Gần 124.000 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Vũ Thu

Quý I/2025, cả nước đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho gần 124.000 người lao động, phần lớn thuộc nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ, dễ bị đào thải khỏi thị trường lao động.

Lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
Lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo ghi nhận của Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước và Lao động (Bộ Nội vụ) quý I/2025, cả nước có 144.889 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, có 123.835 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; 406.098 lượt người được tư vấn; 31.894 người được giới thiệu việc làm và 3.636 người được hỗ trợ học nghề. Đáng chú ý, phần lớn người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 59,2%); số có trình độ đại học trở lên (chiếm 18,7%); trình độ cao đẳng (7,6%); trung cấp (6%) và 8,5% người nộp hồ sơ đề nghị hưởng có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp. Điều này cho thấy, một số nhóm lao động vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp dẫn đến thất nghiệp, đặc biệt ở nhóm lao động không có chuyên môn kỹ thuật, nhóm dễ bị đào thải nhất khỏi thị trường lao động.

Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian tới, số thất nghiệp có thể tăng nhẹ do người lao động quay lại thị trường và tiếp tục tìm việc làm. Lao động nữ đối diện nguy cơ thất nghiệp cao hơn nam giới, đặc biệt trong ngành dịch vụ và dệt may. Do đó, nhóm lao động trẻ tuổi cần nâng cao kỹ năng để tránh bị ảnh hưởng bởi tái cơ cấu lao động. 

Gần 124.000 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 1

Ông Phạm Ngọc Toàn (Viện khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động) cho biết, dữ liệu Bản tin thị trường lao động quý I/2025 cho thấy, lao động tìm việc qua nhiều hình thức như đến trực tiếp, qua trung tâm dịch vụ việc làm công, trang tin tuyển dụng trực tuyến. Trong đó, nhóm tìm việc qua mạng hoặc các website tuyển dụng phần lớn thông thạo công nghệ, thường có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nhóm 30 - 39 tuổi chiếm gần 43% người đi tìm việc trong 3 tháng đầu năm. Bởi độ tuổi này đã có kinh nghiệm, kỹ năng, nhiều người cần sự thay đổi về vị trí, mức lương, môi trường làm việc và có xu hướng “nhảy việc”. Nhóm 30 - 39 tuổi tìm việc nhiều không có nghĩa đều thất nghiệp mà một phần do chuyển đổi công việc, thể hiện qua tỷ lệ thất nghiệp quý I giảm so với quý trước.

Song ở góc độ khác, ông Toản nhận định, tỷ lệ trên cũng cho thấy thị trường lao động đang khó khăn. U40 là nhóm dễ rơi vào bẫy việc làm trung niên khi công nghệ dần thay thế việc làm truyền thống, sự gia nhập của lao động trẻ. Có bị thay thế hay không phụ thuộc rất lớn vào việc lao động có thích nghi được với vị trí việc làm hay không. Cùng một vị trí việc làm, nhìn lại khoảng 2 năm trước so với hiện tại sẽ có những đòi hỏi rất khác. Chưa kể tình hình kinh tế thế giới, chính sách thuế quan Mỹ cũng sẽ tác động nhất định tới thị trường lao động trong nước thời gian tới. Do đó, những lao động này cần tự trang bị thêm kỹ năng công nghệ thông tin đi kèm chuyên môn để giải quyết công việc tốt hơn, thường xuyên cập nhật thông tin vị trí việc làm để có định hướng cho công việc.

Xu hướng tuyển dụng quý I vẫn chủ yếu yêu cầu trình độ đại học trở lên chiếm gần 53%, tiếp đến là cao đẳng, trung cấp 40%; chỉ gần 7% không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật. Cầu gặp cung khi gần 51% lao động tìm việc có trình độ đại học trở lên; 29% thuộc nhóm cao đẳng, trung cấp. Ở vị trí công việc tạm thời, thị trường ghi nhận sự “lệch pha” khi chỉ 8% tuyển dụng trong khi 32% cần công việc tạm thời. “Thị trường lao động quý tới phụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, có thể biến động một phần từ chính sách thuế quan của Mỹ, nhất là các ngành hàng thâm dụng lao động như điện tử, may mặc... Ngược lại, nhóm được dự báo tăng tuyển dụng là bán hàng, dịch vụ chăm sóc khách hàng, logistic, vận tải, xây dựng khi lĩnh vực đầu tư công được đẩy mạnh tạo ra nhiều việc làm tương ứng” - ông Toản nhận định.

Về triển vọng thị trường lao động quý II/2025, Bộ Nội vụ nhận định khoảng 52,2 triệu người có việc làm, tăng 350.000 người so với quý I. Dự kiến một số nhóm ngành sẽ tăng tuyển dụng lao động và có thêm việc làm như sản xuất trang phục; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện với mức tăng lần lượt 4,95%; 4,2% và 3,7%. Ngược lại, một số ngành dự kiến giảm việc làm là khai khoáng; sản xuất đồ uống; sản xuất sản phẩm thuốc lá./.