Năm 2023, thị trường hàng không Việt Nam phục hồi hoàn toàn
Theo dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế thị trường hàng không Việt Nam sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2023.
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) có dự báo về thị trường hàng không toàn cầu. Cụ thể, sản lượng luân chuyển khách quốc tế năm 2023 dự kiến bằng 80% so với năm 2019 và nội địa đạt khoảng 95% so với năm 2019.
Song, tốc độ hồi phục tại các khu vực khác nhau như khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự báo phục hồi chậm nhất. Doanh thu vận tải hành khách dự báo tăng và ngành hàng không toàn cầu sẽ có lãi trở lại.
Còn với Việt Nam, hết năm 2022, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019. Thị trường quốc tế dần hồi phục và dự báo sẽ đạt mức 2019 vào cuối năm 2023.
Theo dự báo, thị trường hàng không Việt Nam sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2023. Tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa (tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa, so với năm 2022). Cùng thời điểm trước dịch COVID-19, tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14,8% về hàng hóa.
Cụ thể, về vận chuyển nội địa, dự báo đạt 45,5 triệu khách (tăng 5% so với năm 2022 và tăng 22% so với năm 2019). Đối với hàng hóa, dự báo tăng 230 nghìn tấn (tăng 55% so với năm 2022 và bằng 85% so với năm 2019).
Đối với vận chuyển quốc tế, dự báo đạt 34 triệu khách (gấp 3 lần so năm 2022 và 83,5% so với năm 2019). Về hàng hóa, dự báo vận chuyển 1,23 triệu tấn hàng hóa (tăng 10% so với năm 2022 và 22,4% so với năm 2019).
Ngoài những cơ hội cho ngành hàng không, vẫn còn những thách thức lớn phải đối mặt như: hạn chế về hạ tầng cảng hàng không, sự bất ổn của giá nhiên liệu, sự thiếu hụt nhân sự chuyên môn hàng không, xung đột Nga-Ukraine. Chưa kể, việc điều chỉnh của Trung Quốc liên quan đến kiểm dịch y tế, xuất nhập cảnh áp dụng từ ngày 8/1/2023 là cơ hội để các hãng hàng không hai nước phục hồi việc khai thác thị trường quan trọng này.
Tương tự các thị trường hành khách trọng điểm khác của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, sự phục hồi sẽ diễn ra từ các khó khăn nội tại (tâm lý e ngại dịch bệnh quay lại, kinh tế khó khăn, khoản cắt giảm chi phí đi lại, du lịch sẽ là khoản cắt giảm đầu tiên đối với đa số người dân), nhu cầu đi lại chủ yếu trong giai đoạn tới vẫn sẽ là khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh.Vì vậy, trong giai đoạn ngắn hạn, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc chưa thể phục hồi như thời điểm trước dịch.
Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 1/2023, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không ghi nhận đạt 9,8 triệu khách (tăng 13,8% so với tháng 12/2022). Trong đó, khách quốc tế đạt 2,3 triệu khách (tăng 10%) và khách nội địa đạt 7,5 triệu khách (tăng 15%), so với tháng 12/2022.
Trong số này, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 4,85 triệu khách (tăng 13,4% so với tháng 12/2022) với 1,1 triệu khách quốc tế (tăng 8,5%) và 3,75 triệu khách nội địa (tăng 15%).
Về hàng hóa, sản lượng thông qua các cảng hàng không trong tháng đầu tiên của năm 2023 đạt 112.000 tấn (tăng 11,6% so với tháng 12/2022). Riêng hàng hóa quốc tế là 83.000 tấn (tăng 10%) và hàng hóa nội địa đạt sản lượng 29.000 tấn (tăng 16,6%), so với tháng 12/2022.
Riêng trong 7 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không đạt xấp xỉ 13.000 lượt hạ cất cánh (tăng 39%); hơn 1,9 triệu hành khách (tăng 58%) và hơn 7,6 nghìn tấn hàng hóa (giảm 11,6%), so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2022.
Cũng trong dịp này, các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển hơn 967.000 hành khách và 1.550 tấn hàng hóa, tăng tương ứng 60,7% về hành khách và 28,4% về hàng hóa so với cùng thời điểm năm 2022.
Theo nhận định của các chuyên gia hàng không, với các dấu hiệu phục hồi tích cực ngay từ đầu năm thì việc dự án báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế là có sở. Trong năm 2022, đặc biệt là cao điểm hè và Tết vừa qua, thị trường hàng không nội địa đã có sự tăng trưởng mạnh về sản lượng.
Điều này chứng minh cho sự chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian qua cùng với các biện pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt của Cục Hàng không Việt Nam, nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để ngành hàng không phát triển, đảm bảo tăng trưởng ổn định, bền vững, hiệu quả, an ninh, an toàn; đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.