Năm 2017: Xuất khẩu dệt may còn khó khăn
Nhiều chuyên gia nhận định, trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, dệt may là ngành tiềm năng, có khả năng chiếm lĩnh ở phân khúc cao hơn, tạo ra giá trị gia tăng cao, chứ không phải là tạo việc làm đơn thuần. Tuy nhiên, xuất khẩu dệt may đang được dự báo sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn nhất trong gần 10 năm trở lại đây. Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường trao đổi về vấn đề này.
Dệt may Việt Nam ở top giữa
Phóng Viên: Thưa ông, đâu là những nguyên nhân cơ bản khiến cho xuất khẩu dệt may tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua?
Ông Lê Tiến Trường: Mặc dù chỉ tăng trưởng 5,2% so với năm trước nhưng trong tình hình khó khăn chung, Việt Nam vẫn tăng trưởng cao nhất trong 6 nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới. Năm nay, Mỹ tiêu dùng hàng dệt may giảm hơn 4,8%, Nhật Bản giảm 1,7%, Hàn Quốc cũng giảm hơn 4%, duy chỉ có châu Âu tăng 5%.
Đây là những thị trường nhập khẩu chính hàng dệt may của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tăng xuất khẩu vào Mỹ đạt 4,2%, châu Âu 5,4%, Nhật Bản 4,5% và Hàn Quốc 4,2%. Như vậy là đều đạt mức tăng trưởng dương vào các thị trường lớn, vượt xa mức tăng nhập khẩu của họ. Các nước xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia đều giảm, chỉ có Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ tăng nhưng rất thấp.
Có thể nói, năm 2016, cầu thấp về số lượng, giá suy giảm, hàng quần áo giảm trên 5%, hàng thời trang giảm 10%. Vì vậy, đạt được mức tăng hơn 5% là cố gắng lớn của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Năng lực cạnh tranh của dệt may Việt Nam vẫn được thế giới đánh giá cao nên mới có tăng trưởng.
Đại diện một doanh nghiệp phát biểu rằng,“doanh nghiệp dệt may Việt Nam làm những gì khó không ai muốn làm, rẻ không ai muốn nhận”. Theo ông, đây có phải là lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không?
Lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam không phải đến từ từng doanh nghiệp. Các chủ hàng lớn, các đối tác từ các quốc gia nhập khẩu lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đánh giá toàn diện cả ngành, vì họ không đặt hàng ở một - hai đơn vị, mà trong trong một chuỗi nhiều đơn vị khác nhau.
Vì thế họ quan tâm đến năng lực đáp ứng của cả ngành, hạ tầng, chính sách. Phải nói rằng, những cải thiện của doanh nghiệp trong những năm vừa qua là rất lớn, cả về năng suất, đầu tư mới thiết bị, công nghệ, hoàn thiện cao hơn nguồn nguyên liệu trong nước, cả đầu tư của các doanh nghiệp FDI, trước đây là đón đầu TPP, giờ là củng cố tính hoàn thiện của chuỗi cung ứng trong nước. Trong khuôn khổ sản xuất dệt may trong nước vẫn còn những điểm yếu, nếu khắc phục được chúng ta có thể khai thác được các thị trường xuất khẩu tốt hơn dù cầu thế giới có giảm.
Với xu thế, quyết tâm kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đã nhìn thấy nhiều nỗ lực cải thiện chính sách trong quý IV/2016. Với những cải thiện này, doanh nghiệp gia tăng được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Ví dụ, Bộ Công thương đã bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm định hàng hóa, làm cho quá trình giải tỏa hàng hóa nhanh hơn, thời gian giao hàng tốt hơn, cải thiện 15 quy trình ở Bộ Công thương…
Như ông nhận định, năng lực của các doanh nghiệp dệt may đã có nhiều cải thiện và tốt hơn so với năm trước. Vậy chúng ta đang ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?
Trên thế giới, nhà sản xuất dệt may xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc, với quy mô, năng lực sản xuất đáp ứng 50% nhu cầu của thế giới. Đây là quốc gia sở hữu hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may, bao gồm cả cung ứng máy móc. Họ là nền kinh tế lớn, có công nghiệp nặng, hóa chất hỗ trợ dệt may, đa dạng đất đai để phát triển nguyên liệu, thị trường nội địa quy mô 260 tỷ USD. Họ có lợi thế để đáp ứng tất cả các khâu. Chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam rất nhỏ bé so với Trung Quốc. Nước xuất khẩu lớn thứ hai là Ấn Độ. Họ đông dân, có cơ khí, hóa chất, vùng trồng bông, có thị trường nội địa lớn gấp 2 luần xuất khẩu. Điều này giúp họ dễ dàng đạt đến đẳng cấp toàn cầu về chuỗi cung ứng.
So với Bangladhesh thì Việt Nam nhỉnh hơn về chuỗi cung ứng, Indonesia thì chúng ta hơn về sợi bông, họ là sợi nhân tạo, Thổ Nhĩ Kỳ hơn về sản xuất vải, sợi, chúng ta hơn về may. Trong 6 nước xuất khẩu dệt may lớn của thế giới, Việt Nam ở top giữa. Về mặt tự nhiên, quy mô kinh tế, chúng ta khó đạt đẳng cấp như Trung Quốc, Ấn Độ.
Hợp tác hội nhập là xu thế phát triển chính
Ông dự báo như thế nào về triển vọng xuất khẩu dệt may trong năm 2017?
Năm 2017 theo các đánh giá chung của các tổ chức dự báo, kinh tế thế giới sẽ sáng hơn 2016. Nhưng chúng tôi đánh giá tình hình chưa có gì khả quan hơn. Trong 6 tháng đầu năm, có tín hiệu tốt hơn từ quý III, IV/2016, vì thế, chúng tôi đặt mục tiêu tăng 7-8%, đạt kim ngạch 30 tỷ USD, tức là mỗi năm tăng thêm một tháng xuất khẩu: 2,5-3 tỷ USD, đây là mục tiêu rất thách thức.
Các quốc gia cạnh tranh với chúng ta đang nỗ lực bảo vệ thị phần, điển hình là phá giá đồng tiền. Ở Trung Quốc bây giờ 6,8 nhân dân tệ đổi được 1 USD, họ phá giá 11% trong hai năm 2015-2016; Ấn Độ, Indonesia phá giá trên 12%, Malaysia 20%, giúp cho hàng xuất khẩu của họ rẻ đi so với hàng của Việt Nam.
Như vậy, năm 2017, dù cầu thế giới có cải thiện hơn so với năm 2016, nhưng tiền Việt Nam chỉ giảm 3-4%, thì hàng của các nước đã rẻ hơn 6-7%. Cho nên doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực cao hơn, cải thiện từ chi phí, giá thành đến năng suất để bảo vệ thị phần.
Vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây, đó là tương lai của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động của nó tới hoạt động xuất khẩu của dệt may Việt Nam. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Từ trước đến nay, dệt may vẫn đạt tốc độ tăng tương đối tốt, chiếm giữ vị trí thứ 2 ở Mỹ và Nhật Bản. Đây là 2 thị trường chính trong TPP. TPP chỉ là điều kiện thuận lợi hơn, giúp tăng cao hơn, không có TPP không phải là đi vào suy giảm. Tất nhiên, không có nâng đỡ về giảm thuế, các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt hơn.
Chúng tôi đánh giá, giờ này nói là có TPP, không có TPP, hay có một nội hàm hình thù hiệp định thương mại tự do khác thì còn quá sớm. Với Nhật Bản, chúng ta có FTA song phương với quy tắc xuất xứ từ vải. FTA Việt Nam - EU cũng từ vải. Đây là cơ hội để phát triển. Hợp tác hội nhập vẫn là xu thế phát triển chính.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành dệt may trong năm 2016 và 2017 có bị ảnh hưởng bởi TPP không, thưa ông?
Doanh nghiệp FDI họ đón xuất xứ từ sợi (TPP), chuẩn bị cho sản xuất vải tại Việt Nam. Khi chưa có TPP, sẽ có sự tạm dừng, tạm hoãn các dự án để chờ xu hướng rõ ràng hơn trong hợp tác với các quốc gia thuộc TPP. Tất nhiên các doanh nghiệp FDI đầu tư sẽ tạo thêm cung ứng nguyên phụ liệu, tạo việc làm. Nhưng xét riêng giá trị gia tăng của Việt Nam trong đó thì không nhiều. Giai đoạn 2017-2018 đầu tư của FDI sẽ chậm hơn 2013-2014.
Xin cảm ơn ông!