Năm 2018: Hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 86 doanh nghiệp
Năm 2018 được đánh giá là năm bản lề trong kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Mục tiêu đặt ra là phải hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa 86 doanh nghiệp, trong đó ít nhất có 64 doanh nghiệp quy mô lớn.
Sẽ giảm mạnh số doanh nghiệp nhà nước
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, sau nhiều năm triển khai mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), số DNNN hiện nay đã giảm mạnh. Chỉ riêng trong hai năm 2016 và 2017 đã có 109 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước được xác định lại là 187.004 tỷ đồng.
Mặc dù, số lượng DN cổ phần hóa trong hai năm đầu của cả giai đoạn 2016-2020 chưa nhiều (chiếm khoảng 21,4% tổng số lượng các DN đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015) nhưng tổng giá trị vốn nhà nước cổ phần hóa trong hai năm 2016 và 2017 là rất lớn (chiếm tới 98% tổng giá trị phần vốn nhà nước ở các DN đã cổ phần hóa cả giai đoạn 2011-2015). Chỉ tính riêng năm 2017, giá trị vốn nhà nước tại các DN cổ phần hóa được xác định lại đã bằng 85% tổng giá trị phần vốn nhà nước ở các DN đã cổ phần hóa cả giai đoạn 2011-2015…
Nhiệm vụ đặt ra đối với tái cơ cấu DNNN năm 2018 là sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 86 DN. Bao gồm: 22 DN thuộc danh mục năm 2017 và 64 DN thuộc danh mục năm 2018 theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017.
Nhiệm vụ đặt ra khá lớn song trước tình hình nền kinh tế đang có những chuyển biến tích cực, giới chuyên gia kinh tế nhận định: Tiến trình cổ phần hóa DNNN năm nay sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi để có thể hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
Cổ phần hóa tiếp tục là tâm điểm của năm
Điểm lại tình hình thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN thời gian qua, Bộ Tài chính đã quán triệt một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và quyết liệt trong hành động. Cụ thể như rà soát các luật có liên quan như Luật DN; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Luật Cán bộ, công chức; Luật Phá sản; Bộ luật Lao động và các quy định có liên quan để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quá trình cơ cấu lại và vai trò, vị trí của DNNN thời gian tới.
Đồng thời, thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước; Ban hành các cơ chế chính sách như: Nghị định về hoạt động của DNNN và Nghị định thay thế Nghị định số 99/2012/NĐ-CP; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP...
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nghiêm túc triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020; Chủ động thực hiện thoái vốn nhà nước và đảm bảo tiến độ; Tăng cường vai trò giám sát đối với DN, cơ quan giám sát, DN cùng có trách nhiệm thực hiện công khai hóa các thông tin về hoạt động của DN để các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội, điều kiện thuận lợi tham gia đầu tư cùng DN…
Đối với các DN cổ phần hóa năm 2018 và những năm tiếp theo cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN cổ phần hóa theo đúng quy định.
Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, chủ động xử lý các vấn đề về tài chính, lao động trước khi cổ phần hóa theo quy định, xác định thời điểm xác định giá trị DN, công bố giá trị DN, phê duyệt phương án cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu ra công chúng theo đúng quy định.
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, nhiệm vụ đặt ra đối với tái cơ cấu DNNN năm 2018 là sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 86 DN. Bao gồm: 22 DN thuộc danh mục năm 2017 và 64 DN thuộc danh mục năm 2018 theo công văn 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017.