Năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức và 2,5% biên chế sự nghiệp
Đó là một trong những mục tiêu được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban sáng nay (ngày 12/4/2018) nhằm thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thừa 57.175 biên chế nhà nước
Trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Đẩy mạnh tinh giản biên chế; Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công…
Từ năm 2015 đến ngày 30/11/2017, cả nước đã thực hiện tinh giản biên chế 32.154 người, trong đó, các cơ quan của Đảng, đoàn thể là 1.290 người; Các cơ quan hành chính là 3.842 người; Các đơn vị sự nghiệp công lập là 21.951 người; Cán bộ, công chức cấp xã là 5.287 người; Doanh nghiệp nhà nước là 164 người.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, công tác tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động trong khu vực nhà nước thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tổ chức bộ máy của một số cơ quan nhà nước chưa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao; Vẫn có một số địa phương đề nghị bổ sung biên chế công chức; Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế không theo đúng trình tự quy định…
Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, trong năm 2017, cả nước thừa 57.175 biên chế trong khu vực nhà nước. Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính về công tác quản lý ngân sách nhà nước cũng phát hiện một số địa phương giao biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo vượt định mức như: An Giang vượt 99 biên chế, Lâm Đồng vượt 63 biên chế…
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra tình trạng đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập chưa theo kịp yêu cầu, còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo. Thêm vào đó, chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn quá lớn. Kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm hơn 50% tổng kinh phí hoạt động của các đơn vị (khoảng 140.000 tỷ đồng trong năm 2017, tăng 2,2% so với năm 2016).
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, số biên chế vượt rất lớn như trên sẽ ảnh hướng nghiêm trọng tới nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước. Tuy chưa thể hoàn toàn khẳng định đây là lãng phí nhưng con số này đã thể hiện việc thực hiện không đúng quy định về biên chế công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương và cần phải làm rõ trách nhiệm.
Quản lý chặt số lượng biên chế
Để khắc phục những hạn chế trong tổ chức bộ máy nhà nước và thực hiện hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, báo cáo của Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp; Dừng việc giao bổ sung biên chế; Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao, đồng thời giải quyết dứt điểm số biên chế vượt quá số được giao.
Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức, giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế, đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đề ra. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị công bố công khai những hiện tượng lãng phí để theo dõi, đồng thời biểu dương kịp thời những hành động thiết thực trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí để nhân rộng trong cả nước.