Năm 2017: Cổ phiếu ngân hàng sẽ “cất cánh”?
Những ngày cuối năm, hàng loạt ngân hàng lớn lên kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán trong năm sau. Tuy vậy, nhiều ý kiến lo ngại rằng việc niêm yết chỉ là cách để các ngân hàng đối phó với “hạn chót” theo Thông tư số 180/2015/TT-BTC, còn để các cổ phiếu này có “cất cánh” được hay không vẫn còn là dấu hỏi.
Thực tế, câu chuyện ngân hàng “lên sàn” đã được lên kế hoạch từ nhiều năm nay, nhưng tính đến thời điểm này, số lượng ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán chỉ đếm trên đầu ngón tay, gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, Sacombank, Eximbank và SHB, VCB.
Không thể chậm trễ
Theo Thông tư số 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, các công ty đại chúng có cổ phần chưa được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM.
Trong khi các chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng việc lên sàn là cần thiết và sẽ có lợi cho ba bên. Chẳng hạn, khi niêm yết, cổ phiếu của ngân hàng sẽ được minh bạch hoá, có giá của thị trường, giúp cho các nhà đầu tư tiếp cận được thông tin để có cơ sở cho những quyết định đầu tư của mình.
Đối với ngân hàng, niêm yết trên sàn sẽ là kênh huy động vốn hiệu quả nhất, nhanh nhất thời điểm này, đặc biệt khi áp dụng các chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II.
Với thị trường, cổ phiếu lên sàn sẽ giúp gia tăng thanh khoản và nâng cao tỷ lệ vốn hóa cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương quan so sánh với các thị trường khu vực.
Rõ ràng, việc ngân hàng lên sàn là hợp lý, cần thiết, không nên chậm trễ nữa. Nhưng, câu hỏi đặt ra là tại sao đến nay mới chỉ có 9 ngân hàng niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán.
Theo phân tích của các chuyên gia, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý “ngại” lên sàn. Thứ nhất, ngân hàng phải tính toán thời điểm để cổ phiếu của họ có giá bán cao. Nếu cổ phiếu chỉ ở giá trị thấp dưới 10.000 đồng/cp thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu.
Thực tế, hiện nay, ngoại trừ cổ phiếu VCB của Viecombank có giá hơn 36.000 đồng/cp, tương ứng với chỉ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu đạt xấp xỉ gần 19x thì hầu hết các mã cổ phiếu ngân hàng khác như CTG, MBB, SHB, BID, Sacombank, ACB, NCB, Eximbank đều có giá chỉ từ 1 chấm đến thấp hơn mệnh giá.
Thậm chí, nhiều cổ phiếu của hai “ông lớn” VPBank, Techcombank cũng đang rớt giá thê thảm, dao dộng trên thị trường OTC trong mấy ngày qua trong biên độ 16.000 – 20.000 đồng/cp.
Thứ hai, một số ngân hàng trước nay không muốn minh bạch tình hình tài chính của mình. Khi lên sàn, đương nhiên báo cáo tài chính phải chuẩn mực, phải có kiểm toán độc lập,…những ẩn số về nợ xấu, trích lập dự phòng, lợi nhuận… cũng sẽ phải trình ra – điều mà các ngân hàng rất không muốn.
Theo Nghị định 145/2016/NĐ-CP, nếu doanh nghiệp niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng hạn sẽ bị xử phạt từ 10 đến 400 triệu đồng. Đây có thể xem là “sức ép” buộc các ngân hàng đẩy nhanh quá trình niêm yết.
Cổ phiếu ngân hàng kém hấp dẫn
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng nhiều ngân hàng sẽ không đủ thời gian chuẩn bị về hạch toán theo chuẩn mực hạch toán của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi vậy, việc “lên sàn” chỉ là cách đối phó với quy định.
Trên thực tế, kể cả khi các ngân hàng đã đăng ký giao dịch trên UPCoM thì việc hoàn tất các thủ tục để niêm yết không hề dễ dàng, bởi phải đáp ứng được tiêu chuẩn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, mọi giao dịch đều được thể hiện rõ ràng, vì thế tính minh bạch, công khai cũng cao hơn.
Tại cuộc hội thảo đánh giá về tình hình nợ xấu của ngành ngân hàng vừa qua, các chuyên gia dự báo nợ xấu vẫn tiếp tục gây áp lực lớn trong 2017. Vì thế, sẽ khá khó khăn cho các cổ phiếu ngân hàng tăng điểm mạnh mẽ và trở về thời kỳ hưng thịnh như cách đây vài năm, nếu không có những sự ủng hộ về chính sách.
Đồng thời, cổ phiếu ngân hàng vẫn được đánh giá là khó hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại.
Đặc biệt, quy định về tỷ lệ sở hữu cho khối ngoại đang bị giới hạn 30% khiến không ít nhà đầu tư ngoại phải dừng bước.
Bên cạnh đó, lợi nhuận gia tăng nhưng số ngân hàng lại không chi trả cổ tức bằng tiền mặt và chỉ giải thích là để tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các chiến lược kinh doanh, việc nâng cao năng lực vốn, nhưng dưới góc độ các nhà đầu tư, đây là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu của ngành này mất đi sự hấp dẫn.
Lo ngại của các nhà quản lý ngân hàng trước câu chuyện lên sàn và sự mong chờ của cổ đông về lợi nhuận, cổ tức, thông tin minh bạch… hiện như kiểu “con gà và quả trứng”.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, xét về lâu dài, việc đưa cổ phiếu lên sàn sẽ góp phần nâng cao hình ảnh thương hiệu của ngân hàng, tăng uy tín đối với nhà đầu tư. Hơn nữa, việc lên sàn còn là sự bắt buộc. Vì vậy, các ngân hàng không thể chậm trễ hơn nữa.
“Một khi đã lên sàn, các thông tin phải được báo cáo theo chuẩn mực bắt buộc, đặc biệt là báo cáo tài chính. Khi đó, nhà đầu tư sẽ hiểu rõ hơn về tình hình sức khỏe của ngân hàng và dù giá thấp vẫn có nhiều người muốn sở hữu cổ phiếu của ngân hàng, hơn là tình trạng thiếu thông tin chính xác như hiện nay”, ông Hiếu phân tích.