn đã và đang triển khai các thủ tục cổ phần hóa 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Vật tư, vận tải và xếp dỡ - Vinacomin, Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên và Công ty TNHH MTV Phát triển công nghệ và thiết bị mỏ”, ông Chuẩn thông tin thêm.

Mục tiêu năm 2014, tiêu thụ 35 triệu tấn

Với chủ trương tiếp tục duy trì sản xuất ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2014, Vinacomin đã đặt các chỉ tiêu sản lượng chính khiêm tốn gồm: Sản lượng tiêu thụ 35 triệu tấn than, phát điện thương mại 8,5 tỷ kWh. Tổng doanh thu toàn Tập  đoàn đạt 105.520 tỷ đồng, nộp ngân sách 10.500 tỷ đồng và tập trung nâng cao mức sống người lao động (7,9 triệu đồng/người – tháng, trong đó sản xuất than 8,2 triệu đồng/người – tháng), riêng tiền lương công nhân hầm lò tăng 5% so với năm 2013. Bên cạnh đó, tập trung công nghiệp cơ khí đáp ứng chế tạo, sửa chữa thiết bị phục vụ sản xuất than, khoáng sản.

Để đạt được những kết quả nêu trên, ông Lê Minh Chuẩn cho hay, trong năm 2014, Tập đoàn sẽ bám sát diễn biến thị trường, tập trung điều hành sản xuất theo khả năng hấp thụ của thị trường, chuẩn bị sẵn sàng cho việc tăng sản lượng khi thị trường thuận lợi, nhu cầu trong nước tăng, giữ tồn kho ở mức hợp lý.

Bên cạnh đó, tập trung cao chất lượng than, linh hoạt cơ cấu sản phẩm để đáp ứng các loại than cám 3c, 4, 5a cho nhu cầu nội địa tăng cao và phục vụ sản xuất. Điều hành phẩm cấp than của các đơn vị đảm bảo tốt hơn năm 2013…Tập trung ổn định chất lượng Alumin của Tổ hợp Bauxite Nhôm Lâm Đồng với sản lượng tối thiểu 540 ngàn tấn. Đồng thời, vận hành ổn định phát huy công suất các nhà máy điện Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả 1, Mạo Khê và đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành thương mại nhà máy điện Nông Sơn.

Ngoài ra, Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện các cơ chế quản lý trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trọng tâm là cơ chế khoán quản chi phí, điều hành kế hoạch phối hợp kinh doanh; Rà soát và tiếp tục thực hiện các biện pháp để tiết giảm chi phí dịch vụ, tăng tính cạnh tranh; đảm bảo giá thành các sản phẩm dịch vụ giảm 5-10% so với năm 2013; Đa dạng hóa phương thức huy động vốn cho đầu tư vào sản xuất kinh doanh thông qua các giải pháp vay, phát hành trái phiếu, thuê mua, thuê gia công, thuê hoạt động…để tận dụng nguồn vốn trong xã hội mà Tập đoàn vẫn đảm bảo chủ động quản lý một cách thống nhất và hiệu quả.