Năm 2018, đầu tư vào vàng, USD, bất động sản hay chứng khoán?
Dựa theo xu thế của thị trường, nhà đầu tư cần tỉnh táo để quyết định đầu tư vào vàng, USD, bất động sản hay chứng khoán trong năm nay.
Kinh tế đã có một năm tăng trưởng ổn định với nhiều con số đáng mừng, từ chứng khoán, bất động sản cho đến thu hút đầu tư nước ngoài. Theo xu hướng này, giới đầu tư đã lên nhiều kịch bản đầu tư cho năm 2018.
Vàng, USD: Không còn nhiều cơ hội
2017 có thể xem là năm khá yên ắng cho thị trường vàng và ngoại tệ khi mọi con mắt của giới đầu tư lướt sóng dường như tập trung vào đồng tiền ảo Bitcoin. Kết quả là trong khi giá Bitcoin liên tục phá đỉnh để đạt tới hơn 15.000 USD, thậm chí có thời điểm tiệm cận 20.000 USD thì ngược lại, vàng chỉ dao động xung quanh cột mốc gần 1.300 USD/ounce, còn tỷ giá VND/USD gần như đi ngang suốt cả năm. Liệu xu thế này sẽ lặp lại trong năm 2018?
Khác với các năm trước, lãi suất thị trường thời điểm cuối năm vẫn không có dấu hiệu tăng nhiệt khi bước vào mùa kinh doanh chủ chốt của các ngân hàng. Điển hình như theo báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI cho tuần 18 - 20/12, lãi suất qua đêm ổn định ở dưới ngưỡng 1%, ngang với mức lãi suất thấp nhất trong năm và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn phát hành tín phiếu để cân bằng lại lượng tín phiếu đáo hạn. Cơ quan này chỉ bơm ròng 61 tỷ đồng, cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đang ở mức dư thừa nhờ nguồn cung ngoại tệ tăng mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài và kết quả xuất siêu của nền kinh tế.
Những ngày cuối cùng của năm 2017, dự trữ ngoại hối đã lập kỷ lục mới 51,5 tỷ USD, tăng mạnh so với con số xấp xỉ 48 tỷ USD được Thống đốc Lê Minh Hưng cập nhật một tuần trước đó. Quy mô dự trữ ngoại hối tăng đã tạo lớp đệm vững chắc hơn cho nền kinh tế.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, sang năm 2018, áp lực lên tỷ giá sẽ không quá lớn. Cùng với đó, việc đẩy mạnh cải cách ngân hàng, cán cân thương mại dự báo tiếp tục thặng dư, lạm phát tăng trên dưới 4% sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam gia tăng dự trữ ngoại hối trong thời gian tới.
Thêm vào đó, nhiều khả năng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, đồng thời tăng tính hấp dẫn đối với các khoản thoái vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. “Ngược lại, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tận dụng môi trường lãi suất thấp, tích cực kinh doanh và các ngân hàng sẽ tranh thủ phát hành tăng vốn, làm sạch bảng cân đối kế toán trước khi bước vào chiến lược kinh doanh bền vững hơn và chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng tiêu chuẩn Basel II vào đầu năm 2019”, Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá.
Theo Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục duy trì ở mức hơn 6,5 - 6,8% trong năm 2018 nhờ khu vực tư nhân khởi sắc mạnh và là động lực quan trọng. Tình huống lạc quan là nếu các chính sách từ phía cung phát huy hiệu quả tích cực thì tăng trưởng kinh tế 2018 có thể đạt mức 6,8%. Trạng thái ổn định kinh tế vĩ mô sẽ được hỗ trợ nhờ yếu tố giá hàng hóa thế giới ít biến động, tỷ giá ổn định và lạm phát có thể tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 5%.
Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng năm 2018, tỷ giá sẽ không giảm vượt quá 3%. Đó là nhờ nguồn cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào, đặc biệt từ các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và gián tiếp khi tham gia vào các thương vụ thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Nhờ tỷ giá và lãi suất ổn định, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục ổn định trong nửa đầu năm 2018.
Trong năm 2018, dự kiến sẽ có tới 181 doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa hay thoái vốn, trong đó có nhiều thương hiệu hàng đầu như VEAM, PV Power, Lọc hóa dầu Dung Quất, Vicem, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam...
Bên cạnh bệ đỡ từ trụ cột FDI, động lực cho kinh tế trong năm 2018 sẽ là việc cho ra đời các đặc khu kinh tế tại 3 địa phương gồm có Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Sự ra đời của các đặc khu kinh tế với nhiều chính sách ưu đãi “hết mức” được kỳ vọng sẽ tiếp tục kích thích dòng vốn đầu tư, mang lại sự ổn định cho kinh tế vĩ mô và duy trì đà tăng trưởng khả quan cho nền kinh tế.
Theo kết quả khảo sát của Reuters vừa được công bố, giá vàng năm 2018 có thể sẽ cao hơn khoảng 3% so với năm 2017 do tác động trái chiều giữa kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và khủng hoảng địa chính trị. Tuy nhiên, trong nước, vàng đã không còn là kênh đầu tư hấp dẫn đối với giới đầu tư và người dân. Vào những thời điểm thị trường vàng thế giới biến động mạnh thì thị trường vàng trong nước tương đối ổn định. Sức hấp dẫn của vàng miếng suy giảm, doanh số mua, bán vàng đã giảm nhiều so với những năm trước.
Bước sang năm mới, dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách kiểm soát hơn nữa thị trường vàng, nhất là các hoạt động đầu cơ. Theo dự thảo sửa đổi Nghị định số 24/2012, Ngân hàng Nhà nước dự kiến bổ sung thêm quy định kinh doanh vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bao gồm có cả các hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng tài khoản.
Việc tiếp tục siết chặt lại có thể giúp làm giảm nguy cơ rủi ro cho hệ thống tài chính, nhưng ngược lại một số nhà đầu tư thích kênh vàng chắc chắn sẽ phải tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác. Hệ quả là có thể một số thị trường như bất động sản, chứng khoán, thậm chí là tiền ảo Bitcoin sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư.
Chứng khoán khó lặp lại
Năm 2017 đã chính thức khép lại với những khởi sắc vượt ngoài mong đợi dành cho thị trường chứng khoán Việt Nam, cho thấy thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.
Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VN-Index đạt mức cao nhất 10 năm trở lại đây, tăng 43% so với cuối năm 2016; tổng giá trị giao dịch bình quân trên thị trường là gần 5.000 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so với cùng kỳ. Đặc biệt, từ trạng thái bán ròng năm ngoái, nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục mua ròng xấp xỉ 1,2 tỷ USD và gia tăng giá trị danh mục lên 31,4 tỷ USD, tức gần gấp đôi so với năm ngoái. Riêng số lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán tăng 30%, còn vốn hóa thị trường xấp xỉ 148 tỷ USD, tăng 73% và chiếm khoảng 74,6% GDP cả nước...
Trong bối cảnh đó, hàng loạt cổ phiếu đã tăng mạnh mẽ. Tính chung, đến giữa tháng 12/2017, hơn 40% cổ phiếu niêm yết có giá tăng cao hơn đà tăng của VN-Index và HNX-Index. Với diễn biến này, hầu hết các quỹ đầu tư đều đã thắng lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo báo cáo của Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) thuộc Dragon Capital, tính đến 14/12/2017, giá trị tài sản ròng (NAV)/chứng chỉ quỹ của VEIL đạt 6,75 USD/chứng chỉ quỹ, tăng khoảng 53% so với đầu năm. Đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Riêng đối với các quỹ đầu tư trong nước, ước tính, 7/13 quỹ nội có mức tăng trưởng trên 30%.
Trong danh sách cổ phiếu nóng sốt năm 2017 ghi nhận sự góp mặt của VNM, VIC, MBB, ACB, FPT, MWG, GAS, KDH, ACV, PNJ, HPG, QNS, CTD, HBC, DHG, SAB… Đặc biệt, cổ phiếu VNM của Vinamilk, SAB của Sabeco đã trở thành tâm điểm của thị trường khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn cho các nhà đầu tư ngoại.
Riêng Vingroup chứng kiến đà tăng giá cổ phiếu VIC trên 80% trong năm 2017 và được nhiều quỹ đầu tư như VFMVN30, VFMVF1, BVFED, VCBF-BCF... săn đón. Sở dĩ VIC được quan tâm vì năm 2017 là thời điểm các dự án bất động sản của VIC ghi nhận doanh thu. Năm 2017 còn ghi dấu tập đoàn này khởi công tổ hợp sản xuất ô tô và tiến hành IPO, niêm yết công ty con là Vincom Retail.
Cho đến thời điểm này, đa số các báo cáo phân tích đều cho rằng, động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018 sẽ có những nét tương đồng như năm 2017. Về vĩ mô, các dự báo từ World Bank, HSBC, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều cho rằng kinh tế thế giới tiếp tục có diễn biến tích cực trong năm 2018. Trong nước, kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đi đúng hướng và tăng trưởng ổn định, với lãi suất, lạm phát trong tầm kiểm soát và dự trữ ngoại hối, giải ngân vốn FDI dự báo tiếp tục tăng cao trong năm 2018. Ngoài ra, theo Công ty Chứng khoán Dầu Khí (PSI), Việt Nam còn có thể hưởng lợi nhờ sự phục hồi tích cực của các nền kinh tế khu vực châu Âu, Nhật và Trung Quốc.
Nhưng quan trọng hơn, như SSI nhận định, sự thay đổi về tư duy phát triển, trong đó chú trọng đến thành phần tư nhân sẽ hứa hẹn tạo ra thay đổi tích cực, mang lại hy vọng lớn cho tăng trưởng kinh tế năm 2018 và các năm sau. Đối với thị trường chứng khoán, PSI cho rằng, sự ra đời của thị trường phái sinh cũng như hàng loạt doanh nghiệp lớn “đổ bộ” lên sàn đã và sẽ giúp chứng khoán Việt Nam thêm sôi động. Đặc biệt, cùng với hoạt động IPO/thoái vốn nhà nước tiếp tục diễn ra, PSI tin tưởng, xu hướng mua ròng của khối ngoại sẽ chưa dừng lại.
Theo kế hoạch, năm 2018, nhiều ngân hàng như HDBank, TPBank, Techcombank... sẽ lên sàn. Ngoài ra, Nhà nước sẽ tiếp tục thoái vốn ở 181 doanh nghiệp. Trong đó có những tên tuổi nổi bật như ACV, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PXL), Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT), Tổng Công ty Nhựa Việt Nam, Tổng Công ty Dược Việt Nam...
Đáng chú ý, các công ty nhà nước như PV Oil, PV Power, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Mobifone, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam... sẽ dự kiến IPO trong năm 2018. VDSC kỳ vọng, với kinh nghiệm thoái vốn thành công ở VNM, SAB, Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn thành công ở các công ty lớn nói trên.
Về dòng tiền, một khi thị trường chứng khoán có thêm nhiều hàng hóa chất lượng, với tỷ lệ tự do chuyển nhượng gia tăng sẽ kích thích thanh khoản và tăng tính hấp dẫn đối với cổ phiếu. Nếu chứng khoán Việt Nam lọt được vào danh sách xem xét nâng hạng của MSCI thì đây sẽ là một cú hích rất tốt cho dòng vốn nước ngoài. Dòng tiền nước ngoài dự kiến sẽ đi theo cách thức của năm cũ. Đó là tập trung vào các cổ phiếu IPO hoặc niêm yết mới.
Tuy nhiên, sau một năm đầy thăng hoa, mức độ tăng trưởng cho chứng khoán Việt Nam có thể sẽ không còn mạnh mẽ như năm 2017. SSI cho rằng, trong năm qua, VN-Index đã tăng gần gấp đôi tăng trưởng lợi nhuận nên sang năm 2018, dù lợi nhuận tiếp tục tăng xấp xỉ thì VN-Index cũng sẽ khó lòng tạo tác động lớn như năm 2017.
Câu chuyện thoái vốn, với những kỳ vọng về dòng tiền nước ngoài đổ vào chứng khoán Việt Nam cũng vẫn là ẩn số trong năm 2018. Bởi ở thời điểm hiện tại, không ai biết được mức giá mà SCIC định thoái vốn là bao nhiêu và mức độ quan tâm của giới đầu tư đến đâu. Cả sức hút từ làn sóng niêm yết cũng là ẩn số. Bằng chứng là nửa cuối năm 2017, nhiều đơn vị đã lên sàn trong lặng lẽ, với giá cổ phiếu vẫn dậm chân tại chỗ.
Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, năm 2018, dòng tiền trong ngắn hạn sẽ tìm đến những cổ phiếu trong danh mục thoái vốn của SCIC, có thể kể đến như Sabeco, Habeco, Vinamilk, Mobifone, PV Oil, PV Power... Nhưng về trung và dài hạn, nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán sẽ dẫn dắt thị trường.
Bất động sản gặp thách thức
Bất động sản năm 2017 trầm lắng đáng kể so với 2 năm trước, mặc dù một số phân khúc như bán lẻ, đất nền và bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng vẫn giữ được đà tăng trưởng. Hưởng lợi từ chu kỳ tăng trưởng mạnh giai đoạn 2015 - 2016, khá nhiều doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn công bố kết quả kinh doanh ấn tượng khi chính thức bàn giao nhà cho khách hàng, tiêu biểu như trường hợp của Vingroup, Đất Xanh, Khang Điền, Phát Đạt, ThuDuc House, Hà Đô, Nam Long.
Theo ông Neil MacGregor - Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đang có những điểm hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Điểm đầu tiên là tăng trưởng GDP của Việt Nam rất tích cực so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực. Dù vậy, bức tranh tổng thể thị trường trong năm 2018 dường như là “thách thức nhiều hơn cơ hội”. Lý do là lượng cung dự kiến tiếp tục tăng quá lớn có thể đe dọa đến khả năng hấp thụ của thị trường, đặc biệt tại phân khúc cao cấp.
“Dự báo năm 2018 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn; và sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị”, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá.
Trong 9 tháng năm 2017, các phân khúc “lai” như officetel, condotel, hometel phát triển rất mạnh, có dấu hiệu cung vượt cầu tại một số địa phương. Điển hình như theo HoREA, lượng căn hộ condotel chiếm khoảng 56% tổng lượng cung, cao hơn nguồn cung phòng khách sạn, resort là không bình thường, vì thông thường ở các nước, nguồn cung căn hộ condotel thường thấp hơn nguồn cung phòng khách sạn, resort; và việc chủ đầu tư cam kết lợi nhuận lên đến 8 - 12%/năm trong 8-12 năm, nhưng không có biện pháp để bảo đảm chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết nên tiềm ẩn yếu tố rủi ro cho nhà đầu tư thứ cấp.
Vì vậy, 2018 sẽ là năm mà các phân khúc này sẽ đối mặt với thách thức tăng trưởng chậm lại, nhất là tại một số địa phương đã tăng quá nóng trong thời gian qua. Đại diện HoREA đã có cảnh báo về condotel, hometel và khuyến nghị các chủ đầu tư chuyển mạnh qua phân khúc nhà ở hợp túi tiền để có sự phát triển bền vững hơn.
Thách thức cho thị trường còn đến từ tác động của Thông tư 06/2016 của Ngân hàng Nhà nước về việc siết lại dòng vốn ngắn hạn tài trợ cho dự án trung và dài hạn (tỷ lệ này giảm từ 50% xuống còn 45% kể từ ngày 1/1/2018), buộc một số doanh nghiệp trong ngành phải tìm kênh khác để huy động nguồn lực, như phát hành thêm cổ phiếu ra thị trường, gia tăng hợp tác với các đối tác ngoại và cuối cùng là tăng cường M&A.
2018 có thể là năm chứng kiến dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam mạnh hơn khi các tập đoàn nước ngoài ngày càng chú ý đến cấu trúc dân số, tốc độ tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng được nâng cấp và quá trình đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh. Dòng vốn đáng kể nhất dự kiến sẽ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và đặc biệt là đến từ Trung Quốc khi một số tên tuổi lớn đã ráo riết thành lập văn phòng đại diện và bộ máy hoạt động trong năm qua.
Mặc dù vậy, nội lực vẫn là nhân tố quyết định vận mệnh của thị trường. Dự kiến trong năm mới, với quyền lực thị trường nhiều khả năng nghiêng hẳn về phía người mua, thì những dự án đẹp, pháp lý rõ ràng, vị trí giao thông thuận lợi, chủ đầu tư uy tín, năng lực tài chính đảm bảo mới có thể thành công.