Báo cáo Quốc gia đầu tiên dựa vào nguồn dữ liệu hộ tịch điện tử

Bích Ngọc

Năm 2021, tỷ lệ trẻ em sinh sống được đăng ký khai sinh của Việt Nam là 88,2%,. Tỷ lệ này tăng lên mức lên 94,8% vào năm 2023 và đạt 96,6% vào năm 2024, cho thấy thành công của những nỗ lực tăng cường công tác đăng ký hộ tịch ở Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo công bố Báo cáo Quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024
Toàn cảnh Hội thảo công bố Báo cáo Quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024

Việt Nam đã có một bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng hệ thống dữ liệu toàn diện, minh bạch và lấy con người làm trung tâm.

Sáng nay 25/4, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) chính thức công bố Báo cáo Quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021 - 2024. Đây là báo cáo quốc gia đầu tiên dựa vào nguồn dữ liệu hộ tịch điện tử được Cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Cục Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp thực hiện, để phân tích thực trạng đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn và biên soạn các chỉ tiêu thống kê quan trọng liên quan đến mức sinh, mức chết và tình trạng hôn nhân; đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực chung của Việt Nam, đảm bảo rằng mọi cá nhân đều được ghi nhận và các sự kiện trong cuộc đời họ được thống kê chính xác và công nhận đầy đủ.

Theo Báo cáo Quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024, mức độ đảm bảo quyền được đăng ký khai sinh của trẻ em Việt Nam khá cao, đặc biệt là trong 2 năm gần đây, năm 2023 và 2024. Năm 2021, tỷ lệ trẻ em sinh sống được đăng ký khai sinh của Việt Nam là 88,2%, tăng lên mức lên 94,8% vào năm 2023 và đạt 96,6% vào năm 2024, cho thấy thành công của những nỗ lực tăng cường công tác đăng ký hộ tịch ở Việt Nam.

 
Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính)
Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính)
"Hệ thống đăng ký hộ tịch đóng vai trò rất quan trọng, cung cấp cơ sở pháp lý để Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân".
 

Tương ứng với tỷ lệ đăng ký khai sinh chung, tỷ lệ trẻ em sinh sống được đăng ký khai sinh đúng hạn cũng tăng mạnh trong giai đoạn 2021 - 2024, từ 74,4% năm 2021 lên 84,9% năm 2024. Điều này phản ánh tác động tích cực của chính sách và chương trình hành động quốc gia về đăng ký hộ tịch.

Có sự khác biệt về tình trạng đăng ký khai sinh muộn giữa các dân tộc. Một số dân tộc thiểu số có tỷ lệ khai sinh muộn lên đến hơn 40%, thậm chí là hơn 50%. Điển hình là các dân tộc: Lô Lô, Xtieng, Mông, RaGlay, Chu Ru. Nhìn chung, các dân tộc có tỷ lệ đăng ký khai sinh muộn cao đều là những dân tộc cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, điều kiện sống và sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn và hủ tục tảo hôn vẫn còn tồn tại.

Cũng theo báo cáo, tỷ lệ đăng ký khai tử ở Việt Nam năm 2024 là hơn 80%, cứ 10 trường hợp đăng ký khai tử thì có 3 trường hợp đăng ký khai tử muộn. Năm 2024, tuổi trung bình khi chết của dân số Việt Nam năm 2024 là 69,9 tuổi.

Các nghiên cứu và phân tích từ báo cáo của Cục Thống kê cho thấy dữ liệu hộ tịch điện tử là nguồn dữ liệu có chất lượng với phạm vi bao phủ gần như đầy đủ, được cập nhật theo đúng thực tế phát sinh nên phục vụ rất hiệu quả cho công tác thống kê và các nghiên cứu phân tích định hướng chính sách.

Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, đối với người dân, Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch chuyên nghiệp, hiện đại có ý nghĩa to lớn; là cơ sở quan trọng cho việc bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Đối với công tác quản lý nhà nước, Hệ thống đăng ký hộ tịch đóng vai trò rất quan trọng, cung cấp cơ sở pháp lý để Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân. Đồng thời, góp phần quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.

Báo cáo Quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021 - 2024 thể hiện một cách khách quan thực trạng hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch trong giai đoạn vừa qua, chỉ ra những tiến bộ rõ rệt; đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, thách thức. Đây sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và người dùng trong các hoạt động sử dụng, quản lý và khai thác dữ liệu hộ tịch.

 
Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam
Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam

"Hệ thống thống kê hộ tịch đáng tin cậy và kịp thời là công cụ thiết yếu để theo dõi tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia và Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs)" 

Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam cũng khẳng định, hệ thống thống kê hộ tịch đáng tin cậy và kịp thời - đặc biệt là dữ liệu về khai sinh, khai tử, nguyên nhân tử vong, kết hôn và ly hôn - là nền tảng cho công tác lập kế hoạch y tế công cộng, chính sách xã hội và phát triển toàn diện. Đây còn là công cụ thiết yếu để theo dõi tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia và Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến sức khỏe bà mẹ, giảm tử vong mẹ, bình đẳng giới và bao phủ y tế toàn dân.

Ông Matt Jackson đặc biệt nhấn mạnh Báo cáo Quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021 - 2024 đã chỉ ra những thách thức Việt Nam cần giải quyết để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau./.